Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất bản tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn

Truyện dài "Đu đưa trên ngọn cây bàng" tham dự Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn từ khi còn là bản thảo. Mới đây, tác phẩm đã được phát hành đến tay bạn đọc.

Truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng là một trong 5 tác phẩm đoạt giải Khát vọng Dế Mèn năm 2022. “Đứa con tinh thần” của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tham dự Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn dưới dạng bản thảo.

Tac pham doat giai De Men anh 1

Truyện dài Đu đưa trên ngọn cây bàng. Ảnh: N.N.

Đu đưa trên ngọn cây bàng lấy bối cảnh vùng trung du Bắc Bộ thập niên 1980, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhân vật chính của tác phẩm là bé Thủy, một cô nhóc hiếu động và hồn nhiên. Cô bé đã sống những ngày tháng êm đềm bên gia đình, thầy cô và bạn bè. Nhiều kỷ niệm khó quên của một thời thơ ấu vô ưu, đã đi theo tác giả suốt những năm tháng trưởng thành.

Tuổi thơ khi ấy chẳng cần những món đồ chơi hiện đại nhưng vẫn tràn ngập niềm vui và tiếng cười. Một con côn trùng nhỏ, một nhành hoa, một ngọn cỏ cũng đủ làm nên nhiều trò vui cho đám trẻ ham chơi. Đôi lúc, sẽ có những nỗi buồn, như cuộc sống vốn thế; để rồi sau đó đám trẻ vẫn hồn nhiên lớn lên và từ từ học được cách yêu thương.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã gom những hồi ức tươi đẹp ấy để viết nên một câu chuyện sống động, đầy tình cảm. Tác phẩm của chị hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện tự nhiên, hóm hỉnh.

Tác giả tâm sự trong thời gian trải qua dịch bệnh, chính các con đã truyền cảm hứng để chị viết câu chuyện này. Quãng thời gian thơ ấu đáng nhớ, tưởng đã ngủ im, bỗng chốc sống lại trong những ngày tháng giãn cách, khi tác giả được chơi với các con hàng ngày. Việc viết lách giúp chị lưu giữ những ký ức đáng trân trọng ấy một cách trọn vẹn hơn.

Nhiều người biết tới Nguyễn Hoàng Diệu Thủy với vai trò một biên tập viên, người điều phối của nhiều cuộc tọa đàm văn chương lớn nhỏ, “bà đỡ” của nhiều đầu sách tiếng Việt ăn khách. Vài năm trở lại đây, khi bước sang tuổi 40, chị mới bắt đầu viết lách.

Trước kia, Diệu Thủy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một tác giả,. Chị thấy mình phù hợp hơn với vai trò của một biên tập viên, lặng lẽ đứng sau tác phẩm.

Trong quá trình làm nghề biên tập, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy tiếp xúc với các nhà văn, một số người đã gợi ý chị thử viết lách. Vốn đọc và sự trải nghiệm của một người biên tập đã thôi thúc Nguyễn Hoàng Diệu Thủy viết văn, tự kể câu chuyện của chính mình.

Khi được hỏi tại sao lại chọn viết cho thiếu nhi, tác giả chia sẻ nhiều năm làm việc với văn chương, chị thấy mình đã cần một cái gì đó sảng khoái, đơn giản, rạng rỡ và tràn đầy sức sống, như cái cách mà bọn trẻ vẫn chơi đùa hàng ngày.

Tac pham doat giai De Men anh 2

Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Ảnh: FBNV.

Dưới cái nhìn của một bà mẹ, thế giới của trẻ nhỏ thật sống động và nhộn nhịp. Tác giả muốn gom tất cả những náo nhiệt, sinh động, linh hoạt và bát nháo của tuổi thơ vào trang sách, để mang đến cho bạn đọc một câu chuyện với những tràng cười giòn tan, vô ưu của tuổi nhỏ.

Với tác giả, tuổi thơ là bản hợp âm của niềm vui và nỗi buồn. Con trẻ sẽ phải trải qua nhiều khoảng lặng, bởi những hoang mang và lo lắng vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống như một điều tất yếu. Trẻ em sẽ phải vượt qua những khắc khoải ấy mà lớn lên, tự tin để trưởng thành. Trên hành trình đó, tình yêu thương là thứ nâng đỡ tất cả.

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cũng muốn tặng câu chuyện này cho những người đã trưởng thành và trải qua thời thơ ấu hồn nhiên, vô lo vô nghĩ và nhiều mơ mộng. Đó là thứ cảm giác mà khi “đã là người lớn” chúng ta không tìm lại được.

Những người 'đãi cát tìm vàng' từ hàng trăm bản thảo mỗi năm

Giữa hàng trăm bản thảo được gửi tới đơn vị phát hành mỗi năm, các biên tập viên phải đọc, chọn được vài tác phẩm có chất lượng để gửi tới công chúng.

‘Bà đỡ’ cho những tác phẩm văn học

Dòng sách văn học có những đặc thù riêng, đòi hỏi biên tập viên phải chú ý đến cốt truyện, văn phong và ý đồ nghệ thuật mà tác giả cài cắm trong bản thảo.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm