Hãng bay quốc doanh Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn. Ảnh: CNBC. |
Theo Nikkei Asia, 3 hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc tiếp tục tụt xa so với các hãng hàng không tư nhân về hiệu quả tài chính, ngay cả khi vận tải hành khách và hàng hóa đại lục tăng trưởng hai con số.
China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines đều ước tính lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm nay, dao động từ 1,06 tỷ đến 3 tỷ nhân dân tệ (tương đương từ 146 triệu đến 413 triệu USD).
Nhìn chung, khoản lỗ của bộ ba này dự kiến giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng tổng số lỗ ròng của các hãng vẫn lên tới 7,48 tỷ nhân dân tệ (hơn 1 tỷ USD).
Đại diện Air China đổ lỗi cho sự phục hồi các đường bay quốc tế chậm hơn dự kiến, cạnh tranh thị trường nội địa gia tăng và biến động giá dầu cùng tỷ giá hối đoái trong một hồ sơ gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong.
Đồng tình với Air China, China Southern Airlines - hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc tính theo quy mô đội bay, than phiền về môi trường quốc tế phức tạp và không ổn định cũng như điều kiện thời tiết khắc nghiệt thường xuyên xảy ra, bên cạnh áp lực thị trường và giá nhiên liệu.
Đáng nói, theo thống kê chính thức của Chính phủ Trung Quốc, số lượng hành khách đi máy bay nội địa đã tăng gần 19% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm, lên gần 268 triệu lượt. Khách bay quốc tế tăng 316% lên 24,31 triệu.
Và thực tế, các hãng hàng không tư nhân niêm yết trên sàn chứng khoán như Spring Airlines và Juneyao Airlines đang cho thấy bức tranh khả quan, trái ngược hoàn toàn với các hãng quốc doanh.
Spring Airlines dự kiến đạt lợi nhuận ròng từ 1,29 tỷ đến 1,34 tỷ nhân dân tệ (180,6-187,6 triệu USD), tăng 54-60% so với cùng kỳ năm trước. Juneyao Airlines dự kiến lợi nhuận ròng sẽ vào khoảng 450 triệu đến 550 triệu nhân dân tệ (63-77 triệu USD), tăng 7,2-8,8 lần.
HĐQT của Spring Airlines (niêm yết ở Thượng Hải) đã đưa ra lời giải thích thẳng thắn về sự tăng trưởng doanh thu của mình là nhờ thị trường du lịch, cả trong nước và quốc tế, đã có sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các dịch vụ nội địa, hãng hàng không giá rẻ cho biết họ có thể thu hút nhiều khách doanh nhân hơn, giúp thu hẹp khoảng cách giữa mùa du lịch cao điểm và thời gian bình thường.
Trong khi ba hãng hàng không lớn của nhà nước phàn nàn về sự phục hồi quốc tế chậm chạp, Spring Airlines cho biết họ đã được hưởng lợi từ sự mất giá tiền tệ ở các quốc gia đến, sự thuận tiện trong việc xin thị thực gia tăng và tâm lý tích cực của khách hàng.
Hãng này không nêu tên các điểm đến cụ thể nhưng đã mở đường bay mới giữa sân bay Narita cùng Naha ở Nhật Bản và Singapore trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5.
Hong Kong không có bất kỳ đường bay nội địa nào và chỉ dựa vào nhu cầu quốc tế. Tuy nhiên, hãng hàng không chủ chốt Cathay Pacific Airways cũng dự kiến công bố kết quả khá khả quan. Trong khi Cathay chưa công bố con số cụ thể, Air China được coi là đơn vị hưởng lợi lớn vì nắm giữ 29,9% cổ phần của hãng hàng không Hong Kong.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.