Phóng viên Liu Zhen của South China Morning Post đã trở lại Triều Tiên sau 5 năm để ghi nhận những thay đổi của người dân nơi đây dưới sự nắm quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un cũng như cách họ đối mặt với khó khăn kinh tế do các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.
Đường phố Bình Nhưỡng trong một tấm ảnh chụp vào tháng 11/2016. Phương tiện di chuyển chủ yếu ở thành phố này là xe đạp. Ảnh: AFP. |
"Cảm ơn vì đã viếng thăm chúng tôi trong thời gian căng thẳng này, giữa lúc chúng tôi đang rất khó khăn", người hướng dẫn viên tên Kim nói với các du khách.
"Nếu các biện pháp trừng phạt làm mất nguồn cung dầu cho chúng tôi, hệ thống xe buýt sẽ phải ngừng hoạt động", Kim cho biết.
'Chúng tôi có sức mạnh hạt nhân'
Zhen quan sát thấy một phần trong số phương tiện ít ỏi của thành phố Bình Nhưỡng đã bị xếp lại ven đường. Các cây xăng hạn chế lượng xăng bán ra vì lo lắng Trung Quốc có thể cắt nguồn cung dầu cho Triều Tiên.
Dù vậy, khó khăn về nhiên liệu không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người Bình Nhưỡng vì phần lớn cư dân tại đây di chuyển hàng ngày bằng xe đạp. Phương tiện giao thông công cộng vẫn vận hành đều đặn. Phóng viên của South China Morning Post cũng ghi nhận số lượng xe điện đã tăng lên so với lần trước khi cô đến đây. Một số taxi trong thành phố là xe chạy bằng điện do hãng BYD của Trung Quốc sản xuất.
Xe điện trên đường phố Triều Tiên. Ảnh: Liu Zhen/South China Morning Post. |
Người hướng dẫn viên xin lỗi Zhen vì điều kiện đường sá. Anh nói rằng để sữa chữa những con đường được xây dựng bằng công nghệ cũ này, Triều Tiên sẽ cần rất nhiều nhựa đường. Đó lại là một nguyên liệu nước này phải nhập khẩu.
"Chúng tôi biết rằng tàu sân bay Mỹ đang đến gần chúng tôi. Nhưng chúng tôi không sợ. Dù người Mỹ có tin hay không, chúng tôi là một thế lực mang sức mạnh hạt nhân", người hướng dẫn viên tuyên bố.
"Assad không có vũ khí tự vệ mạnh mẽ, vì vậy người Mỹ có thể nã tên lửa xuống (đất nước) ông ta bất cứ khi nào họ muốn. Họ không thể hành xử tương tự với chúng tôi", ông Kim tự tin.
Gian nan đường đến Bình Nhưỡng
Tháng 4 vừa qua, dù căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ Trung - Triều cũng từ đó xấu đi, các tuyến đường sắt từ Trung Quốc đến Triều Tiên vẫn vận hành bình thường. Những chuyến tàu khởi hành từ thành phố Đan Đông ở biên giới Trung Quốc vẫn luôn chật kín những du khách đang háo hức được nhìn thấy đất nước bí ẩn nhất thế giới. Phần lớn họ là người Trung Quốc, một số ít khác là du khách từ châu Âu và phải chịu một mức phí rất lớn để có thể du lịch Triều Tiên.
Du khách tham quan tại cầu Hữu nghị Trung - Triều, cây cầu nối thành phố Đan Đông (Trung Quốc) với thành phố Sinuiju (Triều Tiên). Ảnh: Global Times.
|
Tương tự chuyến đi đầu tiên của Zhen đến Bình Nhưỡng vào tháng 10/2012, cô nói rằng người nước ngoài bị khám xét rất kỹ trước khi vào Triều Tiên, họ bị kiểm tra từ tiền bạc mang trong túi đến những bức ảnh đang chứa trong máy.
"Điện thoại của tôi suýt nữa bị tịch thu. Nhân viên đó cho phép tôi giữ lại điện thoại sau khi tôi ngỏ ý tặng anh ta một cây bút. Dù mang được điện thoại vào Triều Tiên, máy của tôi không thể bắt sóng", Zhen viết lại.
Những cử chỉ cởi mở
Trong suốt chuyến đi, du khách trong đoàn của Zhen được quản lý chặt chẽ, tham quan thành phố theo một lộ trình định trước và nghỉ tại những khách sạn biệt lập. Họ bị ngăn ngừa khỏi mọi hoạt động tự do và tránh xa mọi liên hệ không cần thiết với người dân địa phương.
Dù vậy, phóng viên này kể rằng trong một vài lần xe buýt chở du khách ngang qua một nhóm học sinh hay những quân nhân mới nhập ngũ, công nhân xây dựng đang ngồi trên xe tải, chào đón họ là nụ cười rạng rỡ và những cánh tay vẫy.
Người Triều Tiên mỉm cười khi lướt ngang qua du khách tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Liu Zhen/South China Morning Post. |
"Việc đó thật ấn tượng. Vào năm 2012, không ai làm thế với những người từ bên ngoài đến. Họ trông cứng nhắc, khó chịu và xa cách", cô ghi nhận.
Trong lần viếng thăm này của Zhen, những hành khách đi tàu điện ngầm tại Bình Nhưỡng trông không thoải mái hơn so với cách đây 5 năm, nhưng cô để ý thấy một vài người đang cắm mặt vào màn hình chiếc điện thoại thông minh của họ, cảnh tượng không khác gì các ga tàu điện ngầm tại các thành phố khác trên thế giới.
Năm năm trước, Zhen được yêu cầu thay đi bộ trang phục "quá ngắn và không phù hợp" khi nữ phóng viên này mặc một chiếc váy trên đầu gối. Bây giờ, váy ngang gối mặc kèm áo vest xuất hiện cùng hầu hết phụ nữ dưới 40 tuổi ở Bình Nhưỡng, một phần nhờ vào Ri Sol Ju, phu nhân lãnh đạo Kim Jong Un.
Khi đến Phố Ryomyong, tổ hợp khổng lồ các căn hộ và nhà cao tầng mới được hoàn thành tại Bình Nhưỡng hồi tháng 4, Zhen miêu tả khung cảnh tại đây như một bộ phim viễn tưởng và những tòa nhà như một thế giới đã chìm vào dĩ vãng. Kiến trúc tại đây rất hiện đại nhưng lại thiếu đi sự có mặt của con người, đường phố rất thưa thớt cư dân qua lại.
Dù vậy, người hướng dẫn viên họ Kim tự hào giới thiệu Phố Ryomyong là kiểu mẫu cho "Giấc mơ Triều Tiên".
"Đây là hình mẫu cho thành phố lý tưởng của chúng tôi và là giấc mơ mà người Triều Tiên chúng tôi sẽ nỗ lực để biến thành hiện thực", ông nói.