iPOS.vn vừa công bố Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm, trong khuôn khổ sự kiện Vietnam F&B Summit 2024.
Báo cáo cho thấy ngành F&B đang trong giai đoạn "đại thanh lọc" với nhiều khó khăn.
30.000 cửa hàng rời thị trường
Theo số liệu của iPOS.vn, tính tới hết tháng 6, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng, giảm tới 4% so cùng kỳ. Có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế.
Trước đó, báo cáo của Mibrand chỉ ra cả nước có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố đến các chuỗi cà phê hiện đại. Trong khi báo cáo của iPOS.vn thống kê các cửa hàng F&B, không tính mô hình xe đẩy.
Theo iPOS.vn, TP.HCM là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi giảm tới 6% số lượng cửa hàng trên toàn thành phố. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng đạt mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%.
"6 tháng đầu năm thực sự là thời điểm khó khăn cho nền kinh tế nói chung, cũng như đối với ngành F&B nói riêng. Số lượng cửa hàng với tuổi thọ ngắn (dưới 3 tháng hoạt động) đang diễn ra nhiều hơn tại các thành phố lớn. Thời điểm này được coi là cuộc đại thanh lọc", đại diện iPOS.vn nhận định.
Dù vậy trong giai đoạn trên, doanh thu của thị trường F&B tại Việt Nam đã đạt gần 404.000 tỷ đồng, tương đương gần hơn 68% doanh thu của cả năm 2023.
Đây được coi là yếu tố bất ngờ trong thời điểm kinh tế khó khăn. Nguyên nhân một phần do lạm phát, với CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Bên cạnh đó, tổng số lượng giao dịch tăng trưởng đáng kể có thể tới từ việc các cửa hàng F&B trong thời gian vừa qua đã tích cực đưa ra nhiều các chương trình khuyến mại để kích cầu, từ đó khách hàng ra quyết định mua hàng nhiều hơn.
iPOS.vn đánh giá người tiêu dùng tại Việt Nam đang có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn. Theo đó, thực khách sẽ chi trả mức chi phí cao hơn cho mỗi lần dùng bữa bên ngoài, nhưng với kế hoạch rõ ràng hơn so với việc dùng bữa một cách "ngẫu hứng". Yếu tố tiêu dùng có thể là một điểm nhấn tích cực, trong thời điểm "đại thanh lọc" của toàn bộ thị trường F&B tại Việt Nam.
Dè chừng hơn trong 6 tháng cuối năm
Các doanh nghiệp đang ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Theo khảo sát của iPOS.vn, 60% số doanh nghiệp tham gia khảo sát chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi chỉ hơn 34% dự kiến mở rộng cơ sở mới. So với cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới gần 52%.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường đồ ăn, các doanh nghiệp đang tìm kiếm mọi cách để thu hút và giữ chân khách hàng. Kết quả khảo sát cho thấy chương trình khuyến mãi là một công cụ hiệu quả để tăng lượng khách hàng đối với 25% số doanh nghiệp.
Đồng thời, chương trình khuyến mãi đang dần được các doanh nghiệp F&B đặt ra thông minh hơn. Ví dụ, chương trình giảm 10% cho khách hàng bàn trước (mô hình nhà hàng dịch vụ đầy đủ), đi 4 thanh toán 3 (mô hình nhà hàng buffet)... đang là những chương trình khuyến mãi phổ biến, giúp tăng lượng khách hàng tới trải nghiệm.
Bên cạnh đó, tác động của Nghị định 100 vẫn còn khá rõ rệt đối với ngành kinh doanh đồ uống có cồn. Mặc dù quy định này đã được triển khai trong nhiều năm, chưa đến 11% số doanh nghiệp cho rằng khách hàng đã hoàn toàn làm quen với việc không lái xe sau khi uống rượu bia.
Điều này cho thấy việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng là một quá trình lâu dài và cần có sự phối hợp của nhiều bên, bao gồm cả các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 6 tháng đầu năm được iPOS.vn xây dựng từ nghiên cứu với gần 1.000 nhà hàng, quán cà phê cùng hơn 2.300 thực khách và 1.307 nhân sự ngành F&B tại Việt Nam với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau.
Đồng thời, báo cáo cũng sử dụng và tham chiếu số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường cùng các nguồn thông tin uy tín quốc tế, ý kiến của các chuyên gia.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Giá mỗi ly cà phê sắp đắt đỏ hơn?
Doanh nghiệp kinh doanh ngành F&B vẫn đang nhấp nhổm trong việc tăng giá bán lẻ đồ uống trong bối cảnh giá cà phê nguyên liệu liên tục tăng cao.
Cứ 3 người Việt thì có 2 người từng 'đu trend' ẩm thực
Thị trường F&B Việt Nam thời gian qua nổi lên nhiều trào lưu ẩm thực như cà phê muối, trà chanh giã tay, bánh đồng xu phô mai...
Mở nhà hàng, quán cà phê ở Hà Nội lãi hơn ở TP.HCM
Theo khảo sát của iPOS.vn, mô hình kinh doanh F&B tại Hà Nội đang có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tại TP.HCM.