Sáng 10/5, buổi giao lưu với chủ đề “Bìa sách - Cùng kể chuyện nghề” diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình của triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam” do Chi hội Đồ họa Việt Nam, Hội Mỹ thuật phối hợp các đơn vị xuất bản tổ chức.
Qua những chia sẻ của các họa sĩ, người làm sách, độc giả có thể hiểu được rằng mỗi bìa sách đều ẩn chứa nhiều câu chuyện riêng về nghề xuất bản; đồng thời cũng truyền tải thông điệp mà các tác giả, biên tập viên, họa sĩ và đơn vị xuất bản mong muốn gửi gắm.
Các diễn giả giao lưu tại sự kiện (từ trái qua: Bà Khúc Thị Hoa Phượng, họa sĩ Kim Duẩn, họa sĩ Lê Tiến Vượng). Ảnh: Thu Huệ. |
Truyền tải tinh thần tác phẩm
Họa sĩ Kim Duẩn được biết đến là cây vẽ với nhiều tác phẩm nổi bật. Trong đó có một số tác phẩm đã được giới chuyên môn đánh giá cao, làm say mê bao thế hệ độc giả.
Theo cây vẽ 8X này, bìa sách đóng vai trò tạo ấn tượng ban đầu đến độc giả, giúp tác phẩm trở nên thu hút hơn; từ đó, các đơn vị xuất bản sẽ có những thuận lợi trong việc phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm.
Họa sĩ Kim Duẩn cho rằng những năm gần đây, tính thẩm mỹ của bìa sách ngày một tăng cao do sự “khó tính” của người đọc. Bên cạnh đòi hỏi về nội dung, độc giả cũng rất quan tâm tới yếu tố thẩm mỹ của một ấn phẩm.
Chẳng hạn, với cuốn tiểu thuyết dã sử Nữ sĩ thời gió bụi, để thực hiện bìa sách cho ấn phẩm này, họa sĩ phải chọn lọc hình ảnh mang tính biểu tượng, thể hiện chân dung, thần sắc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và bố cục phù hợp thời đại mà nhân vật đang sống.
“Bìa sách là sự hóa thân một cách tự nhiên nhất của họa sĩ. Với tôi, mảng sách thách thức nhất là sách dành cho độ tuổi trưởng thành. Bởi chúng có chiều sâu về sự chiêm nghiệm, đặc biệt là những cuốn tiểu thuyết với nhiều tầng lớp, ý nghĩa”, họa sĩ Kim Duẩn nói.
Với cuốn Nữ sĩ thời gió bụi, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam (đơn vị xuất bản cuốn sách) - đánh giá bìa sách này là một sự thành công lớn vì đã thể hiện được hình ảnh người tài nữ có dung nhan đoan chính và học thức sâu rộng.
Theo người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, mỗi họa sĩ mang một dấu ấn riêng trong từng nét vẽ. Điều đó làm nên bức tranh chung, đa dạng về bìa sách ở Việt Nam hiện nay.
Nói về vai trò của bìa sách, bà Hoa Phượng nhận xét đây là yếu tố quan trọng, góp phần thể hiện nội dung, thông điệp tác phẩm, giúp cuốn sách trở thành một sản phẩm có giá trị văn hóa trong cộng đồng.
Để bìa sách trở nên ấn tượng, phù hợp, họa sĩ cần quan tâm tới các yếu tố như bố cục, sự hài hòa, màu sắc, cỡ chữ và thông tin trên bìa sách (tên tác giả, tác phẩm, đơn vị xuất bản, phát hành và có thể thêm câu trích dẫn tâm đắc từ tác phẩm giúp trang bìa có sức hút hơn với bạn đọc).
Một số bìa sách được giới chuyên môn đánh giá cao. Ảnh: Thu Huệ. |
Gây ấn tượng mạnh từ cái nhìn đầu tiên
Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam - được biết đến là một chuyên gia trong giới mỹ thuật. Theo ông, mỗi bìa sách là một bức tranh thu nhỏ, như “poster” của một tác phẩm.
“Phần nội dung và hình thức của sách cần ăn khớp với nhau như một cuộc giao duyên. Bìa sách đẹp phải đi đôi với sự rõ ràng, mạch lạc, khúc chiết và gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó như một ‘tiếng sét ái tình’ với độc giả”, ông Vượng nói.
Họa sĩ Lê Tiến Vượng cũng nhận định bìa sách là một loại ngôn ngữ mang tính biểu tượng. Nó được chuyển hóa từ ngôn ngữ dạng “văn bản” sang “hình ảnh” và họa sĩ thời nay không chỉ cần ý tưởng sáng tạo, mà còn phải nắm bắt được sự nhanh nhạy của công nghệ, kỹ thuật vẽ bìa tiên tiến.
Trong khi đó, họa sĩ Kim Duẩn đánh giá một bìa sách đẹp phải đảm bảo 2 yếu tố. Thứ nhất, đó là độ hấp dẫn về mặt hình thức, tạo ấn tượng ban đầu về nét vẽ và khâu thiết kế. Thứ hai là sự tương đồng, hài hòa về mặt nội dung. Do đó, khó khăn mà họa sĩ thường gặp là phải nắm được trọn vẹn tinh thần của cuốn sách trước khi vẽ.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các phần mềm, việc vẽ bìa hiện nay trở nên đa dạng hơn, người cầm cọ được tiếp cận và ứng dụng tiêu chuẩn vẽ bìa trên thế giới.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam có nhiều mảng sách: Tiểu thuyết văn hóa, lịch sử, kỹ năng sống, giới tính… Mỗi mảng đều có những tiêu chí để tuyển chọn họa sĩ phù hợp.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ đối với mảng tiểu thuyết, đơn vị bà thiên về những họa sĩ có “background” tốt, hiểu biết về văn hóa, lịch sử; đồng thời có kỹ thuật truyền tải gần gũi thông điệp sách.
Trong khi đó, “đối với sách dành cho độc giả trẻ, chúng tôi sẽ chọn họa sĩ phù hợp thị hiếu tuổi teen, mang phong cách trẻ trung, vui vẻ, hài hước. Còn với mảng sách tâm lý, kỹ năng, chúng tôi chọn họa sĩ có thế mạnh về thiết kế chữ. Hay mảng sách thiếu nhi sẽ yêu cầu nét vẽ đơn giản, hình thức ấn tượng, màu sắc tươi sáng, nương theo góc nhìn trẻ thơ”, bà Hoa Phượng cho hay.
Theo đó, mỗi đơn vị xuất bản trước khi chọn họa sĩ để thực hiện phần bìa cho tác phẩm, thường phải nghiên cứu tâm lý, thị hiếu của từng nhóm đối tượng độc giả đối với từng dòng sách.