Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người 'đãi cát tìm vàng' từ hàng trăm bản thảo mỗi năm

Giữa hàng trăm bản thảo được gửi tới đơn vị phát hành mỗi năm, các biên tập viên phải đọc, chọn được vài tác phẩm có chất lượng để gửi tới công chúng.

Để đem tới một cuốn sách hấp dẫn cho bạn đọc, các biên tập viên đã phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Ngoài sự am hiểu về văn chương và ngôn ngữ, cùng khả năng thẩm định bản thảo, nắm bắt xu hướng thị trường, các “bà đỡ” trong ngành xuất bản còn phải kiên trì, tỉ mỉ trong khâu lựa chọn ra bản thảo chất lượng. Đây là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Bien tap vien van hoc anh 1

Chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy. Ảnh: FBNV.

Những người 'đãi cát tìm vàng'

“Mọi người có thể hình dung về nghề biên tập viên sách bằng một câu thành ngữ rất ngắn gọn, đó là ‘đãi cát tìm vàng’. Hàng năm, có tới hơn 500 bản thảo được gửi các biên tập viên văn học Việt qua email của công ty. Đó là còn chưa kể tới một số tác giả đã gửi bản thảo tới email cá nhân của biên tập viên", chị Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, biên tập viên mảng sách văn học Việt của Công ty Nhã Nam, giãi bày về công việc của mình.

Từ đó, biên tập viên phải chọn lựa ra bản thảo có chất lượng và phù hợp với dòng sách mà mình phụ trách. Để lựa chọn được một bản thảo ưng ý, người biên tập phải đọc tới hàng chục bản thảo cùng thể loại.

Đọc thẩm định bản thảo cũng giống như khâu lựa chọn nguyên liệu trong nấu nướng. Còn rất nhiều chuyện “bếp núc” văn chương đầy tỉ mỉ và kiên nhẫn mà biên tập viên phải thực hiện để đưa một tác phẩm hoàn chỉnh về nội dung lẫn hình thức đến tay bạn đọc.

Làm việc với các nhà văn có bề dày trong sáng tác, biên tập viên không phải tác động nhiều tới bản thảo, vì trước khi được gửi tới biên tập, tác giả của nó đã làm việc với chữ nghĩa rất kỹ càng. Hơn nữa, sau nhiều năm cầm bút, chính các tác giả đã trở thành một biên tập viên của chính mình, trước khi gửi bản thảo đi, họ đã tự gọt giũa câu chữ, chỉnh trang hành văn một cách cẩn thận.

Khi làm việc với các tác giả trẻ, công việc của biên tập viên có phần nặng nề hơn. Bởi lúc này, sự kiểm soát của người viết với bản thảo chưa cao, kỹ năng xây dựng tình huống, cốt truyện, đôi khi thiếu chặt chẽ. Từ đó, nhân vật, tình tiết, hay lời đối thoại trong tác phẩm đôi khi bị mất cân đối. Lúc này, biên tập viên phải đóng vai một người đọc, góp ý để tác giả hoàn thiện tác phẩm.

Làm việc với các tác giả trẻ, để tìm được một bản thảo chất lượng, hoàn chỉnh “không chút tì vết” là điều hiếm hoi. Công việc của biên tập viên lúc này là đồng hành cùng tác giả trong quá trình hoàn thiện tác phẩm.

Khi được hỏi đã bao giờ xung đột với tác giả trong quá trình biên tập, chị Diệu Thủy thẳng thắn chia sẻ: “Chuyện tác giả và biên tập viên mâu thuẫn để bảo vệ quan điểm của mình phải chăng là một thứ huyền thoại? Biên tập viên và tác giả đều có chung một mục đích là muốn tác phẩm tốt hơn".

Nếu người biên tập “nhìn trúng” và “nhìn đúng” cái chưa được của bản thảo và chỉ ra cho người viết, thì tác giả cũng dễ dàng đồng thuận và thay đổi những tình tiết chưa hợp lý. Với chị Thủy, biên tập viên và tác giả luôn đứng về cùng một phe.

