Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghiên cứu quyền con người trong hai bộ luật Việt Nam xưa

Các tác giả chứng minh vấn đề nhân quyền đã được quan tâm từ lâu, thể hiện qua Bộ luật Hồng Đức; đồng thời "giải oan" cho "Hoàng Việt luật lệ" khác với các nghiên cứu trước đây.

Tác phẩm "Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long" mới được ấn hành. Ảnh: Đình Ba.

Thời phong kiến ở Việt Nam, dù quyền vua là tối thượng, và nhiều đặc quyền đặc lợi cho giai cấp địa chủ phong kiến, đội ngũ quan lại, nhưng quyền con người (nhân quyền) nói chung, vẫn được coi trọng. Điều này thể hiện rõ trong pháp luật thời Hậu Lê, và sau này là luật thời nhà Nguyễn.

Và mới đây, vấn đề này được tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long của hai tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành, giới thiệu tới độc giả vấn đề mang tính luật học, lịch sử về nhân quyền của người Việt liên quan nhiều tới chuyên môn, sở trường luật của hai tác giả.

Bộ luật đầu tiên của Việt Nam đề cao nhân quyền

Được chia làm 5 chương, tác phẩm trước hết tìm hiểu Quốc triều hình luật, còn được biết đến với tên gọi Bộ luật Hồng Đức theo niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, người đã chỉ đạo biên soạn, ban hành bộ luật.

Các tác giả đã tìm hiểu, phân tích lịch sử ra đời, nội dung, bố cục Bộ luật Hồng Đức. Đồng thời so sánh cả luật Hồng Đức với pháp luật cổ Trung Hoa. Từ đó, các giá trị của Bộ luật Hồng Đức được đúc rút. Tác giả mượn chính lời vua Gia Long trong lời đề tựa cho Hoàng Việt luật lệ để nói về tính ưu việt của luật Hồng Đức, rằng: "Xem lại sách luật hình của các đời, thì thấy các đời Lý, Trần, Lê của nước Việt ta, đời nào cũng có điển chế luật pháp của đời ấy. Thế nhưng đầy đủ nhất phải kể đến đời Hồng Đức".

Nhìn chung, Bộ luật Hồng Đức được đánh giá là đỉnh cao của pháp luật Việt Nam thời phong kiến khi "xử trị có những điều nhất định, nặng nhẹ có những mức cao thấp, các đời tuân theo, dùng làm phép sẵn, dù các điều mục lặt vặt có thêm bớt, nhưng đại cương chế độ bao giờ cũng vẫn theo đó, thật là cái mẫu mực để trị nước, cái khuôn phép để buộc dân", theo lời Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí.

Ở tác phẩm này, 24 quyền con người trong Bộ luật Hồng Đức liên quan đến cá nhân, tập thể, xã hội được thể hiện bao quát ở nhiều lĩnh vực: từ quyền dân tộc tự quyết, quyền sống, quyền bình đẳng cho đến quyền tư hữu ruộng đất, quyền thừa kế tài sản, quyền tự do ngôn luận... Thậm chí, quyền của phụ nữ, quyền của trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật cũng được thể hiện trong Quốc triều hình luật.

Dù ở một xã hội với nền tảng tư tưởng là Nho giáo, nhưng pháp luật thời Hậu Lê thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức vẫn dành sự quan tâm cho quyền của phụ nữ. Ở đó, quy định xử nặng tội xâm phạm thân thể, tiết hạnh phụ nữ; quy định phụ nữ được kết hôn tự nguyên, có quyền từ hôn; khen thưởng gương phụ nữ tiết hạnh... Ví dụ điều 338 ghi: "Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái của kẻ lương dân thì xử tội phạt biếm hay đồ".

Quyền của dân tộc thiểu số cũng được thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức, nhấn mạnh quyền bình đẳng giữa các tộc người, chủ trương nâng đỡ người thiểu số; quy định quyền bảo đảm yên ổn, an toàn trong cuộc sống của các sắc dân. Việc cấm sách nhiễu đồng bào thiểu số được thể hiện qua các điều 72, 163, 531, 703 của luật. Điều 72 quy định: "Nếu khách buôn cùng dân Man Liêu qua cửa quan, mà sách nhiễu tiền lễ lạt thì bị biếm hai tư và bắt bồi thường gấp hai số tiền ăn lễ cho kẻ mất tiền".

