Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người âm thầm đứng sau trang sách

Bên cạnh niềm vui vì đóng góp cho sự ra đời của những cuốn sách, biên tập viên cũng gặp áp lực về tính chính xác, nội dung và cách sắp xếp bố cục để tôn thêm giá trị cho bản thảo.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề, chị Lê Tịnh Thủy - biên tập viên Ban Văn hóa xã hội, Nhà xuất bản Trẻ - luôn trăn trở làm sao để cảm xúc và câu chữ cùng được “phơi bày” trên trang sách một cách hài hòa nhất.

“Nghề biên tập là công việc cặm cụi với con chữ, hết lòng với bản thảo mà mình theo đuổi, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi, mọi công lao, nỗ lực của mình sẽ trở về số 0, khiến cả đơn vị xuất bản phải hứng chịu những chỉ trích không đáng có”, biên tập viên Tịnh Thủy chia sẻ.

bien tap vien anh 1

Hai cuốn sách do chị Lê Tịnh Thủy biên tập được trao giải Văn học Tuổi 20 mùa thứ bảy. Ảnh: Tịnh Thủy.

Buồn vui cùng tác phẩm

Phụ trách chung cho nhiều tác phẩm tham dự giải thưởng Văn học Tuổi 20 của Nhà xuất bản Trẻ, chị Lê Tịnh Thủy cho biết mỗi khi các tác phẩm mình biên tập đến ban chung khảo, cảm giác của đội ngũ biên tập không khác nào chính thí sinh đang dự thi.

“Trong số các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Văn học Tuổi 20 vừa qua, tôi biên tập hai cuốn là Chopin biến mất (Hiền Trang) và Vệt sáng của bụi (Lê Quang Trạng). Những vui buồn của tôi cứ thế đi cùng hành trình của tác phẩm”, biên tập viên Lê Tịnh Thủy nói.

Chuyên phụ trách mảng văn học trong nước lẫn nước ngoài, áp lực gặp phải là không ít nhưng nghề biên tập đem lại cho cuộc sống của chị nhiều màu sắc vì thường xuyên được gặp những con người thú vị và học hỏi thêm nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Làm công việc thầm lặng đứng sau các cuốn sách, anh Đình Ba - biên tập viên dòng sách khoa học xã hội, Trưởng phòng Biên tập 2, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cho rằng hiện nay, nhiều người chưa hiểu hết công việc của nghề biên tập sách. Họ lầm tưởng công việc này chỉ đơn giản là chỉnh sửa lỗi chính tả, dấu câu hay lỗi đánh máy của một bản thảo.

Theo anh Đình Ba, chức năng của người làm công tác biên tập không dừng lại ở đó. Trước đây, một số nhà xuất bản còn có bộ phận sửa lỗi morasse, người biên tập chỉ cần đảm bảo về mặt nội dung. Nhưng với sự cạnh tranh của kinh tế thị trường trong lĩnh vực xuất bản, biên tập viên hiện nay ngày một chuyên nghiệp hơn và đảm nhiệm nhiều khâu hơn trong quy trình xuất bản.

“Ngoài biên tập, biên tập viên còn tham gia góp ý, đề xuất ý tưởng cho thiết kế trong khâu dàn trang, làm bìa. Họ không chỉ ngồi bàn giấy, mà còn phải hiểu về dòng sách, nhu cầu thị trường; thậm chí còn phải tổ chức bản thảo, xây dựng đề cương tác phẩm nếu cần. Tức là, khi quan sát thấy đề tài nào đó phù hợp với đơn vị và thị hiếu độc giả, biên tập viên sẽ đề xuất lên ban giám đốc, liên hệ tác giả để khai thác bản thảo”, anh Đình Ba cho hay.

Chẳng hạn, trong thời điểm đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu và đạt được thành công ở Thường Châu (Trung Quốc), biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM nhận thấy bóng đá nước nhà lúc bấy giờ thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ nên anh đã đề xuất thực hiện một cuốn sách có liên quan.

bien tap vien anh 2

Anh Đình Ba - biên tập viên dòng sách khoa học xã hội, Trưởng phòng Biên tập 2, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM. Ảnh: Ngọc Huyền.

Người đứng sau tác phẩm

Không chỉ là người âm thầm đứng ở hậu trường, biên tập viên sách còn gặp những áp lực khác nhau. Đôi khi, một bản thảo cần được xuất bản gấp để đón đầu sự kiện nào đó, đòi hỏi người biên tập phải vừa hoàn thiện đúng tiến độ được giao, vừa đảm bảo chất lượng tác phẩm.

Từng biên tập nhiều cuốn sách khác nhau, biên tập viên Đình Ba tiết lộ đối với những bản thảo liên quan đến vấn đề chính trị, lịch sử hay chứa những chi tiết nhạy cảm, gây tranh cãi trong dư luận, anh phải tra cứu, thẩm định thông tin và trang bị đủ lý lẽ để chứng minh luận điểm của mình là đúng khi trao đổi với tác giả để chỉnh sửa bản thảo.

“Áp lực cũng có thể đến từ chính tác giả. Làm việc với những cây bút nổi tiếng, biên tập viên sẽ gặp khó trong khâu đề nghị họ sửa hoặc bỏ đi bất kỳ chi tiết nào đó trong tác phẩm của mình”, anh Đình Ba nói thêm.

Xét cho cùng, đây là công việc yêu cầu sự tỉ mỉ, chỉn chu và chuẩn xác. Khi nhìn lại chặng đường gần 15 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Lê - Phó trưởng Ban Biên tập, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông - cho rằng với công việc thầm lặng này, biên tập viên là người góp phần quan trọng đối với sự ra đời của một tác phẩm.

Bất cứ tác giả nào cũng kỳ vọng vào tác phẩm của mình, điều đó khiến mỗi biên tập viên càng phải có trách nhiệm hơn trong việc “đỡ” những đứa con tinh thần đó một cách chỉn chu nhất có thể. Nhưng cũng có trường hợp vì nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan mà biên tập viên gặp phải những “tai nạn nghề nghiệp”.

“Khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, đôi khi sẽ có những ý kiến phản hồi từ bạn đọc về một số sai sót. Lúc đó, công việc đầu tiên của tôi là tiếp nhận và xác minh lại thông tin. Nếu có chi tiết chưa chuẩn xác thì phải tìm phương án khắc phục bằng mọi cách”, chị Lê cho hay.

Đối với hầu hết biên tập viên sách, một trong những niềm vui mà họ ghi nhận khi làm nghề là được đọc nhiều tác phẩm khác nhau. Tuy nhiên, sẽ luôn có những bản thảo hay và bản thảo chưa hay, thậm chí có những bản thảo chưa hợp lý về tên, bố cục hoặc cách thể hiện nội dung.

“Khi đó, chúng tôi cần trao đổi lại với tác giả. Nhiều trường hợp sẽ đề xuất phương án hoàn thiện. Để thuyết phục được tác giả, biên tập viên phải nắm vững kiến thức, thường xuyên cập nhật thông tin về nhiều mặt có liên quan đến nội dung bản thảo”, Phó trưởng Ban Biên tập, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông chia sẻ.

Áp lực càng đè lên đôi vai người làm biên tập sách vì bản thảo của tác giả chỉ là sản phẩm mang tính cá nhân; nhưng đến khi được xuất bản thành sách thì nó cần hướng tới đông đảo bạn đọc.

‘Bà đỡ’ cho những tác phẩm văn học

Dòng sách văn học có những đặc thù riêng, đòi hỏi biên tập viên phải chú ý đến cốt truyện, văn phong và ý đồ nghệ thuật mà tác giả cài cắm trong bản thảo.

Cầu nối đưa sách đến bạn đọc

Hầu hết biên tập viên sách đều cho rằng niềm vui khi làm nghề là được tiếp cận đa dạng thể loại bản thảo, học hỏi từ nhiều tác giả và hơn hết là nhận được sự đón đọc từ độc giả.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm