Chiều 28/3, Trung tâm nghiên cứu Luật so sánh và Công ty sách Omega+ ký kết hợp tác giữa xuất bản tủ sách Kinh điển Pháp luật. Dự án này nhằm tập trung xuất bản các đầu sách pháp luật được các chuyên gia đánh giá cao, đóng góp vào tiến trình trau dồi tri thức về luật nói chung trong cộng đồng.
PGS.TS Trịnh Tiến Việt, phó hiệu trưởng Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng tủ sách Pháp luật Kinh điển có ý nghĩa quan trọng, giúp cung cấp nhiều tư liệu quý cho giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh.
Ông nói: "Các trung tâm nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, lan tỏa tri thức như giới thiệu những công trình tiêu biểu, có giá trị đến bạn đọc trong ngành".
Bà Trần Hoài Phương và TS Trần Kiên ký kết hợp tác. Ảnh: LL. |
Bà Trần Hoài Phương, giám đốc công ty sách Omega+, chia sẻ: "Trong một thời gian dài, chúng tôi đã trao đổi, bàn bạc nhiều với TS Trần Kiên và các cán bộ Trung tâm nghiên cứu Luật so sánh. Hai bên đều đồng tình về mục tiêu xuất bản sách tri thức nền tảng trong lĩnh vực pháp luật".
Xuất phát từ nhận thức rằng một đất nước muốn phát triển thì phải dựa trên những rường cột tri thức, bà Trần Hoài Phương luôn muốn xuất bản những tác phẩm có giá trị học thuật cao và pháp luật, theo bà đánh giá, là mảng sách quan trọng.
Bà nói: "Bức tranh Tủ sách Kinh điển Pháp luật sẽ là một hành trình dài. Các đầu sách được lựa chọn xuất bản sẽ phải dựa trên thực tiễn học thuật ở Việt Nam. Trường Đại học Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, là ngôi trường có tính dẫn dắt về mặt học thuật. Chúng tôi mong rằng có thể gắn được chương trình xuất bản của mình với hoạt động học thuật của trường".
Sách Về pháp quyền của Tom Bingham. Ảnh: OP. |
Cũng trong buổi này, tác phẩm Về pháp quyền của Tom Bingham được giới thiệu đến độc giả. Cuốn sách trình bày ngắn gọn về lịch sử các nguyên tắc pháp quyền, tám yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của khái niệm này, đồng thời thảo luận những căng thẳng đối với pháp quyền đến từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Theo tác giả, pháp quyền không phải là một lý thuyết khô khan mà là nền tảng thực sự của một xã hội công bằng, là sự đảm bảo của một chính phủ có trách nhiệm, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng đảm bảo cho sự hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia.
Cuốn sách ngay lập tức đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các giảng viên tại Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Các giảng viên khuyến khích sinh viên hoài nghi với mọi kiến thức họ tiếp nhận, để có thể tự phản biện, tự hình thành quan điểm về các vấn đề được bàn trong sách.
Theo chia sẻ của TS Trần Kiên, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Luật so sánh, việc kích thích tư duy phản biện, tinh thần tranh luận ở người học luật chính là một trong những lý do ông thực hiện dự án này với công ty sách.