Tạp chí National Interest điểm qua 5 loại tàu chiến hùng mạnh mà các nước đã triển khai trong Thế chiến 1 và Thế chiến 2.
Tàu sân bay lớp Essex, Mỹ
Một tàu sân bay lớp Essex của Mỹ. Ảnh: Navy.mil |
Sau các tàu sân bay lớp Lexington và Yorktown, Hải quân Mỹ tin rằng họ phải sở hữu một đội tàu mới to hơn cùng khả năng di chuyển nhanh để gây sức ảnh hưởng ở vùng Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Thế hệ tàu mới Essex ra đời được xem là bước tiến của những tàu Yorktown. Với lượng giãn nước 28.000 tấn, mỗi tàu Essex có thể chở phi đội hùng hậu gồm 90 máy bay. Tàu đầu tiên gia nhập hải quân vào năm 1942. Những chiến hạm này là lực lượng nòng cốt giúp Mỹ chiến thắng trước quân đội Nhật Bản ở Thái Bình Dương giai đoạn 1943 - 1945.
Mỹ đã đóng 24 tàu sân bay lớp Essex. Quá trình nâng cấp diễn ra cùng lúc với quá trình đóng tàu. Trong các trận hải chiến với đế quốc Nhật Bản, dù những tàu này chịu thiệt hại đáng kể, không chiếc nào bị đối phương phá hủy.
Sau Thế chiến 2, các tàu Essex tiếp tục tham gia nhiều cuộc chiến khác. Hải quân Mỹ cũng nâng cấp và cải tiến sức mạnh của hạm đội này. Một số tàu mang thêm chức năng tiêu diệt tàu ngầm... Đến thập niên 70, Hải quân Mỹ bắt đầu "cho nghỉ hưu" các tàu lớp Essex vì nhiều lý do, như khung tàu lớn khiến chi phí bảo dưỡng ngày càng đắt, bề mặt tàu không còn thích hợp đối với những máy bay hiện đại.
Tàu chiến lớp Nữ hoàng Elizabeth, Anh
Nữ hoàng Elizabeth là một cột mốc trong giai đoạn thế giới chạy đua đóng chiến hạm vào thế kỷ 20. Lượng giãn nước của tàu Elizabeth nhiều hơn 4.000 tấn so với những tàu trước đó. Mỗi tàu trang bị 8 khẩu pháo 381 mm, loại lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Elizabeth cũng đạt tốc độ nhanh hơn các tàu tương đương của nước ngoài khoảng 2 - 3 hải lý. Tàu được trang bị lớp bỏ bọc thép giúp nó tồn tại qua 2 cuộc thế chiến.
Tàu chiến lớp Nữ hoàng Elizabeth của Anh. Ảnh: Wikipedia |
Tàu Nữ hoàng Elizabeth là sức mạnh chủ lực của Hải quân Hoàng gia Anh, tham gia chiến đấu hơn 3 thập kỷ. Trong Thế chiến 2, Anh cử các tàu Elizabeth đến nhiều mặt trận khác nhau như vùng biển Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Thái Bình Dương.
Tàu ngầm lớp U-31, Đế quốc Đức
Tàu ngầm chưa thể hiện rõ vai trò và giá trị sức mạnh trong các cuộc chiến trước Thế chiến 1. Khi đó, Hải quân Hoàng gia Anh và các đồng minh quyết liệt tập trung đối phó mối đe dọa từ tàu ngầm với hạm đội của họ. HMS Dreadnought đánh chìm nhiều tàu ngầm hơn so với những thiết giáp hạm khác trong Thế chiến 1.
Tuy nhiên, các tàu ngầm có vai trò quan trọng trong những chiến dịch cản trở thương mại. Những năm đầu tiên của Thế chiến 1, Đức mở rộng các cuộc tấn công nhằm vào tàu chở hàng của phe Đồng Minh.
