Abu Bakr al Baghdadi, mục tiêu "khó nhằn" của tình báo Mỹ. Ảnh: AP |
Hôm 13/11, thông qua một đoạn băng ghi âm dài 17 phút được đăng tải trên mạng, Baghdadi khẳng định vẫn sống sót sau vụ bị máy bay Mỹ không kích và thề sẽ mở rộng các cuộc tấn công của IS vào thế giới Arab bằng cái gọi là “kích nổ những ngọn núi lửa thánh chiến”. Y cũng khẳng định IS sẽ mở rộng lãnh thổ sang nhiều nước khác thuộc thế giới Arab.
Gần như đồng thời, giới quan chức quân sự, tình báo Mỹ đã phải nhóm họp để tìm ra câu trả lời: Tại sao việc truy tìm dấu tích nhóm khủng bố này lại khó khăn đến vậy.
Rất đơn giản, đó là bởi Baghdadi và các thuộc cấp sử dụng mật mã trong giao tiếp và có biện pháp đề phòng bị tình báo Mỹ do thám, chặn thu. Khi mà các chiến dịch tình báo còn chưa được thực hiện trên mặt đất, chưa có được các điệp viên xâm nhập vào sào huyệt của IS tại Syria, thì việc truy nguyên dấu vết của IS nói chung và thủ lĩnh của nhóm này nói riêng vẫn là một thách thức thực sự đối với cỗ máy tình báo khổng lồ của Mỹ.
Ngoài biện pháp mã hóa, IS còn biết sử dụng cả các dịch vụ thông tin thương mại sẵn có hiện nay cho phép tự động xóa tin nhắn gửi qua Internet, khó có thể chặn thu được. Một quan chức Mỹ tham dự cuộc họp hôm 13/11 nói rằng, một dịch vụ khác mà IS thường dùng có tên gọi FireChat, cho phép người dùng gửi tin thoại cho nhau mà không cần kết nối Internet.
Giới chức tình báo Mỹ cho biết, IS đã điều chỉnh cách thức trao đổi thông tin trong nội bộ, vì biết rằng lúc nào cũng là mục tiêu bị theo dõi. Việc Baghdadi sống sót trong vụ tấn công vừa qua cho thấy, IS đã áp dụng quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin, đặc biệt là ở tầng lãnh đạo. “Những phần từ này có nguyên tắc chặt chẽ. Chúng thực hành liên lạc theo phân cấp không sử dụng điện thoại di động. Ngoài ra, IS còn sử dụng phương thức cổ điển là người truyền tin, khi muốn truyền tải nội dung cần thiết trong mạng lưới”, một quan chức chống khủng bố giấu tên của Mỹ chia sẻ.
Phát biểu trước phiên điều trần tại Ủy ban quân lực Hạ viện hôm 13/11, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng phải thừa nhận, IS đang “lẩn trốn” thành công trước tình báo Mỹ, nhất là khi liên quân tăng cường các đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của IS. Một cựu tướng lĩnh khác thì nhìn nhận, việc truy tìm tung tích IS gặp khó là do không có quân tham chiến trên bộ, dẫn đến mất khả năng kết nối, kiểm định thông tin tình báo thu thập được bằng máy bay không người lái, chụp ảnh vệ tinh…
Không những vậy, IS không phải là “tay mơ” trong trò chơi phản tình báo. Tổ chức khủng bố này đã học được nhiều điều từ các vụ rò rỉ thông tin gần đây liên quan đến phương thức thu thập tin tức bằng phương tiện kĩ thuật của tình báo Mỹ, nhất là vụ “kẻ đào tẩu” Edward Snowden cho “bung” bằng chứng về một số chương trình bí mật của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Không những vậy, thông qua liên hệ với chân rết al Qaeda tại Iraq (AQI – tổ chức khủng bố từng quá quen với hoạt động của Mỹ), IS cũng có điều kiện “tiếp thu” nhiều biện pháp đề phòng.
“Hậu Snowden”, IS đã tiến hành nhiều cuộc bàn thảo về an ninh tác chiến trên các diễn đàn công khai, Christopher Ahlberg, Giám đốc điều hành công ty Recorded Future, chuyên về phân tích dữ liệu, với nguồn tài chính do cộng đồng tình báo Mỹ tài trợ cho biết. Tháng 11/2013, IS đã cho ứng dụng một công nghệ mã hóa dựa trên nền tảng web. Thế nhưng, gần đây tổ chức này đã yêu cầu các thành viên loại bỏ giao thức này, không tiến hành truyền tin qua mạng xã hội (twitter, facebook), cắt đứt mọi dấu vết có thể truy ra xem tin nhắn được gửi từ địa điểm nào.