Mỹ lo ngại chuyển giao F-16 cho Không quân Iraq trong tình hình hiện tại là một hành động mạo hiểm. Ảnh: Jane's Defence Weekly |
Jane’s Defence Weekly dẫn lời nguồn tin Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, những chiếc tiêm kích F-16 dự định chuyển giao cho Không quân Iraq sẽ ở lại Mỹ cho đến khi tình hình an ninh được cải thiện. 3 chiếc F-16 vừa xuất xưởng tại cơ sở sản xuất của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas sẽ được chuyển đến cơ sở Không lực Vệ binh quốc gia ở Tucson, Arizona vào tháng 12 tới.
Sau đó, mỗi tháng sẽ có thêm 1 chiếc chuyển tới Tucson. Đại tá Steven Warren, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Chúng tôi mong đợi các phi công Iraq sẽ bắt đầu bay với các máy bay của họ để tiếp tục công tác đào tạo từ tháng 1/2015”.
Các phi công Iraq có mặt tai căn cứ Tucson đã trải qua quá trình đào tạo với máy bay huấn luyện. Theo Bộ Quốc phòng, các phi công này sẽ được chuyển loại dành riêng cho F-16 khi nhà sản xuất giao máy bay. Không quân Iraq sẽ đảm nhận các hoạt động bảo trì với sự hỗ trợ từ nhà thầu.
Iraq đã đặt mua 36 chiếc tiêm kích F-16C/D block 52. Trước đó, những chiếc F-16 đầu tiên dự định chuyển đến căn cứ không quân Balad vào đầu năm nay. Tuy nhiên, tình hình an ninh trở nên xấu đi với sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bộ Quốc phòng Mỹ đã cho sơ tán nhà thầu ra khỏi Iraq và trì hoãn việc chuyển giao máy bay.
Trong thông báo của mình, Bộ Quốc phòng Mỹ không đề cập đến việc các máy bay sẽ ở lại cơ sở đào tạo của Mỹ trong thời gian bao lâu. Một quan chức Không quân Mỹ cho biết, các máy bay có thể ở lại căn cứ cho đến năm 2016. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ 36 chiếc F-16 sẽ hoàn thành việc chuyển giao cho đến hết năm 2017, nhưng với tình hình hiện tại mốc thời gian trên có thể sẽ kéo dài hơn.
Những chiếc F-16 của Iraq sẽ ở lại Mỹ cho đến khi tình hình an ninh được cải thiện. Cả Iraq lẫn Mỹ đều không đủ tự tin để những chiếc F-16 tham gia cuộc chiến chống IS. Ảnh: F16.net |
Cơ quan hợp tác An ninh-Quốc phòng Mỹ DSCA cho biết, những chiếc F-16 chuyển giao cho Iraq có cấu hình rất hiện đại. Cụ thể, nhà sản xuất trang bị cho phi công mũ bay tích hợp, thân máy bay bổ sung thêm thùng nhiên liệu đa giác, động cơ Pratt & Whitney F100PW-229 hoặc General Electric F110-GE-129 nâng cấp.
Cảm biến gồm radar AN/APG-68 (V) 9 với khả năng mở khẩu độ tổng hợp SAR, bộ cảm biến tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu gắn ngoài AN/AAQ-33 hoặc AN/AAQ-28. Hệ thống trinh sát DB-110, pod tác chiến điện tử AN/ALQ-211 và hệ thống phóng mỗi bẫy AN/ALE-47.
Về vũ khí, F-16C/D block 52 của Iraq có thể trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9, tên lửa không đối không tầm trung AIM-7, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, bom thông minh Paveway-II và bom rơi tự do.
Giữ F-16 tại Mỹ cho đến khi tình hình an ninh tại Iraq được cải thiện là một quyết định thận trọng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Mỹ và các đồng minh có sức mạnh gấp nhiều lần quân đội Iraq nhưng vẫn chưa thể áp chế được sức mạnh của IS. Do đó, chuyển giao F-16 cho Iraq trong tình hình hiện tại là một hành động mạo hiểm.
Quân đội Iraq đang sử dụng các máy bay cánh cố định và trực thăng trong cuộc chiến chống IS. F-16 là một tiêm kích đa năng nhưng vai trò của nó trong cuộc chiến chống IS chưa thực sự cần thiết nên để lại tại Mỹ là giải pháp tốt nhất.