Một nhà thầu chuyên cung cấp cá của Philippines, Pasi Abdulpata, cho Bloomberg biết các tàu Trung Quốc chở rất nhiều bao xi măng, gỗ và thép đến gần đảo Gạc Ma từ giữa tháng 5. "Họ có vẻ chuẩn bị xây các tòa nhà lớn. Hành động này đang làm biến dạng đại dương", ông Abdulpata nhấn mạnh.
Các ngư dân Philippines cũng kể lại cảnh tàu Trung Quốc chở vật liệu xây dựng thường xuyên tới lui quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ ý đồ xây dựng công trình trái phép. Quan chức Philippines cho rằng hành động này của Trung Quốc giống như quá trình cải tạo đất và xây dựng khu nghỉ dưỡng Palm của Dubai.
"Họ muốn tạo ra các hòn đảo vốn không tồn tại tự nhiên trên thế giới, cũng như đảo ở Dubai. Công trình của Trung Quốc rất lớn và không có dấu hiệu sẽ ngừng lại. Đây là bước để họ tiến tới chiếm toàn bộ Biển Đông", Bloomberg ngày 10/6 dẫn lời một quan chức Philippines cho hay.
Ảnh chụp hồi tháng 2 ghi nhận tàu Trung Quốc gắn máy xúc hoạt động gần bãi Én Đất (thuộc quần đảo Trường Sa) để khai thác tài nguyên. Ảnh: Inquirer |
Chính quyền ở Manila cho hay Trung Quốc bắt đầu cải tạo đất để xây dựng đường băng và nhiều công trình quân sự khác trên đảo Gạc Ma của Việt Nam từ tháng 2/2014. Bộ Quốc phòng Philippines hồi tháng 5/2014 cho biết đã phát hiện một tàu lớn đang hút cát tại khu vực này. Chính quyền Philippines liên tục ghi nhận hoạt động của tàu Trung Quốc quanh hai bãi đá Ga Ven và Châu Viên. Hai bãi đá này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng.
Các chuyên gia cho rằng việc xây đường băng trên đảo sẽ giúp Trung Quốc thành lập một vùng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông tương tự như vùng phòng không trên biển Hoa Đông. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Nhật Bản.
Ông Roilo Golez, cựu cố vấn an ninh quốc gia Philippines, cho rằng việc Trung Quốc xây cơ sở quân sự, đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sẽ đẩy sự ổn định của các nước Đông Nam Á vào tình thế bấp bênh.
“Căn cứ mà Trung Quốc dự tính xây bao gồm cả bến tàu để họ có thể tiếp tế và hỗ trợ cho các tàu khu trục. Ngoài ra, bạn có thể thấy đường băng có chiều dài hơn 1,6 km, nghĩa là nó cho phép các máy bay chiến đấu, như chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc (có phạm vi hoạt động hơn 3.200 km) hiện diện tại căn cứ. Đảo Gạc Ma giống như một chấm ở giữa vòng tròn với bán kính khoảng hơn 1.600 km. Khu vực ấy bao gồm rất nhiều phần lãnh thổ của các nước trong khu vực. Do vậy, căn cứ của Trung Quốc có thể đe dọa tất cả căn cứ của chúng ta”, ông Golez nhấn mạnh.
“Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là kiểm soát các vùng biển lân cận, như tây Thái Bình Dương, nếu không dựa trên luật thì cũng theo tình hình thực tế. Trung Quốc có thể cân nhắc các biện pháp cưỡng chế mạnh hơn trước lập trường phản kháng cứng rắn của các nước liên quan”, ông Richard Javad Heydarian, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila, nhận định.