Chiều 13/5, tọa đàm “Trò chuyện về bìa sách” diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (Ngô Quyền, Hà Nội). Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình của triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam - Vietnam Book Cover Art 2022” do Chi hội Đồ họa Việt Nam, Hội Mỹ thuật phối hợp các đơn vị xuất bản lần đầu tiên tổ chức.
Qua những chia sẻ của các diễn giả là họa sĩ và biên tập viên mỹ thuật trong ngành sách, độc giả có cơ hội hiểu thêm về tâm tư trong nghề và quy trình tạo nên “chiếc áo” cho một ấn phẩm.
Một số bìa sách được độc giả yêu thích. Ảnh: Đỗ Thu. |
Các phong cách bìa đa dạng
Hoạ sĩ Tùng Lâm sở hữu bộ sưu tập hơn 300 bìa sách dàn trải trên nhiều thể loại, phong cách và chất liệu. Bén duyên với nghề họa sĩ vẽ bìa một cách tình cờ, đến nay, độc giả biết đến anh qua các bìa sách gây ấn tượng như Cây cam ngọt của tôi, Tiếng triều dâng, Đẹp và buồn, Thư viện nửa đêm…
Tùng Lâm cho rằng mỗi nhà xuất bản đều có các dòng sách đặc trưng. Do đó, việc thiết kế bìa cũng có sự khác nhau, tạo nên bức tranh bìa phong phú. Ở đó, những họa sĩ sẽ có cơ hội học hỏi lẫn nhau.
Theo họa sĩ Tùng Lâm, có thể chia bìa sách thành 3 phong cách chính: Bìa dùng tranh minh họa, bìa thực hành và bìa typography (nghệ thuật sắp xếp và tạo hình dáng cho chữ). Với mỗi cuốn sách, tùy vào nội dung, chủ đề mà họa sĩ sẽ chọn phong cách phù hợp, chứ không cố định sử dụng loại bìa nào.
Một dòng sách được nhiều độc giả chờ đón là bản đặc biệt. Với cuốn sách đã được bạn đọc biết đến trước đó, việc triển khai ý tưởng, làm mới “chiếc áo” cho tác phẩm cũng là thử thách cho họa sĩ.
Trịnh Hương Anh - biên tập viên mỹ thuật, người điều phối phòng thiết kế của Công ty sách Nhã Nam - cho biết khi làm bìa cho những bản đặc biệt, chị thường chia sẻ với họa sĩ, đề nghị họ quan sát thật kỹ phiên bản bìa thường trước đó xem trong bìa của ấn bản thường còn thiếu chi tiết nào chưa được khai thác.
Với biên tập viên mỹ thuật Hương Anh, tiêu chuẩn để đánh giá một “chiếc áo” chất lượng bao gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, bìa (mặt trước và sau) phải chứa đầy đủ thông tin (tiêu đề chính/phụ; họ tên tác giả, dịch giả; logo nhà xuất bản, đơn vị phát hành; tiểu sử tác giả; nội dung hoặc đoạn trích trong sách; giá thành và có thể thêm lời khen ngợi của báo chí dành cho cuốn sách đó…).
“Thứ hai, bìa sách phải gợi mở thông tin của tác phẩm nhưng không được hé lộ quá nhiều. Nó như một chiếc cầu kết nối độc giả với trang sách. Cây cầu ấy phải thu hút và bền vững thì mới chở được nhiều bạn đọc đi qua”, chị Hương Anh nói.
Yếu tố thứ ba là phải thể hiện được thể loại của cuốn sách (tản văn, kinh tế, kỹ năng…). Cuối cùng là tính thu hút để đảm bảo khi đặt cuốn sách trên kệ, giữa hàng trăm, nghìn tựa khác, ta vẫn thấy nó nổi bật và có nét đẹp riêng.
Sau khi mua bản quyền cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, đơn vị xuất bản còn nhận được một số yêu cầu về bìa sách từ tác giả Ocean Vương. Ảnh: N.N. |
Sự kết hợp hài hòa trong quy trình thực hiện bìa
Theo họa sĩ Tùng Lâm, biên tập viên là người hiểu rõ về tác phẩm và sẽ có những tiêu chí về mặt nội dung, thông điệp. Trong khi đó, họa sĩ sẽ có những yêu cầu riêng về mặt mỹ thuật. Làm thế nào để dung hòa được hai tiêu chí đó không phải chuyện đơn giản. Đôi khi giữa các cá nhân, phòng, ban của một đơn vị xuất bản cũng gặp bất đồng.
Là người điều phối phòng thiết kế của Nhã Nam, cũng là cầu nối giữa họa sĩ, biên tập viên sách, tác giả và ban duyệt bìa, biên tập viên Hương Anh chia sẻ đằng sau sự ra đời của một bìa sách là sự chung tay của cả một đội ngũ.
“Sau khi cung cấp thông tin xoay quanh quá trình viết sách của tác giả, nội dung chính của tác phẩm, họa sĩ sẽ đưa ra những phương án phác thảo cho bìa. Được ban duyệt bìa chấp thuận, họa sĩ mới thực hiện bìa hoàn chỉnh. Sau đó, ban duyệt bìa sẽ duyệt lại một lần nữa. Thậm chí, có những cuốn sách mà tác giả, dịch giả là người nước ngoài, chúng tôi cũng phải gửi bìa sang cho họ duyệt”, chị Hương Anh nói.
Bìa sách như một chiếc cầu kết nối độc giả với trang sách. Cây cầu ấy phải thu hút và bền vững thì mới chở được nhiều bạn đọc đi qua.
Biên tập viên mỹ thuật Trịnh Hương Anh
Cũng trong tọa đàm, biên tập viên Trần Linh chia sẻ sau khi thực hiện phần nội dung sách, phòng biên tập sẽ phải gửi cho họa sĩ một bản miêu tả chi tiết về những điểm đáng chú ý trong sách. Họa sĩ cần có trách nhiệm nghiên cứu kỹ bản miêu tả đó và tư duy từ ngôn ngữ sang hình ảnh.
Chị Linh cũng bật mí với bìa của cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Ocean Vương), tác giả là một người khá kỹ tính: “Khi mua bản quyền cuốn sách này, chúng tôi nhận được những yêu cầu từ Ocean Vương về mặt bìa sách: Phải gửi cho anh 3 mẫu bìa, trên bìa không được xuất hiện chi tiết chiếc đồng hồ, người đàn ông trẻ hay người mẹ…”.
Trước khi thực hiện bìa, họa sĩ Tùng Lâm thường tìm thông tin về tác giả, phong cách sáng tác và độ nổi tiếng của họ, sau đó anh mới có cảm hứng. Với anh, một “chiếc áo” đẹp cho ấn phẩm là phải thu hút được ánh nhìn của độc giả, tạo ấn tượng và khiến họ có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cuốn sách đó.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho rằng họa sĩ vẽ bìa phải vừa là nhà tâm lý, nhà ngôn ngữ học và nhà văn hóa để có thể “giải mã được ngôn ngữ, thông điệp trong tác phẩm. Họ giống như nhà thiết kế thời trang, phải làm sao để sản phẩm sáng tạo của mình phù hợp tâm hồn, vẻ đẹp của đối tượng”.