Trong chiến dịch của quân Đồng Minh chống phát xít Nhật cuối năm 1942, khi được báo cáo rằng Sư đoàn 32 Hoa Kỳ tỏ ra thiếu khả năng trong cuộc tấn công vào Buna và Gona - các vị trí đổ bộ chính của Nhật Bản tại miền đông bắc New Guinea, Tướng Douglas MacArthur đã ra lệnh cho tư lệnh Quân đoàn I Robert Eichelberger tới đó nắm giữ quyền chỉ huy trực tiếp.
Ông nói: “Bob, hãy cách chức Harding và loại bỏ tất cả sĩ quan nào không có ý chí chiến đấu. Nếu cần, đưa trung sĩ lên phụ trách tiểu đoàn và hạ sĩ có thể chỉ huy đại đội. Phải chiếm được Buna, hoặc đừng sống sót trở về”.
MacArthur - một vị tướng Hoa Kỳ và là một trong 5 người thụ phong quân hàm Thống tướng - được biết đến với câu nói nổi tiếng: “Trong một cuộc chiến, không gì có thể thay thế được chiến thắng. Và sẽ là tai họa chết người nếu bước vào trận đánh mà không có ý chí giành chiến thắng”.
Với ông, nếu một người lính ra trận mà không có khát vọng, kể cả khi anh ta dũng mãnh và đầy đủ kỹ năng chiến đấu cũng phải loại bỏ. Ngược lại, một đội quân yếu ớt có thể làm nên điều kỳ diệu nếu tồn tại thứ gọi là sức mạnh tinh thần, được sản sinh từ ý chí chiến thắng.
Đừng bao giờ coi thường sức mạnh đó. Theo các nhà khoa học, nó là tập hợp các giá trị, thái độ, hành vi và cảm xúc cho phép con người vượt qua mọi trở ngại, nghịch cảnh, duy trì sự tập trung và giữ động lực để hoàn thành các mục tiêu. Điều này rất quan trọng, thậm chí đặc biệt quan trọng trong bóng đá.
Năm 1997, cuốn sách “Ý chí chiến thắng - Nhật ký của người quản lý” của Sir Alex Ferguson đã đề cập chi tiết về vấn đề này. Theo ông, mỗi cầu thủ cần có một mong muốn cháy bỏng để giành thắng lợi. Sau đó, họ cũng phải có ý chí để chuẩn bị cho việc này - tức là sự nhất quán trong quá trình thực hiện. Các cầu thủ bắt buộc phải là người ghét thất bại, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn và sửa chữa các sai lầm nếu có.
Với một HLV, công việc của họ là tạo ra động lực, đánh thức nguồn sức mạnh trong tâm trí và duy trì khát vọng. Nó không đơn giản chỉ là một cái vỗ vai khi các cầu thủ bước ra khỏi đường hầm và thì thầm vào tai họ: “Cố lên nhé”. Các HLV đều được học điều này nhưng chỉ một số áp dụng thành công.
Sir Alex Ferguson là trường hợp tiêu biểu. Ý chí để giành chiến thắng luôn nằm trong DNA của MU suốt nhiều năm. Bạn thấy đấy, họ chưa khi nào thôi nỗ lực, không ngừng chiến đấu và thường xuyên lật ngược thế cờ hoặc giành 3 điểm trong những phút cuối cùng.
“MU không bao giờ thua, chỉ là đôi khi họ hết thời gian thôi” là một tuyên ngôn nổi tiếng, khái quát tinh thần United.
Vì vậy, khi Louis van Gaal nói sau thất bại trước Arsenal, rằng các cầu thủ của ông không có khát vọng để giành chiến thắng - những người yêu mến MU sốc nặng. Đây là cái gì đó rất nghiêm trọng, cho thấy MU không chỉ là biến đổi hoàn toàn về mặt triết lý, phong cách, lối chơi, con người mà bản sắc bấy lâu của họ cũng không còn.
Vào tháng 3, bàn thắng phút 89 của Ashley Young ở chiến thắng trước Newcastle là lần đầu tiên sau 798 ngày, kể từ Boxing Day năm 2012 - mùa cuối cùng Sir Alex còn dẫn dắt - MU mới lại giành 3 điểm trong những phút cuối cùng.
Nó không xảy ra một lần nữa trong mùa này. 3 thất bại gần đây (trước Swansea, PSV và Arsenal), đội bóng của Van Gaal có rất nhiều thời gian để chạy trốn khỏi kết quả tồi tệ. Tại Emirates đêm Chủ nhật, họ có tới 70 phút. Nhưng tất cả đều bị phung phí.
Rất vô lý nếu phủ nhận hoàn toàn tham vọng của các cầu thủ MU. Họ có, chỉ là không đủ nhiều. Đồng thời, họ cũng dễ rơi ra trước các áp lực lớn, thay vì chiến đấu với thái độ không từ bỏ.
Ở vào bối cảnh khó khăn, các cầu thủ cũng không nhận được sự hỗ trợ từ người quản lý. Van Gaal chậm chạp phản ứng trước các diễn biến trên sân và không có khả năng truyền cảm hứng. Trong khi Rooney, Martial, Schweinsteiger và những người khác hoàn toàn mất phương hướng thì "Tulip thép" vẫn yên tĩnh trong khu kỹ thuật. Đầu tiên là hốt hoảng, sau đó là cúi đầu bất lực.
Thật khó để gây dựng cái gọi là ý chí giành chiến thắng với một HLV như vậy.