Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công ty Trung Quốc chuyển các nhà máy pin mặt trời sang Indonesia, Lào

Để tránh thuế quan Mỹ áp dụng với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời, một số công ty Trung Quốc đã di dời nhà máy đến các quốc gia không chịu thuế quan của Mỹ.

Các công ty sản xuất thiết bị ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc chuyển nhà máy tới các quốc gia không chịu thuế quan của Mỹ. Ảnh: South China Morning Post.

Nhiều nhà máy năng lượng mặt trời thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc đang mọc lên tại Indonesia và Lào, những quốc gia nằm ngoài phạm vi thuế quan của các biện pháp bảo hộ thương mại từ Mỹ, theo Reuters.

Công suất dự kiến của các nhà máy này đủ để cung cấp khoảng một nửa số tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Mỹ năm ngoái.

Như trò “mèo vờn chuột”

Theo số liệu liên bang, nhập khẩu thiết bị năng lượng mặt trời của Mỹ đã tăng gấp 3 lần kể từ khi Washington bắt đầu áp thuế năm 2012, đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD vào năm ngoái.

Mỹ hầu như không nhập khẩu các mặt hàng này trực tiếp từ Trung Quốc năm 2023, nhưng có khoảng 80% thiết bị năng lượng mặt trời đến từ các quốc gia có nhà máy của các công ty Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Washington đã áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa lĩnh vực năng lượng mặt trời từ một số quốc gia Đông Nam Á vào năm ngoái và mở rộng biện pháp thuế quan này vào tháng 10 năm nay, sau khi các nhà sản xuất tại Mỹ khiếu nại.

Về phía Trung Quốc, các công ty trong ngành năng lượng mặt trời nước này đã liên tục giảm sản lượng tại các nhà máy hiện hữu để xây dựng nhà máy mới ở các quốc gia khác. Điều này giúp các doanh nghiệp né thuế và chiếm lĩnh thị trường Mỹ cũng như toàn cầu, bất chấp nhiều đợt áp thuế của Mỹ trong hơn 1 thập kỷ qua.

Ông William A. Reinsch, cựu quan chức thương mại trong chính quyền Clinton, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá việc dịch chuyển sản xuất để tránh thuế này như một trò "mèo vờn chuột" quy mô lớn và quy tắc là Trung Quốc phải hành động để Mỹ luôn chậm hơn một bước.

Theo SPV Market Research, Trung Quốc chiếm khoảng 80% lượng xuất khẩu các mặt hàng ngành năng lượng mặt trời toàn cầu, trong khi các trung tâm xuất khẩu của nước này tại châu Á chiếm phần lớn còn lại. Đây là một sự thay đổi đáng kể so với 2 thập kỷ trước khi Mỹ từng là nước dẫn đầu trong ngành công nghiệp này.

Trong 18 tháng qua, ít nhất 4 dự án năng lượng mặt trời có liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động tại Indonesia và Lào, cùng với 2 dự án khác đã được công bố. Tổng công suất của các dự án này lên tới 22,9 GW pin/tấm năng lượng.

Phần lớn sản lượng này sẽ được bán sang Mỹ, thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc và cũng là một trong những thị trường béo bở nhất.

Các nhà sản xuất thiết bị lĩnh vực năng lượng mặt trời Mỹ đã nhiều lần khiếu nại chính phủ rằng không thể cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc do sự hỗ trợ không công bằng bởi các khoản trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lập luận rằng sự thành thạo công nghệ giúp họ cạnh tranh tốt hơn về giá cả.

Thuế quan cũng là chủ đề chính trong cuộc bầu cử Mỹ gần đây, khi cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất áp thuế lên tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ để bảo vệ sản xuất trong nước, bao gồm mức thuế 60% với tất cả hàng hóa Trung Quốc.

Trong khi đó, Phó tổng thống Kamala Harris cho rằng kế hoạch này sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.

Tuy nhiên, các nhà lập pháp Mỹ đều ủng hộ việc thắt chặt thuế quan đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc nhằm phát triển chuỗi cung ứng trong nước.

“Trong tương lai, người dân Mỹ nên yêu cầu thực thi nghiêm ngặt hơn các quy định thuế quan, đặc biệt về việc Trung Quốc sử dụng các nước thứ 3 để lách luật thương mại”, John Moolenaar, Chủ tịch Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện Mỹ về Trung Quốc chia sẻ với Reuters.

Điểm đến mới của các nhà máy

Một quản lý tại công ty năng lượng mặt trời Mỹ cho biết sự chuyển dịch sản xuất của các công ty Trung Quốc sang Indonesia đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, theo Reuters.

Người này cho biết các nhà cung cấp ở Indonesia đã thông báo rằng đang có nhiều đơn hàng lớn từ các công ty Trung Quốc muốn xuất khẩu sang Mỹ.

Xuất khẩu các mặt hàng liên quan ngành năng lượng mặt trời từ Indonesia sang Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong 8 tháng đầu năm nay, đạt 246 triệu USD.

Tương tự, xuất khẩu các mặt hàng lĩnh vực năng lượng mặt trời từ Lào sang Mỹ gần như bằng 0 trong 8 tháng đầu năm ngoái, nhưng đã đạt 48 triệu USD trong 8 tháng năm nay.

Trung Quốc chờ kết quả bầu cử Mỹ để đưa ra gói kích thích kinh tế

Các chuyên gia kinh tế phân tích rằng kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc có thể phụ thuộc nhiều vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Volkswagen mất dần vị thế ở thị trường Trung Quốc

Từng là biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Đức và là hãng ôtô được tin tưởng hàng đầu tại Trung Quốc, giờ đây Volkswagen lại đang phải loay hoay tại thị trường tỷ dân.

Nhà sản xuất máy bay 'made in China' mở văn phòng ở Singapore

Động thái này được dự đoán trở thành bệ phóng tại Đông Nam Á cho dòng máy bay chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc tự sản xuất.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm