Một cuộc không kích của phương Tây nhằm vào thị trấn Kobani, Syria, mà phiến quân IS từng chiếm đóng. Ảnh: Reuters |
Hiện tại, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là tổ chức khủng bố gây kinh hoàng nhất với thế giới. Chúng đủ mạnh để đánh bại một số quân đội quốc gia, khả năng tài chính đủ dồi dào để không ngừng mở rộng hoạt động. Bộ Tài chính Mỹ ước tính lợi nhuận buôn bán dầu thô của IS đến 1 triệu USD/ngày.
Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) ước tính IS quy tụ khoảng 31.000 tay súng và kiểm soát một phần rộng lớn ở Trung Đông, tương đương với lãnh thổ nước Bỉ. IS tấn công và nhanh chóng chiếm đóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, hồi tháng 6. Sự việc này không chỉ khiến chính phủ Iraq "mất mặt" mà còn vạch trần sự yếu kém của quân đội Iraq.
Điểm khác biệt lớn giữa IS và các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác là IS đã thành công trong một nhiệm vụ mà thậm chí al-Qaeda cũng không làm được: đánh chiếm căn cứ và xây dựng nơi đây thành một thành trì ngay giữa trung tâm thế giới Arab. Tuy nhiên, IS cũng tiến hành chiến lược một cách dã man nhất, sẵn sàng hành quyết bất kỳ ai ngăn cản sự thống trị của chúng. Đến nay, IS đã thực hiện ít nhất 4 vụ xử tử tập thể.
2. Boko Haram
Nhóm khủng bố Boko Haram. Ảnh: France24 |
Với cái tên mang ý nghĩa "nền giáo dục phương Tây là điều tội lỗi", Boko Haram buộc cả thế giới phải chú ý qua những lần tấn công đẫm máu vào các trường học và giết hại học sinh, sinh viên. Boko Haram đã bắt cóc khoảng 300 nữ sinh, cưỡng ép kết hôn và cải đạo sau một thời gian dài hoành hành ở phía bắc Nigeria nhiều năm qua.
Boko Haram thành lập từ năm 2002, nhưng hoạt động của chúng chỉ ngày càng trỗi dậy vào năm 2009, sau khi tân thủ lĩnh Abubakr Shekau phát động những chiến lược khủng bố chống chính phủ. Boko Haram đã tấn công nhiều làng mạc, bắn chết hoặc thiêu sống thường dân. Gần đây, ít nhất 50 học sinh thiệt mạng sau khi một thành viên Boko Haram giả dạng lẻn vào trường học và đánh bom tự sát hôm 10/11.
Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ ước tính ít nhất 6.700 người đã chết trong những vụ bạo lực mà băng đảng này gây ra từ tháng 5/2011. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là một con số nhỏ nếu so với quy mô hoạt động và bản chất tàn bạo của nhóm Boko Haram.
Chính phủ Nigeria đã phát động chiến dịch quân sự chống lại Boko Haram nhưng không hiệu quả. Nhà chức trách đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại ba thị trấn Borno, Yobe và Adamawa từ tháng 5/2013, cho phép quân đội toàn quyền kiểm soát để làm căn cứ chống khủng bố. Tuy nhiên, một số vụ lạm quyền lực với người dân đã xảy ra, khiến Liên Hiệp Quốc ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội Nigeria.
3. Lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran
Một nhóm quân chủ lực thuộc Vệ binh cách mạng Iran. Ảnh: Reuters |
Thủ lĩnh của lực lượng Quds là Qassem Suleimani, người mà báo New York Times gọi là "Tư lệnh bóng tối". Một cựu điệp viên CIA từng kể trên tạp chí New Yorker rằng: "Suleimani là một trong những người quyền lực nhất Trung Đông ngày nay. Không người nào ở đó mà chưa từng nghe đến ông ta".
Chính phủ Mỹ không xem Quds, lực lượng bí mật thuộc của vệ binh cách mạng Iran, như một tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, những hoạt động của tổ chức này vô cùng đáng lo ngại, khi Quds là đầu mối kết nối, duy trì và hỗ trợ những tổ chức khủng bố trong khu vực để mở rộng ảnh hưởng của Iraq và giữ thế cân bằng với kẻ thù.
Quds chính là tài sản quý giá của nhà nước Iran để tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, tạo đòn bẩy cho phép Tehran áp đặt một số điều khoản vào những cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực.
Nhóm khủng bố Hezbollah ở Lebanon, Asaib Ahl al-Haq ở Iraq, phòng trào Hamas, Islamic Jihad Palestine hoặc thậm chí là chính phủ Syria đều ít nhiều chịu ơn Iran, nhờ lượng tiền bạc dồi dào, các chuyến hàng vũ khí và kinh nghiệm chiến trường mà lực lượng Quds chia sẻ.
