Người dân Nhật Bản cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011. Ảnh: AFP |
Những tháng sau thảm họa, người dân địa phương đã chứng tỏ sự kiên cường khi cùng với các tình nguyện viên cả nước nỗ lực tái xây dựng cuộc sống. Khoảng 20 triệu tấn rác và mảnh vỡ từ nhà cửa, tàu bè bị hư hại sau sóng thần nhanh chóng được dọn sạch.
Các nhà quy hoạch thiết kế những bản vẽ thị trấn mới trên nền đất cao hơn, sử dụng năng lượng tái sinh và ấp ủ loại bỏ điện hạt nhân. Những chuyên gia lạc quan thậm chí còn cho rằng công cuộc tái thiết khu vực đông bắc sẽ kéo cả nước Nhật Bản ra khỏi tình trạng kinh tế trì trệ.
Thủ tướng Shinzo Abe từng tuyên bố, khu vực đông bắc bị tàn phá sau thảm họa kép là một phép thử quan trọng trong kế hoạch phục hồi kinh tế quốc gia của ông. Chính phủ Nhật Bản đã phân bổ ngân sách 25 nghìn tỷ yen (250 tỷ USD) cho kế hoạch tái thiết 5 năm ở các vùng trung tâm thảm họa.
Một bản tin của đài NHK vào tháng 3/2015 cho biết, hơn 50% trong tổng số khoảng 3.500 doanh nghiệp ở các vùng đông bắc Nhật Bản đã đạt mốc doanh số tương đương với giai đoạn trước thiên tai.
Bên cạnh tín hiệu lạc quan này, vẫn còn gần một nửa doanh nghiệp báo cáo doanh số giảm và đang nỗ lực phục hồi việc kinh doanh. Ngành xây dựng đạt tăng trưởng cao nhất so với những nhóm ngành khác, một phần gắn liền với nhu cầu xây dựng lại các công trình hậu thiên tai.
Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước người dân thành phố cảng Soma, tỉnh Fukushima, tháng 12/2014. Ông Abe luôn nhấn mạnh khôi phục kinh tế ở những vùng bị ảnh hưởng trong thảm họa kép năm 2011. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, phần lớn ông chủ của các công ty xây dựng, chứ không phải chính quyền địa phương hay trung ương, mới nắm quyền quyết định chọn xây dự án nào. Theo báo Economist (Anh), khi chính quyền thành phố Rikuzentakata mời thầu cho dự án một trường học mới, nhiều công ty cho rằng kinh phí quá thấp, và không đơn vị nào nhận thầu khiến dự án thất bại.
Khu nhà ở tạm đầu tiên dành cho những người mất nhà sau sóng thần ở thành phố Kesennuma chỉ vừa khánh thành gần đây. Thị trưởng Shigeru Sugawara nói các công ty xây dựng không mặn mà với những dự án nhà này.
Trong bối cảnh giá nhân công và nguyên vật liệu gia tăng, các công ty có quyền, và có lý do hợp lý, để lựa chọn dự án. Họ hăm hở bắt tay vào công trình xây 70 bức tường bê tông chắn lũ tại thành phố Kesennuma.
Những bức tường rộng 90 m và cao đến 15 m là một phần trong kế hoạch do chính phủ ban hành sau thảm họa sóng thần 2011 để bảo vệ người dân ở các vùng ven biển. Kinh phí để xây các bức tường này đến 1.000 tỷ yen.
Nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở vùng Tohoku, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau thảm họa kép năm 2011. "Năm nay (2015), các công trình xây dựng sẽ nhiều hơn ở những vùng ven biển", Kazuhiro Morimoto, quan chức Bộ Kinh tế và Công thương phụ trách vùng Tohoku, cho biết.
Những cụ bà ngồi làm giầy vải trong một căn phòng nhỏ ở khu nhà tạm thời dành cho người mất nhà sau thảm họa sóng thần năm 2011 ở tỉnh Miyagi. Ảnh: Japan Times |
Theo hãng tin Jiji, trợ cấp từ chính phủ trung ương và địa phương là động lực khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động ở các tỉnh Fukushima, Iwate và Miyagi. Số lượng công xưởng mà các công ty thành lập ở ba địa phương này tăng đáng kể, từ 15 nhà máy vào năm 2010 đến 29 vào năm 2011, rồi 33 vào năm 2012. Những doanh nghiệp vận tải lớn, như tập đoàn Toyota, cũng chọn các khu vực mà thiên tai tàn phá để xây dựng nhà máy sản xuất.
"Cuộc sống của tôi gặp nhiều khó khăn sau thảm họa năm 2011. Nhưng mọi chuyện đã cải thiện khá hơn sau khi tôi bắt đầu vào làm việc tại nhà máy", anh Takashi Kasamatsu, 36 tuổi, công nhân tại một nhà máy sản xuất bộ phận máy bay ở thành phố Natori, tỉnh Miyagi, cho biết.
So với thanh niên, những người lớn tuổi đang nỗ lực thích nghi với cuộc sống mới hậu thảm họa. Họ đối mặt với tình trạng thiếu hụt việc làm sau thiên tai. Trước khi sóng thần xảy ra, họ từng làm việc ngoài các cánh đồng hoặc trong cảng cá. Chính phủ đã nỗ lực phục hồi nông nghiệp ở các địa phương bằng việc mang đất trồng từ những vùng xa đến lấp vào những khu vực nhiễm mặn do nước biển. Chương trình cải tạo đất này tốn khoảng 90 triệu USD.
Ở ngoài khơi, chỉ một số ít ngư dân địa phương nối lại việc đánh bắt từ sau thảm họa. Cơ quan xây dựng Nhật Bản cho biết họ đã phục hồi hơn 300 trong tổng số 319 cảng ven biển.
Hiệp hội nghề cá Nhật Bản giữa tháng 2/2015 công bố khảo sát cho biết, tốc độ phục hồi của ngành này tại vùng thiên tai diễn ra chậm so với kỳ vọng. Chỉ 50% trong số những công ty thủy sản ở các tỉnh Aomori, Iwate, Miyagi, Fukushima và Ibaraki báo cáo năng lực sản xuất phục hồi 80% so với mức trước thiên tai, theo hãng tin Jiji.
Ngư dân đánh bắt cá ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Fukushima vào tháng 2/2015. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, cuộc sống bình yên những ngày trước thiên tai chưa sớm quay lại với người dân Nhật Bản. Báo Los Angeles Times đưa tin tháng 11/2014 cho biết, hơn 93.000 người mất nhà trong thiên tai năm 2011 hiện vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm.
Hội Chữ Thập đỏ Nhật Bản cho biết, trong khi nhiều công trình quy mô lớn như bệnh viện hoặc nhà trẻ đã hoàn thành, việc xây dựng các khu định cư cho những người mất nhà trong thiên tai diễn ra chậm chạp. Họ phải sống trong những nhà ở tạm thời của chính phủ hoặc sống chung với người thân.
Tokyo đã kéo dài chương trình nhà ở tạm đến năm 2017. "Tôi nghĩ tôi sẽ còn ở đây lâu hơn. Tôi không biết khi nào mới có thể chuyển đến khu định cư mới", cụ Kazuko Hamahata, 79 tuổi, nói.
Năm 2012, Đại học Tohoku từng khảo sát tình hình sức khỏe của những người sơ tán sống trong các khu nhà tạm trú. Họ phát hiện phần lớn người dân bị chứng rối loạn giấc ngủ và béo phì gia tăng, tình trạng nghiêm trọng hơn ở những người lớn tuổi.
Nhiều người Nhật Bản chọn cách nén đau thương để tiếp tục xây dựng lại cuộc sống. Đối với anh Takayuki Ueno, người con gái gần 5 tuổi lúc này là nguồn an ủi duy nhất. Khi sóng thần xảy ra năm 2011, cô bé chỉ mới vừa 6 tháng tuổi.
"Vào tháng tới con gái tôi, Sarii, sẽ đi nhà trẻ. Con bé sẽ làm điều mà anh trai nó không thể thực hiện được. Con trai tôi thật yểu mệnh, nó qua đời khi chỉ mới 3 tuổi", ông Ueno nói trong nước mắt.
Tomoya Kinoshita, 26 tuổi, muốn phục hồi lại nghề kinh doanh quán trọ truyền thống của gia đình ở quận Okawa, tỉnh Ishinomaki. Mẹ của anh, bà Emi, 46 tuổi, là thế hệ quản lý thứ 2 của quán trọ trước khi bà mất tích trong trận sóng thần năm 2011. Cả nhà trọ cũng bị dòng nước cuốn trôi và không để lại vết tích gì.
Sau một thời gian sơ tán, Kinoshita đã trở về Okawa. Anh mở một nhà hàng mới nhưng vẫn sử dụng tên quán trọ cũ. "Tôi không biết liệu có thể mở quán trọ lớn như của mẹ tôi hay không. Nhưng tôi tin bà sẽ rất vui nếu tôi tiếp tục phát triển công việc truyền thống của gia đình", Kinoshita nói.