Theo báo PhilStar ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) Charles Jose cho biết, sau khi chính quyền Manila xác nhận Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng tại Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, DFA đã lập tức triển khai các biện pháp ngoại giao để lên án.
Người phát ngôn Jose nêu rõ Philippines cũng đang giám sát các hoạt động của Trung Quốc tại Đá Ga Ven và Đá Châu Viên cũng thuộc quần đảo Trường Sa. Ông Jose khẳng định Philippines “chắc chắn sẽ tiếp tục gửi công hàm phản đối tương tự” nếu xác thực được hành động cải tạo đất của Trung Quốc tại các khu vực trên.
Người phát ngôn Jose nhấn mạnh, hành động đào đắp đất trên các bãi đá là bằng chứng cho mưu đồ mở rộng lãnh thổ trên Biển Đông, dù Trung Quốc là một bên ký kết Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Ảnh chụp ngày 25/4/2014 cho thấy tàu và các thiết bị xây dựng đã đổ cát lên đảo Gạc Ma. Ảnh: PhilStar |
"Hành động khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc dẫn tới nhận định rằng nước này theo đuổi kế hoạch mở rộng lãnh thổ để củng cố đường chín đoạn mà họ tự vẽ ra trên Biển Đông. Đây là hành động gây căng thẳng. Cả Trung Quốc và ASEAN đều ký kết DOC năm 2002. Tất cả những điều mà Trung Quốc đang thực hiện hiện nay là vi phạm các quy định của DOC", người phát ngôn Jose tuyên bố.
Tuy nhiên ông không thông tin về phản ứng của Trung Quốc trước công hàm mới nhất từ Philippines. Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila luôn nhanh chóng bác bỏ những phản đối của Philippines về tranh chấp trên Biển Đông.
Hôm qua 13/6, báo chí Philippines dẫn một báo cáo của dinh Tổng thống Philippines cho biết Trung Quốc có thể đang cải tạo đất trái phép tới 5 khu vực trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam - gồm Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Én Đất.
Giữa tuần qua, Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Ngoại trưởng Albert del Rosario bày tỏ lo ngại trước việc Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động cải tạo và tăng cường ở Biển Đông.
Trước đó, vào tháng 4/2014, Bộ Ngoại giao Philippines phản đối công trình xây dựng một đảo nhân tạo tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Các lãnh đạo và giới chuyên gia lo ngại việc việc cải tạo của Trung Quốc nhằm các mục đích quân sự, đặc biệt là việc xây dựng một đường băng để làm nền tảng thiết lập vùng phòng không trên Biển Đông.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc hoàn thành kế hoạch xây căn cứ quân sự ở đảo Gạc Ma, sự ổn định của ASEAN sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm.
“Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, bạn có thể thấy đường băng có chiều dài hơn 1,6 km, nghĩa là nó cho phép các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km) hiện diện tại căn cứ. Đảo Gạc Ma giống như một chấm ở giữa vòng tròn với bán kính khoảng hơn 1.600 km. Khu vực ấy bao gồm rất nhiều phần lãnh thổ của các nước trong khu vực. Do vậy, căn cứ của Trung Quốc có thể đe dọa tất cả căn cứ của chúng ta”, ông Golez nhấn mạnh.