Tác phẩm “Bắt sao biển gai và thu gom rác” của tác giả Trần Thị Phương Thảo đạt giải Nhất. Ảnh: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường. |
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Ban tổ chức Cuộc thi ảnh "Hành động vì đại dương xanh" đã trao giải cho 10 tác phẩm xuất sắc gồm một giải Nhất, hai giải Nhì, 3 giải Ba và 4 giải Khuyến khích.
Cuộc thi do Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức với sự đồng hành của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Sau hơn hai tháng phát động, Ban tổ chức cuộc thi nhận được 197 tác phẩm, trong đó 30 tác phẩm đạt chất lượng vào vòng chung kết.
Theo Tiến sỹ Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban tổ chức, cuộc thi được tổ chức minh bạch, công khai và đã chọn ra những tác phẩm ảnh tiêu biểu, toàn diện, có thông điệp truyền thông rõ ràng. Các tác phẩm thể hiện khái quát bức tranh về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam để cộng đồng, mỗi cá nhân cùng nhìn nhận lại hành động, trách nhiệm của mình với đại dương nói riêng và môi trường nói chung.
Giải Nhất cuộc thi được trao cho tác giả Trần Thị Phương Thảo (Quảng Nam) với tác phẩm "Bắt sao biển gai và thu gom rác."
Hai giải Nhì thuộc về tác giả Nguyễn Trang Kim Cương (Thành phố Hồ Chí Minh) với tác phẩm "Con người gặp cản trở do chính rác mình thải ra" và tác giả Nguyễn Ngọc Sơn (Đồng Nai) với tác phẩm "Tái chế rác sinh hoạt từ đảo."
Các tác giả Phạm Huy Đằng (Quảng Nam) với tác phẩm "Bình minh trên bãi biển Đà Nẵng;" Nguyễn Thanh Phong (Khánh Hòa) với tác phẩm "Đoàn kết kéo rác lớn tấp vào bờ" và Lê Anh Thi (Đà Nẵng) với tác phẩm "Gánh ve chai của mẹ" đã giành giải Ba.
Được phát động nhân Tháng Hành động vì môi trường 2024, Cuộc thi ảnh "Hành động vì đại dương xanh" hướng tới việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cá nhân trong việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng một lần.
Thông qua hình ảnh từ cuộc thi, Ban tổ chức kêu gọi cộng đồng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa và nhận thức rõ hơn về những tác động tiêu cực của quản lý chất thải không đúng cách đối với sức khỏe con người và môi trường; khuyến khích xả thải đúng nơi quy định và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp cộng đồng cảm nhận vẻ đẹp và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. Cuộc thi cũng nhằm ghi nhận cổ vũ, động viên các tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền về giảm ô nhiễm nhựa đại dương.
Ô nhiễm nhựa trên diện rộng toàn cầu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, trong năm 2019 có 79 triệu tấn chất thải nhựa phát sinh trên phạm vi toàn cầu; trong đó, khoảng 34 triệu tấn được chôn vùi tại các bãi chôn lấp, 26 triệu tấn bị đốt ở các bãi lộ thiên (bao gồm các hoạt động đốt rác của hộ gia đình và đốt tại các bãi thải) và khoảng 7 triệu tấn được cho là thất thoát vào môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nylon, 80% số túi nylon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.