Rác tràn ngập thành phố Kensennuma, tỉnh Miyagi sau trận sóng thần ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters |
Sau đợt thảm họa kép tháng 3/2011, cả một vùng đông bắc Nhật Bản chìm trong hàng chục tấn rác thải. Bộ Môi trường ước tính thảm họa để lại khoảng 24 triệu tấn rác ở 3 tỉnh thiệt hại nặng nhất là Fukushima, Miyagi và Iwate. Chính quyền ước tính công tác dọn sạch hoàn toàn rác sẽ diễn ra trong ít nhất 3 năm. Chính phủ cấp ngân sách 125 nghìn tỷ yen (hơn 120 tỷ USD) để các địa phương làm sạch môi trường và tái thiết khu vực thảm họa.
Khoản tiền khổng lồ nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của các băng đảng tội phạm Nhật. Vài ngày sau khi sóng thần xảy ra, báo Guardian cho biết những băng đảng yakuza hùng mạnh nhất Nhật Bản đã điều động hàng chục xe tải để chở nước, chăn, mền, mì gói và các nhu yếu phẩm khác đến vùng thảm họa để phân phát cho dân.
"Nếu mafia giúp đỡ người dân thì cảnh sát không có lý do để ngăn cản họ. Tuy nhiên, đây chỉ là cách thu phục lòng người để họ đoạt những hợp đồng xử lý rác có giá trị lớn", một nhà báo Nhật chuyên theo dõi mafia nói.
Mafia từ Trung Quốc cũng chú ý tới những hợp đồng dọn rác. Một quan chức Sở cảnh sát Tokyo nêu tên A - bí danh của một nhân vật cộm cán trong thế giới mafia Trung Quốc, đang nhúng tay vào những phi vụ xử lý chất thải ở Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nổi danh trong thế giới ngầm Trung Quốc, A vốn sinh ra ở Nhật Bản Động cơ cuối cùng của ông ta là đoạt gói thầu thu gom và xử lý những núi rác thải ở vùng thiên tai tại Nhật Bản.
Theo vị cảnh sát, ông A tăng cường vận động hành lang trong quá trình đấu thầu bằng những chuyến thăm thị trưởng thành phố Minamisoma thuộc tỉnh Fukushima cùng một nghị sĩ đảng Dân chủ (DPJ). Khi đó vị thị trưởng không hề biết xuất thân của A cũng như những hoạt động của ông ta trong thế giới tội phạm Trung - Nhật.
Một trong những lợi thế khi đấu thầu của A là ông ta sở hữu nhiều khu đất ở đại lục để chôn rác thải. Phần lớn núi rác xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhiễm phóng xạ nên chính quyền không thể đem nó tới địa phương khác để chôn. Nhiều công ty Nhật Bản cũng không muốn xử lý chúng. Trong hoàn cảnh đó, A tuyên bố ông ta sẽ chuyển rác nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản sang Trung Quốc, sau đó chôn ở các điểm xử lý rác mà ông ta sở hữu.
Nhưng xã hội đen Trung Quốc không phải là đối tượng duy nhất dòm ngó các hợp đồng xử lý rác thải béo bở. Ngày 21/4/2011, thành viên nhóm xã hội đen Kodohai phát hàng tiếp tế cho những người sống sót sau sóng thần ở thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi.
Cảnh sát cho rằng đây là một chiến dịch "lấy lòng" của Yakuza nhằm thắng thầu xử lý rác. Kodokai là nhánh con lớn nhất dưới trướng Yamaguichigumi, băng đảng tội phạm lớn mạnh nhất thế giới ngầm ở Nhật Bản.
Yakuza thường xuyên xuất hiện rất sớm để hỗ trợ người dân vùng thiên tai. Ảnh minh họa: wordpress.com |
Những băng đảng chuyên đòi tiền bảo kê của các doanh nghiệp cũng muốn giành hợp đồng xử lý rác. Một nhóm cử hơn 30 đàn em đến khu vực nhà máy Fukushima để trực tiếp xử lý khối rác nhiễm phóng xạ. Mục đích của chúng là đe dọa công ty điện lực Tokyo, đơn vị chủ quản nhà máy Fukushima, rằng công nhân của họ phơi nhiễm phóng xạ do lỗi của công ty, sau đó đòi tiền bồi thường hậu hĩnh.
Chính phủ và lực lượng cảnh sát đã áp dụng nhiều biện pháp để ngăn cản hoạt động của các nhóm tội phạm. Cuối tháng 3/2011, cảnh sát quốc gia chỉ đạo những đơn vị cảnh sát địa phương không cho phép Yakuza tham gia những dự án tái thiết. Ngày 8/5, Phó chánh văn phòng nội các khẳng định trên đài truyền hình NHK rằng chính phủ sẽ chỉ đạo trực tiếp quá trình xử lý và dọn dẹp rác.
Tuy nhiên, ngăn chặn sự tham gia của Yakuza một cách triệt để không phải là việc dễ dàng, do quy mô quá lớn của các núi rác và khối lượng công việc, nhân lực đồ sộ mà người ta cần để xử lý chúng. Hơn nữa, nhiều tổ chức Yakuza cũng xây dựng vỏ bọc doanh nghiệp hoạt động hợp pháp nên họ có thể qua mặt cảnh sát địa phương để tham gia đấu thầu.