Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ý đồ của Nhật khi xoay trục sang ASEAN

Nhật Bản có nhiều lý do để thắt chặt hơn quan hệ với các nước ASEAN, trong bối cảnh mối quan hệ của Tokyo với Bắc Kinh vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn có thể bùng phát.

“Nhật Bản không thể trở thành mắt xích yếu trong bộ khung an ninh của khu vực và thế giới, nơi Mỹ đang đảm nhận vai trò dẫn dắt. Chúng ta phải là một nước đóng góp vào nỗ lực bảo đảm phúc lợi và sự an toàn cho thế giới”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng phát biểu như vậy hồi tháng 9/2013. Ông nói thêm rằng Nhật Bản sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như thế giới một cách chủ động hơn so với thời gian trước đây.

Một tàu chiến Nhật Bản thăm New Zealand vào năm 2014. Ảnh: Japan Times
Một tàu chiến Nhật Bản thăm New Zealand vào năm 2014. Ảnh: Japan Times

Chủ trương xoay trục hàng hải của Nhật Bản sang Đông Nam Á, xuất phát từ học thuyết “Đóng góp tích cực hơn cho hòa bình” của Abe, là trọng tâm của tâm nguyện này, Diplomat nhận định.

Trên thực tế, Nhật Bản đã dịch chuyển khá xa về phía tây để vào Ấn Độ Dương, và thậm chí còn hiện diện ở vùng Biển Caribbe. Nhưng Đông Nam Á là khu vực mà Tokyo thực hiện chương trình hỗ trợ và xây dựng năng lực an ninh hàng hải một cách mạnh mẽ nhất. Philippines và Việt Nam là hai trong số những nước hưởng lợi từ chương trình. Giống như tranh chấp Trung – Nhật trong biển Hoa Đông, Việt Nam và Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông. Tokyo đã đồng ý cấp tàu tuần tra cho hai nước.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 10/2013, Abe từng phát biểu rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN kỳ vọng Nhật Bản thể hiện vai trò dẫn dắt trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn an ninh ở châu Á – Thái Bình Dương.

Xu hướng bình thường và tự nhiên

Một quan chức chính phủ Indonesia từng nhận xét: “Vai trò tăng dần của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á là xu hướng bình thường và tự nhiên. Do kinh tế ngày càng mạnh, Nhật Bản sẽ đóng góp nhiều hơn cho khu vực". Ngay cả Campuchia, một đồng minh lâu năm của Trung Quốc, cũng tỏ ra ủng hộ việc Tokyo đóng góp lớn hơn vào an ninh khu vực.

Dường như cả 10 nước thuộc ASEAN đều nhất trí rằng họ cần thắt chặt hơn quan hệ về quốc phòng và an ninh với Nhật Bản. Hồi tháng 10/2013, Nhật Bản và các nước ASEAN công bố tuyên bố chung về tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, thúc đẩy tự do di chuyển trên biển và trên không. Tuyên bố chung cho thấy sự phản đối của Nhật Bản và ASEAN đối với việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông trước đó chưa lâu. Sau đó, Diễn đàn Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản – ASEAN lần thứ 6 vào tháng 10 cùng năm đã củng cố những cam kết trong tuyên bố chung.

Về phương diện tư duy chiến lược, giới phân tích hiểu ý đồ sâu xa của Nhật Bản khi họ tăng cường tính chủ động đối với an ninh ở Đông Nam Á. Các tuyến vận chuyển năng lượng qua những vùng biển Đông Nam Á rất quan trọng đối với Tokyo. Từ khi quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng vào năm 2012, Tokyo đã chuyển hướng đầu tư sang ASEAN. Năm 2013, đầu tư của giới doanh nghiệp Nhật Bản tại ASEAN cao gấp 3 lần so với Trung Quốc. Hơn nữa, Đông Nam Á cũng là nơi Nhật Bản thử nghiệm chiến lược xuất khẩu vũ khí.

Vì thế không ai nghi ngờ lý do Nhật Bản muốn xoay trục hàng hải sang Đông Nam Á. Tokyo tỏ ra rất hăng hái. Họ đã ký nhiều thỏa thuận để củng cố hợp tác an ninh hàng hải và hoạt động trao đổi với một số chính phủ ASEAN – như huấn luyện lực lượng tuần duyên cho Indonesia và Malaysia. Thậm chí Abe còn xem lại thỏa thuận về hỗ trợ phát triển chính thức nhằm tăng cường mức độ hỗ trợ về xây dựng năng lực hàng hải cho Malaysia và Indonesia.

Nhật Bản toan tính gì khi muốn đưa tàu vào Cam Ranh?

GS Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) chia sẻ với Zing.vn về những ý định của Nhật Bản để tăng cường hiện diện trên Biển Đông, bao gồm kế hoạch đưa tàu vào vịnh Cam Ranh.

Dưới thời Shinzo Abe, Nhật Bản thực hiện nhiều động thái để củng cố vai trò an ninh tích cực hơn.  Chẳng hạn, hồi tháng 2, Tokyo tính tới khả năng triển khai tàu và phi cơ của Lực lượng Phòng vệ (SDF) để giám sát Biển Đông cùng Mỹ. Trong ít nhất hai trường hợp từ tháng 5 tới tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố Tokyo có thể tiến hành hoạt động giám sát trên Biển Đông.

Ngay sau khi Hải quân Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông bằng việc điều tàu vào khu vực 12 hải lý xung quanh bãi đá Subi, hồi cuối tháng 10, Tokyo ký một thỏa thuận với Việt Nam để tàu của họ có thể vào cảng Cam Ranh tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm và phục vụ các mục đích khác. Với thỏa thuận ấy, lực lượng quân sự Nhật Bản sẽ hiện diện thường xuyên hơn ở Đông Nam Á. Tháng trước Abe nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Tokyo sẽ nghiên cứu tính khả thi của việc tuần tra trên Biển Đông. Nếu ý định tuần tra Biển Đông trở thành hiện thực, đây sẽ là hoạt động đơn phương do Tokyo từng nói rõ họ không muốn thực hiện quyền tự do hàng hải cùng Mỹ.

Thách thức trong nước

Abe phải tiếp tục đối mặt với một bộ phận cử tri phản đối việc Nhật Bản can dự sâu hơn vào an ninh ở châu Á nhằm thực hiện quyền phòng vệ tập thể. Trong một cuộc khảo sát ý kiến qua điện thoại do hãng thông tấn Kyodo thực hiện hồi tháng 8 năm ngoái, 84,1% số người tham gia tin rằng chính phủ vẫn chưa giải thích thỏa đáng về quyền phòng vệ tập thể.

Sau đó, trong một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện hồi tháng 1, tỷ lệ người đồng ý rằng lực lượng phòng vệ nên tham gia tích cực hơn vào an ninh quốc tế chỉ chiếm 25,9% - giảm 2,2% so với một cuộc khảo sát tương tự vào năm 2012. Trong cuộc thăm dò ý kiến do báo Asahi Shimbun thực hiện vào tháng 9 vừa qua, 68% người tham gia cảm thấy luật an ninh mới mà Quốc hội thông qua trong tháng 9 nhằm tăng quyền can dự vào an ninh ở nước ngoài cho lực lượng vũ trang là hành động không cần thiết. Một cuộc thăm dò khác do báo Mainichi Shimbun tiến hành hồi tháng 10 cho thấy 57% người tham gia đánh giá tiêu cực về luật an ninh mới, trong khi chỉ 31% người ủng hộ.

Hàng loạt cuộc khảo sát ý kiến do giới truyền thông xứ hoa anh đào thực hiện cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ Abe đã tăng trở lại, song chủ yếu do cam kết vực dậy nền kinh tế trước cuộc bầu cử thượng viện vào năm tới. Vì thế, bản chất bất ổn, khó đoán trong chính trường Nhật Bản tạo ra một bãi mìn mà Abe phải định hướng thật cẩn thận nếu ông muốn lực lượng phòng vệ can dự sâu hơn vào an ninh ở Đông Nam Á.

Nhật Bản toan tính gì khi muốn đưa tàu vào Cam Ranh?

GS Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) chia sẻ với Zing.vn về những ý định của Nhật Bản để tăng cường hiện diện trên Biển Đông, bao gồm kế hoạch đưa tàu vào vịnh Cam Ranh.

Tâm lý cảnh giác với Trung Quốc

Trọng tâm an ninh của Nhật Bản vẫn là biển Hoa Đông, biển Nhật Bản và những vùng lãnh hải thuộc phía tây Thái Bình Dương. Tokyo thấy rõ rằng những cuộc tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc trong những vùng biển tranh chấp sẽ không ngừng lại trong tương lai gần, dù quan hệ giữa hai nước đã bớt căng thẳng.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Kyodo
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Kyodo

Trên thực tế, Tokyo cảm thấy họ phải đáp trả thật nhanh những động thái leo thang của Bắc Kinh, như điều các tàu do thám quân sự tới sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi trước đây họ chỉ dùng tàu dân sự. Ngoài ra, hoạt động thăm dò dầu, khí đốt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông cũng khiến Tokyo bất bình. Giới phân tích nhận định Trung Quốc thực hiện những hành động ấy để giới hạn mối quan tâm của Nhật Bản trong biển Hoa Đông thay vì mở rộng sang Biển Đông.

Ngay cả khi gạt tranh chấp trên biển Hoa Đông sang một bên, những nhà hoạch định chính sách an ninh của Nhật Bản vẫn có nhiều lý do để lo ngại về những hành động quân sự ngày càng táo bạo của Trung Quốc ở khu vực phía tây Thái Bình Dương. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản theo dõi những phi cơ và chiến hạm của Trung Quốc qua Eo biển Miyako với tâm thế cảnh giác cao.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật thăm quân cảng Cam Ranh

Sáng nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã đến sân bay Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam.

 

Linh Phong

Bạn có thể quan tâm