Lô xe Volkswagen tại Wolfsburg (Đức) vào tháng 10/2024. Ảnh: CNN. |
Lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm, Volkswagen gặp khủng hoảng chưa từng có khi có thể phải đóng cửa ít nhất 3 nhà máy lớn, thu hẹp quy mô các nhà máy còn lại ngay tại quê nhà Đức và sa thải hàng nghìn nhân sự trong bối cảnh lợi nhuận giảm mạnh, theo The New York Times.
Trong 4 thập kỷ gần nhất, Tập đoàn Volkswagen là nhà sản xuất ôtô dẫn đầu thị trường tại Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đánh giá cao nhiều loại xe của hãng, từ Volkswagen Santana, đến Audi và Porsche. Nhưng VW đã bị công ty xe điện nội địa BYD chiếm mất vị trí nhà sản xuất ôtô hàng đầu tại đất nước tỷ dân.
“Ngày nay, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thờ ơ với các sản phẩm của VW. Họ thích những sản phẩm mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn từ các thương hiệu nội địa”, ông Michael Dunne, một cố vấn ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc nhận định.
Sản lượng xe mang thương hiệu VW của tập đoàn này đã giảm 22% trong 5 năm gần nhất xuống còn 4,9 triệu xe. Trong cùng thời kỳ, thị phần của toàn tập đoàn tại Trung Quốc đã giảm từ 20% xuống còn 14,5%. Một thập kỷ trước, Volkswagen đã thu được 5,2 tỷ euro lợi nhuận mỗi năm từ các liên doanh tại Trung Quốc. Con số này đã giảm một nửa vào năm 2023 xuống còn 2,6 tỷ euro và dự kiến sẽ giảm thêm 33% trong năm nay, theo Finance Times.
Lý giải về sự mất phương hướng của Volkswagen tại thị trường Trung Quốc, The New York Times cho rằng việc nhà nước bơm tiền vào các nhà sản xuất ôtô địa phương để giảm giá bán, các bê bối về sử dụng lao động của Volkswagen đã làm trầm trọng thêm những rắc rối của hãng ôtô này.
Một nhà máy của Volkswagen tại Tân Cương (Trung Quốc) nhưng hiện tại đã bỏ hoang. Ảnh: The New York Times. |
Chỉ 5 tháng sau khi VW bắt đầu xuất khẩu xe điện từ Trung Quốc sang châu Âu, EU đã bắt đầu áp dụng thuế bổ sung với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế lên đến 37%.
Những khó khăn của Volkswagen tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến toàn bộ công ty. Mức giảm 10,2% doanh số bán xe tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đã xóa sạch mức tăng doanh số của hãng ở các thị trường khác trên thế giới.
Do đó, doanh số toàn cầu của Volkswagen đã giảm nhẹ và công ty cho biết lợi nhuận quý III đã giảm mạnh. Lợi nhuận 9 tháng đầu năm của hãng xe Đức cũng đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 12,9 tỷ euro (14 tỷ USD).
“Những kết quả này cho thấy Volkswagen phải cấp bách hành động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt”, Giám đốc tài chính Arno Antlitz cho biết trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh với các nhà phân tích mới đây. Vị CFO cũng cảnh báo công ty có thể phải đưa ra “các quyết định đau đớn”.
“Chúng tôi không quên cách tạo ra những chiếc xe tuyệt vời”, ông Arno Antlitz cho biết nhưng lại nhấn mạnh rằng chi phí hoạt động tại Đức của Volkswagen đang quá lớn để có thể cạnh tranh.
Trong thông cáo phát đi sau đó, Volkswagen cho biết sẽ giảm 10% lương của nhân viên để không phải cắt giảm nhân sự trong tương lai. Vòng đàm phán với các liên đoàn lao động tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 21/11 và dự báo có thể diễn ra các cuộc đình công từ ngày 1/12 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Những vấn đề Volkswagen đang gặp phải dự báo có thể lan ra khắp ngành công nghiệp ôtô, cũng là ngành đóng góp lớn nhất cho GDP của Đức với 5% và sử dụng gần 800.000 lao động. Volkswagen hiện chiếm 37% lao động toàn ngành ôtô ở Đức.
Những vấn đề lớn nhất với hãng xe Đức là chi phí nhân công cao, bộ máy cồng kềnh và không theo kịp những tiến bộ của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.