Trước thập niên 1990, sách nghệ thuật trên thị trường đa số là những cuốn sách dày, bìa cứng, in màu và có nhiều tranh ảnh bắt nguồn từ Liên Xô, bên cạnh một số cuốn sách có từ trước năm 1975. Số sách này khá đa dạng, giới thiệu riêng một họa sĩ và tác phẩm, hay giới thiệu bộ sưu tập từng bảo tàng nổi tiếng như Hermitage, Louvre…
Giữa thập niên 1990 trở đi, công ty Xunhasaba bắt đầu nhập sách nghệ thuật, bao gồm sách về đồ gốm sứ cổ phương Tây, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc... và sách về trang trí nội thất, kiến trúc lớn, nhà cửa, vườn cảnh, bonsai, đồ gỗ, nghệ thuật thêu, đan, khảm, cẩn, đồ mỹ nghệ bằng kim loại, thảm…
Số sách này xuất xứ từ nhiều nguồn, như Tây Ban Nha, Italy, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Indonesia… được in ấn tuyệt đẹp, giá tính bằng vài chục đôla, là mức giá khá cao vào đầu thập niên 2000.
Tuy vậy, có cầu nên có cung, loại sách này vẫn được nhập nhiều. Một anh là dân sưu tầm cổ vật thốt lên: “Mỗi năm tôi phải nhờ bạn bên Mỹ mua quyển Antiques Handbook & Price Guide (sách giới thiệu đồ cổ và định giá, có rất nhiều hình ảnh) của bà Judith Miller. Đợi mang về mỏi cả cổ! Bây giờ ở Fahasa Nguyễn Huệ bán đầy, sướng!”.
Giá bằng bên Mỹ, có tiền là mua nhưng các hiệu sách lúc ấy chỉ nhập mỗi tựa sách vài quyển, có khi chỉ một quyển. Anh ta đến hiệu sách Việt Mỹ trên đường Lê Duẩn thấy có một quyển hướng dẫn cách trưng bày đồ cổ trong nhà, hình ảnh rất đẹp. Giá gần cả triệu, tương đương hai chỉ vàng. Không đủ tiền, anh về nhà, nghĩ giá cao chắc không ai mua. Khi quay lại, nó… biến mất.
Dạo ấy, còn có một dòng sách nghệ thuật rất thú vị. Đó là sách người nước ngoài viết về nghệ thuật hay đời sống Việt Nam, in ấn tuyệt đẹp. Có thể tìm được trong hiệu sách vài quyển lý thú như Art of Vietnam của Catherine Noppe và Jean-Francois Hubert, bìa và hình ảnh bên trong rất đẹp. Trong đó, có thể thấy những bức tranh của vài họa sĩ nổi tiếng người Việt từ nguồn sưu tập ở nước ngoài như Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân.
Hoặc là quyển Mountains in the Sea về nghệ thuật làm hòn non bộ của Lew Buller và ông Phan Văn Lít, một Việt kiều ở California. Quyển này bằng tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ nhưng các từ trong sách như “hòn non bộ”, “tiểu cảnh” và nhiều từ khác được giữ nguyên tiếng Việt, hình ảnh minh họa thật đẹp. [...]
Sách Trung Quốc cũng là nguồn sách nghệ thuật tuyệt vời và giá tương đối mềm. Khi đi lựa sách Trung Quốc qua các cuộc triển lãm, thường thấy có nhiều họa sĩ chọn mua về để tham khảo, hoặc để chép tranh bán (lúc đó các phòng chép tranh làm ăn được).
Giới chơi đồ cổ, đồ đồng, đồ ngọc, đá cảnh, đồ gỗ, bonsai và vườn cảnh tìm được khá nhiều sách cho mình trong dòng sách này, in ấn đẹp như sách Tây. Tuy nhiên, sách Trung Quốc với tiếng Hoa không mấy người hiểu nên xem hình là chính. Không sao, chơi sách nghệ thuật, nhu cầu xem hình chiếm phần nhiều!
Sách L’Art à Hué (Nghệ thuật Huế). Ảnh: Việt Linh. |
Giới chơi sách nghệ thuật không bao giờ đánh giá thấp các hiệu sách cũ khi tìm mua “bảo vật” cho mình. Ở các hiệu sách cũ, sách nghệ thuật bìa cứng luôn luôn là món được trưng bày trên cao, phô hẳn bìa ra chứ không phải nằm dẹp lép trên kệ. Có những cuốn sách quý được chủ nhân thủ ở nhà không bán gấp, đợi kẹt tiền tung ra có người mua ngay với giá cao.
Có lần, tôi được giới thiệu một bộ sách hai quyển của Hàn Quốc. Chủ tiệm trịnh trọng mở hộp giấy ra, bên trong có hai quyển sách nằm song song, giấy bọc bìa cứng có gân tạo hoa văn tuyệt đẹp.
Sách nói về gốm sứ cổ Hàn Quốc, hình ảnh chụp rất nét, rất chi tiết những cái bình celadon (men ngọc) nổi rõ những con hạc trắng trên nền xanh, vốn rất thu hút giới chơi sứ cổ thế giới. Giá của bộ sách là… bốn triệu rưỡi (một lượng vàng lúc đó là năm triệu). Tôi đặt xuống, không quay lại dù mấy lần nghĩ ngợi về nó. [...]
Các hiệu sách cũ vẫn là nguồn cảm hứng vô tận của người chơi. Ở đó, bỗng dưng có thể tìm ra được những quyển rất tuyệt. Có khi nó là quyển Kama Sutra chính hiệu Ấn Độ, hay Shunga của Nhật, tất nhiên với giá “khét lẹt”. Nhiều người thấy ở nước ngoài ham lắm nhưng ngại mang về nên muốn mua ở đây cho tiện.
Có khi là tập tranh của một họa sĩ nổi tiếng từ thời Mỹ thuật Đông Dương nhưng được in ở nước ngoài. Hoặc là tập tranh sơn thủy của họa sĩ người Hoa ở Chợ Lớn in màu rất đẹp với giá vừa phải.
Có một kỷ niệm của hai vợ chồng tôi, mua được quyển thơ Rubaiyat Hakim Omar Khayyam in những bài thơ nói về ý nghĩa cuộc đời của ông viết từ thế kỷ 12 ở Iran, bằng bốn thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ả Rập, có minh họa màu từng trang với giá chỉ 150.000 đồng. Giở ra, bên trong có dòng chữ đã rất cũ “Kỷ niệm Teheran ngày 17/1/61, giá mua 5,75 đô Mỹ”. Thời đó mà đã có một ông Việt Nam lang thang qua Iran, ôm về cuốn sách có minh họa dễ thương này!
Không ai chỉ chơi riêng dòng sách mỹ thuật. Nhưng trong một tủ sách, chắc chắn nó chiếm vị trí trang trọng với những ai thích nghệ thuật. Sách mỹ thuật, giống như họa phẩm, không thể hình thành được một bộ sưu tập có giá trị nếu không kiên trì săn tìm qua thời gian.
Ở thời đại kỹ thuật số, mua sách nghệ thuật quá dễ dàng với những cuộc chào mời trên Facebook, các trang bán sách cổ, Amazon… Có thể tìm mua được nhiều cuốn sách trước đó chỉ “nghe nói”, từ cuốn L’Art à Hué (Nghệ thuật Huế) của linh mục Léopold Cadière từ thập niên 1930, các tập tranh của các họa sĩ Pháp vẽ Việt Nam thời Đông Dương, hay vài cuốn trong bộ tranh Monographie dessinée de l’Indochine (Chuyên khảo vẽ về Đông Dương) là ấn bản của Trường Mỹ nghệ Gia Định năm 1935 dù khá khó khăn và tốn kém.
Nhiều tập tranh mới in của một họa sĩ tài năng vừa được phát lộ, những tập tranh và ký họa màu nước của các họa sĩ vẫn có thể là những sưu tập phẩm đáng có trong tủ sách gia đình. Dù sao, nó không mất giá trên thị trường, càng để lâu càng quý và càng hiếm càng quý.
Sách nghệ thuật với hình thức in ấn cao cấp, chất liệu giấy từ tốt đến hảo hạng và số lượng in có hạn đã trở thành đối tượng của một thú chơi tao nhã và kén chọn, bởi ngoài túi tiền rộng rãi, người chơi cần trí tuệ, sự ham hiểu biết, tâm hồn biết rung động trước cái đẹp và cả thời gian dành cho nó.