Hàng ngày làm việc với bản thảo, biên tập viên càng quý trọng hơn nỗ lực của các tác giả. Đã có lần, chị Diệu Thủy nhận được bản thảo gần nghìn trang, với hơn một triệu chữ, những con số đó đã cho thấy tác giả của nó đã bỏ rất nhiều tâm huyết và thời gian cho đứa con tinh thần của mình. Văn chương luôn có hay và dở, nhưng nỗ lực của tác giả lúc nào cũng đáng được trân trọng.

Bien tap vien van hoc anh 2

Nguyễn Đình Tú vốn là cây bút viết về các đề tài nóng của xã hội. Chú bé đeo balô màu đỏ được viết cho thiếu nhi, là kết quả làm việc giữa nhà văn và biên tập viên. Ảnh: VOV.

Đồng hành cùng tác giả để hoàn thiện tác phẩm

Với chị Nguyễn Thúy Loan, biên tập viên Ban Văn học của Nhà xuất bản Kim Đồng thì công việc “hậu trường” để mang tới các tác phẩm thú vị và bổ ích cho bạn đọc nhỏ tuổi cũng không hề đơn giản.

Để hấp dẫn được bạn đọc nhỏ tuổi, tác phẩm phải khơi dậy được sự tò mò và óc liên tưởng của các em. Khi sáng tác các tác phẩm văn học thiếu nhi, ngôn ngữ phải trong sáng, dễ hiểu. "Nhà văn là một người biết kể chuyện, nhưng kể chuyện cho trẻ nhỏ không đơn giản như người ta nghĩ. Để làm được điều đó, cả biên tập viên và tác giả đều phải đặt mình ở vị trí của một đứa trẻ”, chị Thúy Loan tâm sự.

Trong nhiều năm gắn bó với văn học thiếu nhi, chị Thúy Loan đã làm “cầu nối” khuyến khích nhiều tác giả có tên tuổi như: Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy… “thử sức” viết cho bạn đọc nhỏ tuổi. Điều này đã thể hiện được sự nhạy cảm của biên tập viên.

Nói về chuyện này, chị Thúy Loan chia sẻ: “Với tôi, tuổi thơ của mỗi người đều ẩn chứa những câu chuyện thú vị, đặc biệt hơn cả là thời thơ ấu của các nhà văn. Đối với các tác giả đã có tên tuổi, trong họ đã có nền tảng ngôn ngữ và tư duy văn học vững vàng. Đôi khi các nhà văn chỉ cần kể lại những kỉ niệm, những trải nghiệm tuổi thơ của mình đã có ngay một tác phẩm hấp dẫn và cảm động".

Khi một cuốn sách tới tay bạn đọc, trên mỗi trang giấy không chỉ có tâm huyết của người cầm bút, đó còn là bao công sức của các biên tập viên. Họ giống như những người thợ kiên trì và tận tâm, mải miết “đãi cát tìm vàng” trên cánh đồng văn chương.

Những người âm thầm đứng sau trang sách

Bên cạnh niềm vui vì đóng góp cho sự ra đời của những cuốn sách, biên tập viên cũng gặp áp lực về tính chính xác, nội dung và cách sắp xếp bố cục để tôn thêm giá trị cho bản thảo.

‘Bà đỡ’ cho những tác phẩm văn học

Dòng sách văn học có những đặc thù riêng, đòi hỏi biên tập viên phải chú ý đến cốt truyện, văn phong và ý đồ nghệ thuật mà tác giả cài cắm trong bản thảo.

Hieu ve trai tim: The nao la tinh yeu? hinh anh

Hiểu về trái tim: Thế nào là tình yêu?

0

Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu chúng ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, có khi là quá thừa hoặc có khi là quá thiếu, thì nó sẽ héo tàn và chết đi. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm