Hà Nội đang chiếm tỷ trọng lớn và dần đuổi kịp TP.HCM với thị phần ngành F&B lần lượt là 23% và 28%. Ảnh: Phương Lâm. |
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 của iPOS.vn mới công bố cho thấy sự khác biệt giữa 2 thị trường F&B lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM.
Trong đó, đáng chú ý, kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Hà Nội đang có tỷ suất sinh lời lớn hơn tại TP.HCM vì nhiều yếu tố khác nhau.
Chi phí kinh doanh tại TP.HCM cao hơn hẳn Hà Nội
Theo báo cáo này, đến hết năm 2023, số lượng nhà hàng/cà phê tại Việt Nam đạt mốc hơn 317.000 cửa hàng, tăng hơn 1% so với năm trước đó. Mức tăng trưởng được đánh giá là thấp hơn so với dự đoán vào đầu năm 2023. Nguyên nhân là vì làn sóng đóng cửa các điểm bán F&B vừa và nhỏ, cùng với chiến lược thu hẹp quy mô chi nhánh của các doanh nghiệp lớn.
Miền Nam vẫn là khu vực tập trung nhiều cửa hàng F&B nhất cả nước với thị phần chiếm tới gần 47%. Theo sau lần lượt là miền Bắc và miền Trung với tỷ trọng 37% và 16%. Xét theo từng địa phương, Hà Nội đang chiếm tỷ trọng lớn và dần đuổi kịp TP.HCM với thị phần lần lượt là 23% và 28%.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B, cho biết Hà Nội đang có sức phát triển mạnh mẽ, người dân không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đợt suy thoái kinh tế vừa qua.
Trong khi đó, những người dân sống tại TP.HCM bị ảnh hưởng rõ rệt bởi suy thoái kinh tế. Họ là những người có quỹ tiết kiệm nhỏ, mức chi tiêu cao và chi phí sống đắt đỏ.
Bên cạnh đó, khảo sát và nghiên cứu các chỉ số chi phí kinh doanh của 100 cửa hàng quy mô vừa và nhỏ tại Hà Nội và TP.HCM của iPOS.vn cho thấy chi phí kinh doanh đồ ăn tại TP.HCM cao hơn tại Hà Nội. Trong đó, chi phí giá vốn cao hơn khoảng 1%, chi phí nhân sự cao hơn khoảng 2%, chi phí mặt bằng cao hơn khoảng 3%.
Vì vậy, các doanh nghiệp đồ ăn tại Hà Nội có lợi thế để dành nhiều ngân sách đầu tư cho marketing, với tỷ lệ gần 8% tổng doanh thu. Tại TP.HCM, chi phí truyền thông và tiếp thị chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu.
Kinh doanh đồ ăn tại Hà Nội đang có tỷ suất lợi nhuận cao hơn tại TP.HCM với con số lần lượt là gần 23% và 17%.
Chỉ số cơ cấu chi phí của mô hình kinh doanh đồ ăn tại Hà Nội và TP.HCM. Nguồn: iPOS.vn. |
Với mô hình đồ uống, giá vốn hàng bán chiếm tới gần 29% với các cửa hàng tại Hà Nội và chỉ hơn 27% với các cửa hàng tại TP.HCM. Tuy vậy, chi phí nhân sự mô hình đồ uống tại TP.HCM lại chiếm tỷ lệ cao hơn với 20% doanh thu, trong khi tại Hà Nội là gần 18%.
Các mô hình đồ uống vừa và nhỏ thường tận dụng các mặt bằng nhỏ để kinh doanh nhằm tối ưu chi phí. Thế nhưng, chi phí mặt bằng tại TP.HCM vẫn chiếm tới 16% doanh thu, gấp gần 1,5 lần so với Hà Nội.
Tỷ suất lợi nhuận của mô hình đồ uống tại Hà Nội đang đạt gần 32% doanh thu, cao hơn nhiều so với mức 20% tại TP.HCM.
Thận trọng năm 2024
Theo số liệu của Euromonitor, giá trị thị trường ngành F&B Việt Nam năm 2024 dự kiến tăng gần 11% so với 2023. Sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2027 đạt hơn 10% và dự kiến đạt giá trị 873.000 tỷ đồng vào năm 2027.
Trong năm nay, khách du lịch sẽ là động lực chính cho sự tăng trưởng của ngành F&B.
Ông Nguyễn Thái Bình cho biết 3 nhóm khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ - những người đang mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam.
"Khách du lịch là những người khá kỹ tính, họ dành nhiều thời gian để xem thông tin trên các nền tảng ẩm thực lớn quốc tế, như Tripadvisors, Michelin Guide... hay thậm chí là sử dụng cả Google Maps để xem đánh giá từ cộng đồng, trước khi quyết định trải nghiệm", ông Bình nhận định
Trong năm 2024, các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ sẽ phát triển mạnh mẽ, theo sát xu thế tiện và lợi của thị trường.
Theo chuyên gia, các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm nay. Ảnh: Phương Lâm. |
"Có lãi trong từng điểm bán sẽ là kim chỉ nam của nhiều thương hiệu F&B năm nay. Đặc biệt, trong bối cảnh tín hiệu tốt vẫn chưa rõ ràng, các thương hiệu đồ uống sẽ hướng tới thị trường thận trọng với chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn", đại diện iPOS.vn cho biết.
Đơn vị này cũng chỉ ra một số xu hướng của thị trường trong năm nay như việc mô hình ẩm thực cao cấp sẽ được phát triển mạnh mẽ với ảnh hưởng từ giải thưởng Michelin Stars. Một xu hướng khác là làn sóng ẩm thực Trung Hoa sẽ đổ bộ thị trường trong năm nay sau các trend như trà chanh giã tay, trà sữa nướng Vân Nam và sự phổ biến của các thương hiệu tầm trung như Mixue, Cotti Coffee...
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.