Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý đồ của Trung Quốc qua các lần tiến vào EEZ Nhật Bản

Giới chuyên gia cho rằng những lần tàu Trung Quốc tiến vào EEZ của Nhật Bản là cách Bắc Kinh thử phản ứng của Tokyo, nhưng điều này cũng có thể phản tác dụng với Trung Quốc.

“Khi Trung Quốc hoạt động ngày càng nhiều trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác, Mỹ, Australia và thậm chí Nhật Bản cũng có thể làm điều tương tự”, SCMP hôm 7/6 dẫn lời ông Robert Dujarric, đồng Giám đốc Viện Châu Á Đương đại thuộc Đại học Temple (Nhật Bản).

Ông Dujarric có nhận định trên sau sự kiện Tuần duyên Nhật Bản cuối tuần trước bắt gặp tàu Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc đang triển khai cáp ở đuôi tàu để khảo sát dưới nước trong vùng EEZ ngoài khơi tỉnh Okinawa của Nhật Bản khi chưa được phép.

tau Trung Quoc vao EEZ anh 1

Tàu Dong Fang Hong 3 bị Tuần duyên Nhật Bản bắt gặp hôm 4/6. Ảnh: Tuần duyên Nhật Bản.

Con tàu này cũng cách 90 km về phía nam quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật gọi là Senkaku), nơi Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gửi đi công hàm phản đối Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng sự kiện trên là lần mới nhất trong chuỗi hoạt động của Trung Quốc nhằm thử phản ứng Nhật Bản. Hồi tháng 3 năm nay và tháng 9/2021, tàu Trung Quốc cũng hoạt động trong EEZ của Nhật Bản.

Tuy hành vi khảo sát tại EEZ của nước khác không vi phạm luật biển, thông lệ được chấp nhận là nước khảo sát phải xin phép từ trước.

Giới phân tích còn cho rằng nhiều khả năng tàu Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc đang tìm kiếm mỏ năng lượng hay các tài nguyên khác dưới đáy biển, tìm khu vực đủ sâu cho tàu ngầm đi qua, hoặc thậm chí xác định tuyến cáp liên lạc dưới biển.

Nhưng hành động của Trung Quốc có thể phản tác dụng, theo ông Dujarric.

Ông Dujarric lấy ví dụ khi Liên Xô phóng Sputnik, vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới vào năm 1957, Mỹ đã không phản đối khi vệ tinh này bay qua lãnh thổ.

Thay vì thế, Mỹ đã dựa vào đó để thiết lập nguyên tắc vệ tinh bay ngang qua không vi phạm không phận thuộc chủ quyền của một nước. Từ ấy, Mỹ cũng có thể cho vệ tinh do thám bay qua Liên Xô.

“Trường hợp này cũng vậy. Điều này ủng hộ cho những lần tàu chiến các nước thực hiện quyền tự do hàng hải ở các vùng như Biển Đông hay ngoài khơi đảo Đài Loan”, ông Dujarric nói.

Mỹ đưa tàu chiến tối tân tới châu Á săn đuổi tàu ngầm Trung Quốc

Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa lực lượng tàu chiến tại căn cứ ở Nhật Bản để đối phó với thách thức ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Tàu sân bay Trung Quốc đi qua vùng biển gần Okinawa

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết 8 tàu hải quân Trung Quốc, bao gồm một tàu sân bay, hôm 2/5 đã đi qua vùng biển gần các đảo ở Okinawa, phía nam Nhật Bản.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm