Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trực tuyến về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác phòng chống tội phạm và tham nhũng.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 10 tháng (1/10/2021-31/7/2022), nổi lên tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tham nhũng và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với các vụ án FLC, Việt Á, chuyến bay giải cứu, an ninh mạng...
10 người đứng đầu bị xử lý hình sự
Về kiểm soát tài sản, thu nhập, trong kỳ đã có 7.662 người được xác minh; 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 lãnh đạo bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức một người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người).
Trong kỳ, cơ quan chức năng phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ.
Nổi lên là hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán nhiều vòng để nâng giá.
Liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố 26 bị can; công an 21 địa phương khởi tố 24 vụ và 63 bị can.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp sáng 15/9. Ảnh: Đức Nghĩa. |
Ngoài ra, C03 đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC; Công an Hà Nội khởi tố vụ án Vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, gây thiệt hại ước tính 25 tỷ đồng…
Về vụ lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Đưa và nhận hối lộ, khởi tố các bị can là lãnh đạo, chuyên viên Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và chuyên viên Văn phòng Chính phủ...
Chủ tịch Tân Hoàng Minh chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ của 6.000 nhà đầu tư
Qua điều tra cho thấy tội phạm kinh tế, buôn lậu diễn ra phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, cụ thể là vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA.
Đồng thời, việc vi phạm pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng nổi lên, nổi bật là vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ của hơn 6.000 nhà đầu tư.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Về tội phạm trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm được nhận định có những thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách Nhà nước. C03 đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Công ty Đúc số 1 và các đơn vị liên quan, thiệt hại ước tính trên 90 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, Công an tỉnh Vĩnh Long khởi tố Tổng giám đốc Công ty Trường Huy về hành vi lập 14 công ty vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt 155 tỷ đồng. Công an Hà Nội khởi tố cán bộ Agribank chi nhánh Hồng Hà nâng khống trị giá tài sản đảm bảo gây thiệt hại 29 tỷ đồng. Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố cán bộ BIDV chi nhánh Quảng Ninh lập khống 9 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt gần 33 tỷ đồng...
Đáng chú ý trên không gian mạng, Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khắc phục các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ hơn 600 tài khoản, bài viết, video có nội dung vi phạm pháp luật, ngăn chặn truy cập hơn 6.000 trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài đăng tải thông tin xấu, nội dung độc hại.
Cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội, triệt phá 631 nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tình hình tội phạm trong lĩnh vực này được nhận định còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm giết người tăng 7,43%, nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn cá nhân, xảy ra một số vụ giết người thân, giết nhiều người.
Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, một số vụ xâm hại với hành vi dã man thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm mua, bán người có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới, nhất là lừa bán người sang Campuchia lao động cưỡng bức.