Năm 2024, Việt Nam có thể ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Nam Khánh. |
Theo dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 ước đạt trên 69 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 9. Trong đó, xuất khẩu duy trì mức tăng hơn 4% với gần 35,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 6%.
Tính chung 10 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 647,87 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 335,6 tỷ USD, tăng 15% và nhập khẩu đạt 312,3 tỷ USD, tăng 17%.
Hướng tới mốc 62 tỷ USD
Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao trong 10 tháng đầu năm nay là thủy sản tăng 12%, lâm sản tăng gần 20% và nông sản tăng gần 26%.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 10 ước đạt 5,91 tỷ USD, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này 10 tháng qua đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất siêu các mặt hàng nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62%.
Đáng chú ý trong các mặt hàng nông sản thì sản lượng xuất khẩu gạo tháng 10 ước đạt 800.000 tấn với giá trị 505 triệu USD, đưa tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu 10 tháng mặt hàng này đạt gần 8 triệu tấn với giá trị 4,86 tỷ USD, tăng 10% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 626 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước thì xuất khẩu gạo năm nay được dự báo đạt trên 8 triệu tấn và giá trị vượt 5 tỷ USD.
Với mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu cũng lập kỷ lục mới khi thu về hơn 6 tỷ USD chỉ trong 10 tháng, tăng gần 32%. Theo tính toán, xuất khẩu rau quả năm nay có thể vượt mốc 7 tỷ USD, tương đương mức tăng gần 20% so với năm ngoái.
Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đã lập kỷ lục khi thu về hơn 6 tỷ USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Ảnh: Nam Khánh. |
Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á và xếp thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay.
Dự báo trong 2 tháng cuối năm, nếu mỗi tháng xuất khẩu nhóm hàng này đạt 5,5 tỷ USD thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản cả năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD và là năm có giá trị xuất khẩu nhóm hàng này cao nhất từ trước đến nay.
Xuất khẩu thủy sản vượt 1 tỷ USD/tháng
Xét riêng về lĩnh vực thủy sản, báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản của nước ta ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ.
Đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), giá trị xuất khẩu hàng thủy sản của nước ta mới trở lại mức 1 tỷ USD/tháng. Lũy kế tới cuối tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã mang về hơn 8 tỷ USD, tăng 11%.
“Trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong bùng nổ với mức tăng 37%, xuất khẩu sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hong Kong và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hong Kong có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì.
Trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản nước ta ước đạt hơn 1 tỷ USD. Ảnh: Minh Phú. |
Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc và Hong Kong có thể trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, dù nền kinh tế châu Âu hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam. Đến cuối tháng 10, xuất khẩu hàng thủy sản sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, xuất khẩu thủy sản sang các quốc gia châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 1,5-2%. Những yếu tố như lạm phát kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng tại 2 thị trường này. Nhật Bản từng là một trong hai thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, đã tụt xuống vị trí thứ 3 vào năm 2024, với kim ngạch 1,25 tỷ USD trong 10 tháng, trong khi Hàn Quốc chỉ đạt 646 triệu USD.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.