Choe Son Hui, quan chức đứng đầu các vấn đề Bắc Mỹ trong Bộ Ngoại giao Triều Tiên, dừng chân tại sân bay Bắc Kinh vào ngày 13/5 khi đang trên đường từ Na Uy về lại Triều Tiên. Bà xác nhận với các phóng viên rằng Bình Nhưỡng có thể đàm phán với chính quyền Mỹ "trong điều kiện thích hợp".
Khi được hỏi liệu Triều Tiên có chuẩn bị để đối thoại với chính quyền tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hay không, Choe nói rằng: "Chúng tôi sẽ xem xét tình hình".
Choe là thành viên lâu năm trong đội ngũ đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Bà Choe Son Hui, quan chức chịu trách nhiệm các vấn đề Bắc Mỹ tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Ảnh: Yonhap. |
Yonhap dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao Hàn Quốc cho biết Choe vừa dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên có cuộc gặp với các chuyên gia Mỹ tại Na Uy. Phái đoàn Mỹ do Suzanne DiMaggio, Giám đốc viện nghiên cứu chính sách New America (trụ sở tại Washington D.C., Mỹ). Cuộc gặp được xem là một hình thức ngoại giao không chính thức. Nó diễn ra giữa Triều Tiên và một tổ chức phi chính phủ tại Mỹ.
DiMaggio là chuyên gia về Iran từng tham gia vào quá trình đàm phán thành công để đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Washington không đặt ý nghĩa gì đặc biệt vào các cuộc gặp không chính thức như trên.
"Các cuộc gặp phi chính thức được tổ chức đều đặn về rất nhiều chủ đề trên thế giới và diễn ra độc lập với sự can thiệp của chính phủ Mỹ", Yonhap dẫn lời quan chức trên.
Dù vậy, các nhà quan sát cho rằng việc cuộc gặp diễn ra giữa lúc căng thẳng đang gia tăng trên bán đảo Triều Tiên có thể mang lại một hướng giải quyết khác và tránh xung đột. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông vinh dự được gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và sẵn sàng gặp nếu có thể.
Cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, đình trệ từ năm 2008 sau một vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.