Năm 1917, Đức tuyên bố nối lại chiến tranh tàu ngầm không giới hạn. Họ bố trí các tàu U-31 ở những vị trí có khả năng gây thiệt hại đáng kể cho đối phương. Đức cho đóng các tàu ngầm lớp U-31 trong giai đoạn 1912 – 1915. Nó được trang bị một khẩu súng trên boong để phá hủy các tàu nhỏ, tốc độ lướt nước bề mặt nhanh.
Tuy kích thước nhỏ và không hiện đại như các tàu ngầm trong Thế chiến 2, các tàu ngầm lớp U-31 có tên trong danh sách uy lực nhất lịch sử. Nó tiêu diệt phần lớn tàu chiến đối phương ở gần hải phận nước Anh.
Khởi đầu giai đoạn 2 của chiến tranh không giới hạn cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu tham gia cuộc chiến. Hải quân Anh và các chủ tàu thương mại nhanh chóng tìm hiểu khả năng đối phó tàu ngầm Đức để giảm thiểu thiệt hại. Sau cuộc chiến, Đức chỉ còn 3 trong số 11 tàu ngầm U-31.
Tàu khu trục lớp Kagero, Đế quốc Nhật
Trong số đội tàu chiến hùng hậu mà Đế quốc Nhật triển khai đến Thái Bình Dương năm 1941, tàu lớp Kagero là chiến hạm uy lực nhất. Hải quân Nhật khi đóng những tàu Kagero không chỉ để tiêu diệt các tàu khu trục của Hải quân Anh và Hải quân Mỹ, mà còn đánh chìm các tàu tuần dương và chiến hạm khác.
Tàu khu trục lớp Kagero của Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia |
Mỗi tàu Kagero trang bị 6 khẩu pháo loại lớn nhất so với các đối thủ cùng thời, ngoại trừ siêu tàu khu trục của Pháp (tuy nhiên tàu khu trục Pháp không tham chiến ở Thái Bình Dương). Vũ khí đáng sợ nhất trên các tàu Kagero là ống phóng ngư lôi Typle 93 610 mm. Chúng gây ra thiệt hại đáng kể khi tấn công mục tiêu đối phương. Ngoài ra, trên tàu Kagero còn nhiều vũ khí phòng không và chống tàu ngầm.
Dù được vũ trang hùng hậu, các tàu lớp Kagero của Nhật Bản chịu tổn thất nặng nề sau Thế chiến 2. Sau chiến trận, đội tàu từ 19 chiếc chỉ còn lại một chiếc. Phần lớn mất mát là do chúng bị tàu ngầm đối phương tấn công hoặc trở thành mục tiêu không kích.
Tàu tuần duyên lớp Town, Anh
Ban đầu, Hải quân Anh không định đóng tàu lớp Town do tin tưởng Hiệp ước Hải quân London sẽ giới hạn các nước chỉ sản xuất những tàu nhỏ. Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản phớt lờ hiệp ước khi cho đóng các tàu tuần duyên khổng lồ, mỗi tàu trang bị các khẩu pháo 127 mm.
Do vậy, Anh "đáp trả" bằng việc đóng 9 tàu tuần duyên lớp Town. Mỗi tàu có lượng giãn nước 12.000 tấn, 12 khẩu pháo 152 mm cùng các vũ khí phòng không và chống thủy lôi.
Các tuần duyên hạm lớp Town tham gia nhiều trận chiến trong Thế chiến 2 như truy đuổi và tấn công những tàu Đức ở phía nam Đại Tây Dương; hộ tống phái đoàn các nước đến Malta (Địa Trung Hải) dưới làn bom đạn ác liệt của quân Đức và Italy; hỗ trợ cuộc tấn công đổ bộ ở Normandy (tây bắc nước Pháp), hỗ trợ hỏa lực trong chiến dịch tấn công của Anh vào các căn cứ tại Đông Nam Á do Nhật Bản chiếm giữ...
Sau Thế chiến 2, Hải quân Anh tiếp tục điều động các tàu lớp Town đến nhiều trận chiến khác. Một số tàu tham gia cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên, tại trận địa ở kênh đào Suez... Ngày nay, một tàu còn tồn tại là HMS Belfast. Hiện tàu này là đài tưởng niệm chiến tranh trên sông Thames.