Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

15 ngày ghi hình phim 'Ranh giới' về sản phụ F0 ở Bệnh viện Hùng Vương

Đạo diễn của phim tài liệu “Ranh giới”, Tạ Quỳnh Tư, tâm sự về những câu chuyện khiến anh nghẹn lòng khi tác nghiệp ở bệnh viện điều trị sản phụ mắc Covid-19.

Phim Ranh gioi thai phu F0 Ta Quynh Tu anh 1

Phim tài liệu Ranh giới được đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê-kíp thực hiện tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), nơi điều trị cho các sản phụ F0.

Đạo diễn Quỳnh Tư miêu tả tác phẩm của mình có hai bức tranh. Đó là bức tranh về sự khắc nghiệt của Covid-19, khoảnh khắc giành giật sự sống và bức tranh của tình thương yêu.

Ranh giới đã chạm đến cảm xúc của nhiều khán giả bằng những thước phim chân thực nhất!

Những nỗi đau và nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân

- Từ lúc nào, anh và ê-kíp quyết định đặt tên bộ phim là “Ranh giới”?

- Sau hai ngày tác nghiệp tại Khu K1 Bệnh viện Hùng Vương và một đêm trăn trở, tôi nghĩ đến cái tên này. Nó bắt nguồn từ câu văn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm Mùa lạc.

Câu văn đó bao hàm đầy đủ nội dung, ý nghĩa của bộ phim. "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".

Ở ngay mở đầu phim, một bạn điều dưỡng đặt câu hỏi “liệu đây đã phải ranh giới của sự chịu đựng" sau những tiếng chuông điện thoại vang lên. Và ở giữa phim, khi đội ngũ y tế gục xuống vì không cứu được một thai phụ, bạn ấy đã bật khóc: "Ranh giới giữa cái sống và cái chết quá mong manh. Nhưng nó khiến mọi người sống tử tế và mạnh mẽ hơn".

- Khi bộ phim chính thức lên sóng, anh có ngồi xem ở vị trí một khán giả và lúc ấy anh nghĩ đến điều gì?

- Ngay tại thời điểm ấy, có ba hình ảnh khiến tôi xúc động nhất. Đó là khoảnh khắc những thai phụ F0 thèm thở nhưng không thể thở được. Đấy là trạng thái khi họ còn tỉnh táo. Nhưng cũng có thể chỉ trong chớp mắt, một vài tích tắc sau, họ sẽ bị ngất hoặc ngưng tim, đứng giữa lằn ranh sinh tử. Khi tôi xem phim, cảm xúc những ngày có mặt trực tiếp tại phòng bệnh lại ùa về. Nó khiến mình thấy ngột ngạt và nghẹn lại.

Rồi hình ảnh của sự chia ly. Người cha khóc lặng đi, muốn nhìn mặt con gái lần cuối cũng không được. Một mong ước rất nhỏ nhoi. Ông chỉ có thể nhìn con qua một bức ảnh. Đó là sự khắc nghiệt tàn nhẫn của Covid-19.

Đằng sau đó còn là ranh giới của nỗi đau, của sự sống đang bị tổn thương, của những lần đội ngũ y bác sĩ nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân. Tôi nhớ như in những đôi bàn tay thay nhau bóp bóng để bệnh nhân có oxy thở, thay nhau nhấn nhịp tim, ngay cả khi đó chỉ là tia hy vọng cuối cùng.

Điều luôn hiện hữu mạnh mẽ nhất trong Ranh giới là tình thương, sự hy sinh, trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ dành cho bệnh nhân Covid-19.

Phim Ranh gioi thai phu F0 Ta Quynh Tu anh 2

Phim tài liệu được ghi hình tại bệnh viện điều trị cho những sản phụ F0. Ảnh: Phim "Ranh giới".

- Liệu đó đã phải những hình ảnh ám ảnh nhất đối với anh trong 15 ngày đồng hành cùng bác sĩ và bệnh nhân F0?

- Thực tế còn khốc liệt hơn thế. Câu chuyện nào chúng tôi đã chứng kiến, nhân vật nào chúng tôi đã gặp đều gây xúc động mạnh. Nhưng khi dựng phim, tôi và ê-kíp đã phải tính toán đường dây, nội dung, chọn lọc chi tiết, hình ảnh đắt giá để đưa lên. Và đúng là còn những dữ liệu chúng tôi chưa đưa vào phim.

Hiện, tôi cùng ê-kíp trong quá trình làm hậu kỳ cho bộ phim thứ hai Ngày con chào đời. Hình ảnh những em bé được sinh ra trong bối cảnh dịch bệnh thực sự khiến tôi nghẹn lòng. Mẹ - con không được ở gần nhau, rồi các bé được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa bột. Người mẹ phải vắt sữa bỏ đi… Chứng kiến tất cả điều đó, tôi nghĩ những ai còn đang được ở nhà bình yên sẽ biết quý hơn từng nhịp thở, từng phút giây bình thường nhất.

15 ngày trong bệnh viện là những ngày quý giá

- "Ranh giới" là những thước phim không lời bình, tái hiện một phần cuộc chiến với Covid-19 khốc liệt như thế nào. Điều gì khiến anh và ê-kíp trăn trở nhất trong quá trình thực hiện?

- Đứng ở góc độ lý trí, điều tôi trăn trở là làm sao để truyền tải được thông tin đến với người xem, để khán giả có cái nhìn chân thực nhất về Covid-19. Bên cạnh đó là những tháng ngày lao động cực nhọc, quên mình của đội ngũ y bác sĩ.

Có thể nói Ranh giới chứa đựng 2 bức tranh: Một bên là bức tranh về sự khắc nghiệt của dịch, một bên là bức tranh của sự sống, tình thương yêu. Và cuối cùng, quan trọng nhất, chúng tôi đưa được thông điệp gì qua hai bức tranh ấy.

- Khi dựng phim, ở vai trò đạo diễn, việc lựa chọn hình ảnh, âm thanh, câu thoại cũng là một cái khó nữa đối với anh?

- Ngoài yếu tố nội dung, đoàn phim cũng trăn trở rất nhiều về chuyện nên che mặt nhân vật hay không.

Che chỉ là một thủ thuật, khá đơn giản bằng một vài động tác. Chúng tôi biết sẽ có những ý kiến trái chiều về việc bảo vệ, tôn trọng người bệnh, hay chuyện lấy nỗi đau của người này, người kia để thực hiện một mục đích nào đó… Cũng có người nói không che mặt sẽ gây ra nỗi đau rất lớn cho gia đình bệnh nhân.

Nhưng sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố tác nghiệp trong điều kiện thảm họa, thiên tai, chúng tôi nghĩ điều quan trọng là hướng đến mục đích lớn lao hơn - vì cộng đồng. Chúng ta cần cho mọi người thấy Covid-19 khắc nghiệt đến mức nào để từ đó mỗi người tự chăm lo bản thân, nâng cao ý thức phòng tránh, giảm thiểu sự lây nhiễm.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đều hỏi ý kiến những y bác sĩ trực tiếp điều trị, những hộ lý, điều dưỡng gần gũi bệnh nhân nhất.

Với những bệnh nhân có thể nói chuyện được, tôi luôn giới thiệu tôi là ai và làm gì. Và họ gật đầu với tôi.

Ở góc độ làm phim, tôi ghi nhận mọi ý kiến đóng góp của khán giả. Cũng mong khán giả nghĩ theo chiều hướng tích cực. Chúng ta đang gồng mình chống dịch, vì mục tiêu chung.

Phim Ranh gioi thai phu F0 Ta Quynh Tu anh 3

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư từng thực hiện các phim tài liệu không lời bình trước đó. Ảnh: NVCC.

- Sự lan tỏa của “Ranh giới” cũng như những ý kiến đa chiều xung quanh tác phẩm chắc hẳn khiến anh đối diện với ít nhiều áp lực trong việc sản xuất bộ phim thứ hai?

- Chúng tôi chỉ có 15 ngày trong bệnh viện. Tôi vẫn muốn có thêm hình ảnh, tư liệu nữa. Nhưng các bác sĩ lúc ấy khuyên tôi không nên vào thêm vì nguy cơ lây nhiễm cao. Trong điều kiện tác nghiệp hạn hẹp, với bộ phim thứ hai này, tôi chỉ mong muốn truyền tải một thông điệp tươi mới và có sức sống hơn. Ê-kíp chỉ biết làm tốt nhất có thể. Tất nhiên, tôi biết có những cái còn ở trạng thái chơi vơi, muốn làm tốt hơn cũng khó.

Mong rằng bộ phim sẽ kịp lên sóng theo đúng dự kiến.

- Có người chia sẻ sau khi xem “Ranh giới”, họ không cho phép bản thân phàn nàn về cuộc sống hiện tại nữa. Còn với anh, anh muốn nói điều gì nhất về những ngày tác nghiệp trong tâm dịch?

- Đây là chuyến tác nghiệp không thể nào quên đối với tôi. 15 ngày trải nghiệm trong khu K1 Bệnh viện Hùng Vương là những ngày quý giá. Đã có những khó khăn, sự cố về thiết bị, máy móc, âm thanh… Rồi những lần chúng tôi không ăn uống, không đi vệ sinh suốt 7-8 giờ. Nhưng những điều ấy chẳng là gì. Khi tận mắt chứng kiến đội ngũ y tế tuyến đầu làm việc ngày đêm với cường độ cao, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, mình bị cuốn theo họ. Chính họ truyền năng lượng, tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi.

Được có mặt trong tâm dịch, chứng kiến ranh giới của rất nhiều cung bậc cảm xúc, trạng thái, tôi nghĩ mình có cái nhìn thấu hơn. Tôi học được nhiều điều. Cuộc đời thật may mắn khi mình còn được thở. Hãy trân quý cuộc sống hiện tại. Với sự đồng lòng, chung sức, tinh thần đoàn kết, tôi tin chúng ta sẽ sớm vượt qua!

Phim Ranh gioi thai phu F0 Ta Quynh Tu anh 4

Khoảnh khắc chào đời của một em bé tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Phim Ranh giới.

Bộ quy tắc ứng xử là cơ sở đánh giá nghệ sĩ Việt

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo về quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, trong đó có yêu cầu minh bạch khi làm từ thiện.

Rớt nước mắt với thai phụ F0 trong 'Ranh giới' và những câu hỏi bỏ ngỏ

Phim tài liệu "Ranh giới" do đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chỉ đạo đã lột tả một cách chân thực quá trình vượt qua ranh giới sinh tử của các sản phụ F0 tại khu K1 Bệnh viện Hùng Vương.

Xem xong phim 'Ranh giới', còn ai phàn nàn về cuộc đời mình nữa không?

50 phút của phim tài liệu "Ranh giới" đã khắc họa chân thực cuộc chiến giành giật sự sống từ bác sĩ và sản phụ tại khu K1, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).

Hiền Hà

Bạn có thể quan tâm