Cà phê là thức uống được nhiều người Việt ưa chuộng. Ảnh: Phương Lâm. |
Trong tuần qua, giá cà phê trong nước đã tăng tới gần 8.000 đồng/kg. So với cuối tháng 3, giá cà phê đã tăng gần 13.000 đồng/kg, liên tiếp vượt các đỉnh giá trong lịch sử. Giá cà phê xô ở nhiều địa phương như Đắk Lắk, Lâm Đông, Gia Lai đang ở mức 114.000-114.400 đồng/kg.
Giá cà phê nguyên liệu tăng cao khiến nhiều khách hàng, chủ quán cà phê lo ngại giá bán đầu ra của mặt hàng này tăng theo.
"Tôi có thói quen uống cà phê mỗi ngày nên việc tăng giá, dù chỉ tăng nhẹ cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chi tiêu trong thời kỳ kinh tế khó khăn", anh Bảo Minh (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay.
Nhấp nhổm sợ mất khách
Bà Cù Hồng Hạnh - chủ một xe đẩy cà phê trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP.HCM) cho biết đã phải điều chỉnh giá bán lẻ cà phê tăng lên 2.000 đồng/ly, sau khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
"Từ đầu tháng 3, giá cà phê hạt tôi mua vào đã tăng từ 170.000 đồng lên 200.000 đồng/kg. Tôi cũng nhấp nhổm chờ xem thế nào nhưng sợ gồng không nổi nên phải tăng giá bán", bà Hạnh nói.
Trong khi đó, ông H.T - chủ một chuỗi cà phê có 4 cửa hàng tại TP.HCM - quyết định tạm thời không tăng giá bán cà phê dù giá nguyên liệu tăng cao.
"Quán tôi hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, rất nhạy cảm về giá nên chỉ cần tăng nhẹ là mất khách ngay. Họ sẽ chọn uống ở những xe đẩy cà phê bình dân hơn", ông H.T chia sẻ.
Các chuỗi cà phê lớn vẫn có xu hướng chưa tăng giá bán lẻ vì sợ mất khách. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo vị chủ quán, cà phê là đồ uống có giá vốn thấp nhất trong menu nên việc nguyên liệu tăng giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thay vì tăng giá ly cà phê, doanh nghiệp này đẩy mạnh việc bán thêm các loại nước ép hay combo bánh ăn sáng và cà phê để tăng doanh thu.
Tương tự, ông Vũ Trường Giang, Founder thương hiệu ...KA coffee cho biết hiện giá vốn 1 ly cà phê bán lẻ đã tăng 2.000-3.000 đồng/ly, vẫn ở mức chấp nhận được. Vị này phỏng đoán giá cà phê nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng cho đến tháng 5 nên các doanh nghiệp cần có kế hoạch điều chỉnh giá hoặc chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Việc tăng giá, theo ông Giang, phụ thuộc vào mức giá bán lẻ hiện tại của doanh nghiệp.
"Sau đợt điều chỉnh vào năm 2023, giá bán của chúng tôi đã ở mức khá cao. Nếu tăng, tôi sẽ tăng vào giai đoạn cuối năm khi kinh tế phục hồi hơn. Với những đơn vị đang để giá ở mức thấp, cần có sự điều chỉnh ngay để tránh bị lỗ quá nhiều", ông Giang nói thêm.
Theo khảo sát, các chuỗi cà phê lớn hiện nay như The Coffee House, Highlands Coffee, Trung Nguyên, Katinat... đều chưa có động thái tăng giá bán.
Kịch bản tăng giá ồ ạt khó xảy ra
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School, cho biết 80% thị trường dịch vụ cà phê có tính nhạy cảm về giá cao. Vậy nên khi đơn vị kinh doanh tăng giá, họ sẽ mất đáng kể lượng khách hoặc tần suất tiêu dùng.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia khẳng định giá nguyên liệu tính theo kg tăng cao, tuy nhiên tỷ lệ sử dụng thực tế trên từng ly không làm phát sinh chi phí quá lớn. Ví dụ, cà phê hạt các quán nhập vào có giá từ 180.000 đồng đến 350.000 đồng/kg tùy phân khúc, tăng 20-30% so với trước đây. Trong khi đó, một ly cà phê chỉ tốn 8-25 gr bột cà phê tùy theo cách pha.
Ngoài ra, cà phê là đồ uống có giá vốn thấp so với một số đồ uống khác trên menu nên việc tăng giá nguyên liệu trong ngắn hạn chưa tạo nhiều tác động tiêu cực.
Cà phê là đồ uống có giá vốn thấp so với một số đồ uống khác trên menu nên việc tăng giá nguyên liệu trong ngắn hạn chưa tạo nhiều tác động tiêu cực
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc công ty tư vấn FnB Director và Horeca Business School
"Nhiều mô hình chỉ tăng giá nhẹ hoặc chờ đợi thêm thời gian ngắn sắp tới mới quyết định tăng hay không. Các mô hình trung cấp chưa ảnh hưởng quá lớn nên việc tăng giá chỉ đang trong nằm trong kế hoạch", ông Đỗ Duy Thanh chia sẻ thêm.
iPOS.vn đánh giá năm nay, thị trường sẽ khó chứng kiến một đợt tăng giá mới.
"Sau 2 năm điều chỉnh, định giá của ngành đồ uống đã tăng trưởng 10-15%. Mức giá tăng này đang vượt qua giá trị của một sản phẩm tiện lợi mang lại. Vì vậy, trong năm nay, các thương hiệu đồ uống sẽ có đa dạng chương trình khuyến mãi để kích thích tiêu dùng của thực khách", đại diện iPOS.vn khẳng định.
Theo số liệu thống kê của Euromonitor, quy mô thị trường cà phê Việt Nam ước đạt hơn 11.000 tỷ đồng vào năm 2023. Ngành cà phê trong nước dự kiến đạt tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 7,56%. Thị trường dự kiến đạt hơn 16.600 tỷ đồng vào 2028.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ cà phê lớn, theo dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA). Tiêu thụ cà phê bình quân đầu người đã tăng từ 1,7 kg cà phê năm 2015 lên gần 3 kg trong năm 2023. Dự báo tiêu thụ nội địa giai đoạn 2025-2030 với tốc độ tăng bình quân khoảng 6,6%/năm. Đến năm 2025 tiêu thụ nội địa đạt 270.000-300.000 tấn/năm.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.