Qua việc phân tích, tổng hợp những dữ kiện, thông tin từ Bộ luật Hồng Đức, các tác giả đã chứng minh rằng đây là bộ luật đầu tiên của Việt Nam đề cao nhân quyền. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã nhận xét:

"Qua quyển sách này, các tác giả đã dành nhiều thời gian sưu tầm tư liệu, có đối chiếu các bộ luật gốc và các ý kiến bình luận khác nhau trong suốt thời gian dài. Kết luận của các tác giả là Bộ luật Hồng Đức rất xứng đáng được coi như bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt, xứng đáng được xếp vào danh sách những bộ luật cổ tiêu biểu của thế giới về quyền con người".

Nghien cuu nhan quyen anh 1

Mộc bản và bản dập bìa bộ Hoàng Việt luật lệ, tức Bộ luật Gia Long. Ảnh: Tcnn.

Bộ luật Gia Long kế thừa, phát triển giá trị nhân quyền

Những vấn đề về nhân quyền được thể hiện trong Bộ luật Hồng Đức thời Hậu Lê, đã được hai tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa căn cứ vào nội dung Hoàng Việt luật lệ, chứng minh rằng, đã được kế thừa và phát triển những giá trị nhân quyền đó trong Bộ luật Gia Long thời nhà Nguyễn.

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khi ông viết: "Bộ luật nhà Nguyễn kế thừa và phát triển các giá trị nhân quyền của bộ luật nhà Hậu Lê, là di sản văn hóa có tầm vóc toàn cầu mà tiền nhân người Việt đã dày công xây dựng, để lại cho dân tộc Việt Nam và nhân loại trong lĩnh vực quyền con người".

Tác phẩm Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long đã dành chương III và chương IV để nghiên cứu Bộ luật Gia Long, dẫn chứng những điều luật trong bộ luật này, từ đó thể hiện cụ thể những vấn đề nhân quyền cơ bản, được Bộ luật Gia Long quan tâm, phát triển và cụ thể hóa trong những điều luật.

Quyền dân tộc tự quyết, quyền được sống, hay quyền của phụ nữ, trẻ em, người già đều được thể hiện trong Bộ luật Gia Long. Không những thế, bộ luật này còn quan tâm những vấn đề nhân quyền khác. Trong đó quy định cả quyền biện tội, tức quyền bào chữa của người bị buộc tội ở Điều 381:

"Phàm các tù nhân phạm các tội đồ, đày, tử hình thì các quan ty, cúc ngục phải gọi tù nhân và người nhà (đến quan) báo cho biết tội danh rồi lấy tờ khai về việc phục tội hoặc biện tội (để cho họ phục) của tù nhân. Nếu không phục tội thì theo tờ khai lý lẽ họ biện ra mà xét kỹ lại. Trái lệ này thì với tội đồ và đày phạt 40 roi, với tội tử phạt 60 trượng".

Các tác giả cũng dành riêng một chương (chương V) để "giải oan" cho Bộ luật Gia Long khi cho rằng lâu nay, đa phần khi nhìn nhận về bộ luật này, xem đây là bộ luật sao chép chủ yếu từ luật của nhà Thanh, làm yếu hoặc thiếu tính dân tộc. Tuy nhiên, bằng những luận chứng cụ thể và những đánh giá mới của các nghiên cứu gần đây, tác phẩm cho rằng:

"Riêng trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền con người, Hoàng Việt luật lệ - bộ luật cơ bản của nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, đã kế thừa và phát triển Quốc triều hình luật - như bộ luật nhân quyền đầu tiên của người Việt, ra đời vào nửa sau thế kỷ XV".

Người dành hơn mười năm cho bộ sách nghìn trang về các chế độ báo chí

Bộ sách "Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam" đã khái quát sự hình thành, phát triển báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến nay qua những bộ luật, sắc lệnh báo chí.

5 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

Bên cạnh Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 là Luật Thi hành án hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự, Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam...

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm