Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 chiến hạm uy lực chưa từng xung trận

Thiết giáp hạm A-150 của Nhật sử dụng pháo cỡ nòng 510 mm hay Sovetsky Soyuz của Liên Xô có lượng giãn nước tới 60.000 tấn là hai trong những chiến hạm chưa từng tham chiến.

South Dakot, Mỹ
a

Mô hình thiết giáp hạm South Dakota của Mỹ. Ảnh: Ibiblio

Theo National Interest, cuối Thế chiến I, Anh, Nhật Bản và Mỹ lên kế hoạch đóng mới những tàu chiến cỡ lớn nhằm khẳng định sức mạnh. Mỹ vốn không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh có nhiều lợi thế trong cuộc đua làm chủ đại dương.

Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện hai dự án đầy tham vọng là tuần dương hạm hạng nặng lớp Lexington và thiết giáp hạm lớp South Dakota. Đặc biệt, South Dakota là thiết kế chiến hạm mạnh nhất thời điểm đó. Tàu có lượng giãn nước khoảng 48.000 tấn, tốc độ tối đa 23 hải lý/giờ.

Vũ khí chủ lực của nó là 12 pháo hạm cỡ nòng tới 406 mm bố trí trong 4 tháp pháo với 3 khẩu mỗi tháp. Hệ thống vũ khí này đưa nó trở thành chiến hạm có hỏa lực mạnh nhất thời điểm đó. Hải quân Mỹ dự kiến sử dụng South Dakota với vai trò thiết giáp hạm tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, Hiệp ước hải quân Washington ký năm 1922 cấm đóng mới các chiến hạm lớn sử dụng vũ khí cỡ nòng trên 203 mm. Hải quân Mỹ buộc phải hủy bỏ kế hoạch đóng 6 tàu, trong đó có 4 tàu đã hoàn thành trên 30% công việc.

Tuần dương hạng nặng G3, Anh
a

Mô hình tuần dương G3 trưng bày trong một bảo tàng ở Anh. Ảnh: Wikipedia

Chiến hạm này đại diện cho xuất phát điểm cơ bản của Hải quân Hoàng gia Anh trong cuộc đua trên biển. G3 kế thừa sức mạnh của tuần dương hạm HMS Hood kết hợp với lớp giáp chắc chắn. Nó được trang bị 9 pháo hạm cỡ nòng 406 mm bố trí trong 3 tháp pháo.

Tàu có lượng giãn nước khoảng 48.000 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ. Hải quân Hoàng gia chê thiết kế của G3 quá xấu. Tuy nhiên, nó có hỏa lực mạnh và bọc giáp chắc chắn có thể sánh ngang các tàu chiến của nước ngoài nên vẫn được thông qua.

Hải quân Hoàng gia phê duyệt dự án ngày 12/8/1921 với đơn hàng 4 tàu. Tuy nhiên, chương trình bị hủy bỏ tháng 2/1922 sau khi Hiệp ước Hải quân Washington có hiệu lực.

Sovetsky Soyuz, Liên Xô
r

Mô hình siêu chiến hạm của Hải quân Liên Xô. Ảnh: Warshipsfromrussia

Năm 1918, sau khi Cách mạng Tháng 10 thành công, Liên Xô tiếp quản hạm đội tàu chiến của Đế quốc Nga để lại. Tuy nhiên, phần lớn các tàu chiến đã lỗi thời không đủ khả năng bảo vệ vùng biển rộng lớn của nước này. Cuối những năm 1930, Hải quân Liên Xô bắt đầu thực hiện kế hoạch hiện đại hóa lực lượng đầy tham vọng.

15 thiết giáp hạm lớp Sovetsky Soyuz được phê duyệt nhằm cạnh tranh sức mạnh trên biển với hai đối thủ chính là Đức và Nhật Bản. Soyuz được thiết kế với lượng giãn nước tới 60.000 tấn. Vũ khí chủ lực là 9 pháo hạm cỡ nòng 406 mm, tốc độ tối đa khoảng 28 hải lý/giờ.

Những chiến hạm này sẽ là trụ cột sức mạnh cho 4 hạm đội của Hải quân Liên Xô. Tuy nhiên, bản thiết kế vượt quá năng lực của ngành công nghiệp đóng tàu trong nước. Moscow chưa làm chủ được công nghệ cần thiết để sản xuất những tấm giáp đủ dày dẫn đến mức độ bảo vệ yếu.

Bên cạnh đó, các nhà máy đóng tàu trong nước thiếu kinh nghiệm làm việc với những tàu chiến hạng nặng nên chưa thể khắc phục vấn đề kỹ thuật phát sinh. Mặt khác, việc Đức Quốc xã đánh bại phần lớn châu Âu buộc Moscow phải tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh vệ quốc.

Tháng 10/1940, Tổng bí thư Stalin ký quyết định hoãn vô thời hạn dự án để tập trung cho các tàu chiến nhỏ. Hải quân Liên Xô mãi lỡ hẹn với những thiết giáp hạm uy lực.

H39, Đức
a
Mô hình chiến hạm uy lực nhất của Đức Quốc xã. Ảnh: Marcle

Sau khi nắm quyền điều hành nước Đức đầu những năm 1930, Adolf Hitler phá bỏ Hòa ước Versailles để khôi phục sức mạnh Hải quân Đức. Bước đầu tiên của kế hoạch là đóng mới hai thiết giáp hạm lớp Scharnhorst, tiếp đến là chiến hạm cỡ lớn đầy uy lực Bismarck và Tirpitz. Cuối cùng, cốt lõi sức mạnh là 6 siêu hạm H39.

Về cơ bản, H39 là sự mở rộng của Bismarck với lượng giãn nước toàn tải tới 57.000 tấn, tốc độ tối đa khoảng 30 hải lý/giờ. Vũ khí chủ lực của siêu hạm là 8 pháo hạm 406 mm bố trí trong 4 tháp pháo đôi. Hải quân Đức Quốc xã dự định sử dụng H39 để cạnh tranh với Liên Xô ở biển Baltic và biển Bắc.

Hai tàu được đóng mới khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 xảy ra. Tuy nhiên, chính phủ Đức quyết định ngưng dự án để tập trung cho các tàu chiến nhỏ và không quân. Nếu Đức quyết tâm hoàn thành siêu hạm này, cục diện trên Đại Tây Dương có thể đã diễn biến theo chiều hướng khác.

A-150 Nhật Bản
a

Mô hình siêu hạm lớn nhất lịch sử A-150 do Bob Weymouth thực hiện. Ảnh: Scale

Cuối những năm 1930, Nhật Bản tiến hành dự án đầy tham vọng nhằm xây dựng lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Bước đầu tiên là kế hoạch đóng mới 5 siêu thiết giáp hạm lớp Yamato, tàu chiến lớn nhất thế giới ở thời điểm đó.

Bước kế tiếp là đóng mới chiến hạm A-150 với lượng giãn nước tới 78.000 tấn (gần tương đương siêu hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Mỹ). Vũ khí chính của nó là 8 pháo hạm cỡ nòng tới 510 mm. Loại pháo khổng lồ này sẽ đánh tan giáp của những chiến hạm mạnh nhất thời đó. Nếu hoàn thành, A-150 sẽ là tàu chiến uy lực nhất trong lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, Hải quân Đế quốc Nhật Bản nhận thấy thiết kế này quá lớn và quá đắt. Bên cạnh đó, các nhà máy thép trong nước không đủ công suất để sản xuất những tấm thép khổng lồ cho chương trình. Dự án thiết giáp hạm lớn nhất lịch sử chỉ tồn tại trên bản vẽ kỹ thuật. Nhật Bản tiêu hủy toàn bộ tài liệu về dự án trước khi đầu hàng phe Đồng minh.

Nấu ăn trên tàu chiến Mỹ Các đầu bếp trên tàu chiến Mỹ khá bận rộn với việc chế biến thực phẩm cho thủy thủ đoàn
Tàu chiến Mỹ chòng chành trong lễ hạ thủy Mạn phải là phần đầu tiên của tàu tiếp xúc với nước trong lễ hạ thủy, khiến con tàu chòng chành, bất định trước khi có thể đứng vững trên mặt nước.

Những tàu chiến hùng mạnh nhất thế kỷ 20

Khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ 20 là lúc các cường quốc quân sự chạy đua đóng những chiến hạm uy lực để đối phó với nhau trong 2 cuộc đại chiến thế giới.

Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm