Tờ Diplomat của Nhật Bản cho biết, trong những năm qua, Trung Quốc nhiều lần chỉ trích các nước xung quanh cố tình “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp với Bắc Kinh và yêu sách lãnh thổ của nước này. Họ cũng mạnh mẽ lên án bên thứ 3, thường là Mỹ, lên tiếng trước những tranh chấp này. Thậm chí, Trung Quốc còn bác bỏ việc Philippines nộp đơn kiện yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông lên Tòa án Trọng tài của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu công vụ của Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các nước xung quanh thông qua các biện pháp trực tiếp và đàm phán song phương nhằm tận dụng những ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Vì vậy, việc đại diện của Trung Quốc tại LHQ yêu cầu Tổng thư ký Ban Ki Moon lưu hành văn bản vu cáo Việt Nam là một động thái bất ngờ.
Lý giải cho hành động này, tờ Diplomat cho rằng Trung Quốc đang ngày càng quan ngại hành động pháp lý mang tính quốc tế của các nước láng giềng. Nếu Bắc Kinh yếu thế trong cuộc chiến pháp lý, họ sẽ đánh mất những ưu thế quân sự vượt trội mà Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang có.
Tàu cá vỏ sắt Trung Quốc tấn công tàu cá vỏ gỗ của Việt Nam. Ảnh: VOV |
Sau khi Philippines nộp đơn kiện yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc lên tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Việt Nam tiếp tục đe dọa sử dụng các hành động pháp lý chống lại những hành vi ngang ngược của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Chúng giúp Việt Nam và Philippines nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Trước nguy cơ yếu thế, Trung Quốc lưu hành văn bản khẳng định cái gọi là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam lên LHQ với mục đích ngăn cản Việt Nam tiến hành các hành động pháp lý nhằm vào hành vi ngang ngược của Bắc Kinh. Nó mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi thế hơn so với việc duy trì chính sách giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua các biện pháp song phương.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Chiến lược mới giúp Trung Quốc lan truyền cái gọi là chủ quyền đối với Hoàng Sa nhằm tạo ra bằng chứng trong trường hợp Việt Nam kiện Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây là một canh bạc nguy hiểm. Việc Trung Quốc chấp nhận quốc tế hóa và để luật pháp quốc tế can thiệp vào những tuyên bố chủ quyền của nước này đặt Bắc Kinh vào thế "được ăn cả, ngã về không".
Bên cạnh cái gọi là chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, yêu sách đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, của Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ bị quốc tế soi xét. Trên thực tế, Trung Quốc đưa ra yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông mà không dựa vào một bằng chứng pháp lý nào nên Bắc Kinh khó lòng giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý quốc tế.