Tháng 10/2007, Bộ Tài chính Mỹ xem Quds là "một nhóm cần lưu tâm" vì hành vi hỗ trợ khủng bố. Theo bộ này, mỗi năm Quds viện trợ cho Hezbollah từ 100 triệu đến 200 triệu USD.
4. Mạng lưới Haqqani
Các tay súng thuộc mạng lưới Haqqani. Ảnh: Newstribe |
Dù chỉ mới có Bộ Ngoại giao Mỹ xác định Haqqani là tổ chức khủng bố từ mùa thu năm 2012, tổ chức này vẫn là một trong những băng đảng chống Mỹ mạnh mẽ nhất ở Afghanistan. Bất kỳ một cuộc tấn công khủng bố nào xảy ra ở thủ đô Kabul, giới quan sát tình hình Afghanistan ngay lập tức quy trách nhiệm cho Haqqani. Khi thực hiện thành công những âm mưu đánh bom, Haqqanis chứng tỏ khả năng phá vỡ hoặc luồn qua hàng rào an ninh dày đặc của Afghanistan và liên quân quốc tế.
Tuy nhiên, điều khiến Haqqani trở nên nguy hiểm thực sự chính là mối quan hệ sâu sắc giữa chúng với các bộ lạc dân tộc phía đông Afghanistan, cũng như việc họ sẵn sàng hợp tác với phiến quân.
Al-Qaeda, Phong trào Hồi giáo của Uzbekistan, tổ chức Taliban của Pakistan, Phong trào Hồi giáo Turkistan đều dựa vào sự hỗ trợ của Haqqanis để tiếp cận vùng biên giới Afghanistan - Pakistan, hoặc những lời khuyên về chiến thuật tấn công chống lại quân đội Afghanistan và liên quân quốc tế.
Các chuyên gia lo ngại sau khi Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016, Haqqanis với những nguồn lực dồi dào và sự ủng hộ của các bộ tộc sẽ tiếp tục là một tổ chức có thể tồn tại lâu dài.
Bộ Quốc phòng Mỹ từng thừa nhận trong một báo cáo trình quốc hội về xung đột ở Afghanistan rằng: "Mạng lưới Haqqani sẽ tiếp tục là mối đe dọa quan trọng nhất với liên quân trong những sứ mệnh phi chiến đấu từ cuối năm 2014".
5. Kataib Hezbollah
Đoàn xe của phiến quân Kataib Hezbollah người Shia. Ảnh: EPA |
Tổ chức khủng bố Kataib Hezbollah sử dụng chiến thuật tàn bạo tương tự như Nhà nước Hồi giáo khi chiếm cứ địa ở Iraq. Tuy nhiên, Kataib Hezbollah vốn là một nhóm phiến quân người Shia từng hợp tác với chính phủ Iraq, quân đội Iraq và nhà nước Iran.
Kataib Hezbollah thành lập khoảng năm 2006 - 2007, trở nên nổi tiếng qua những lần phục kích và tấn công quân đội Mỹ lúc họ tuần tra xung quanh biên giới Iraq, hoặc đặt bom tự chế trên những tuyến đường mà xe bọc thép Humvees của Mỹ đi qua.
Mỹ đã chính thức xếp Kataib Hezbollah vào danh sách những tổ chức khủng bố quốc tế từ năm 2009. "Kataib Hezbollah đe dọa cuộc sống của các chính trị gia Iraq và người dân ủng hộ tiến trình chính trị hợp pháp tại Iraq", Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, Bộ này cho biết Kataib Hezbollah đã thay đổi phương thức hoạt động gần đây. Trên thực tế, do tình hình quân đội chính phủ suy yếu nên Kataib Hezbollah có cơ hội phát triển mạnh.
Chính phủ Iraq, từ thời cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki và hiện nay là Haider al-Abadi, thậm chí phải phụ thuộc không chính thức vào những phiến quân người Shia như nhóm Kataib Hezbollah để củng cố một quân đội chống lại sự bành trướng chiếm lãnh thổ của IS từ phía tây.
Tuy nhiên, một số tổ chức nhân quyền lên án sự tàn bạo của Kataib Hezbollah và những liên minh Shia của nhóm này. Họ bắt ngay những người Sunni tình nghi chứa chấp IS, sau đó giam giữ và tra tấn tù binh trong một nhà tù khét tiếng ở Iraq, hoặc thậm chí giết ngay tại hiện trường. Có thể nói, nếu IS gây ra nỗi sợ kinh hoàng với những người Shia tại Iraq, thì Kataib Hezbollah tạo nên nỗi khiếp sợ tương tự với những người Sunni.