Tổng cục Hải quan mới đây có ý kiến chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kết luận của Thủ tướng liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi đối với việc nhập khẩu thịt lợn. Cụ thể, giải quyết thủ tục hải quan nhập khẩu mặt hàng thịt lợn theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng biên phòng cửa khẩu tăng cường công tác ngăn chặn vận chuyển lợn trái phép qua biên giới.
Đối với mặt hàng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu theo hình thức tạm nhập tái xuất, yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa để tiêu thụ.
Một xe chở lợn nhập khẩu Thái Lan về đến cửa khẩu Lao Bảo. Ảnh: P.A.T. |
Theo cơ quan hải quan, hiện nay giá thịt lợn và sản phẩm làm từ thịt lợn trong nước tăng cao, dẫn đến nguy cơ các đối tượng sẽ lợi dụng để vận chuyển trái phép lợn qua biên giới theo các đường mòn, lối mở. Hành vi vận chuyển trái phép lợn qua biên giới còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh làm ảnh hưởng tới đàn lợn trong nước và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 11/7, giá lợn hơi tại miền Bắc quay đầu giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg, đưa mức giao dịch trở lại quanh ngưỡng 89.000-92.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi là 90.000 đồng/kg; tại Phú Thọ, Tuyên Quang là 89.000 đồng/kg; tại Hà Nam, Nam Định là 92.000 đồng/kg.
Thương lái mua lợn hơi tại thị trường miền Trung và miền Nam trong khoảng 81.000-93.000 đồng/kg, cao nhất tại Bình Thuận bán ra 93.000 đồng/kg. Tại TP.HCM ghi nhận giá lợn hơi 87.000 đồng/kg.
Trong khi đó, việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết thủ tục nhập khẩu, quá trình kiểm dịch tốn nhiều thời gian, chi phí.
Đồng thời, giá lợn hơi Thái Lan liên tục tăng kể từ khi sau thông tin Việt Nam nhập khẩu, hiện neo ở mức 67.000-68.000 đồng/kg. Thương nhân cho rằng nếu không tính toán kỹ lưỡng, doanh nghiệp nhập khẩu có thể bị lỗ.