Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người dành hơn mười năm cho bộ sách nghìn trang về các chế độ báo chí

Bộ sách "Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam" đã khái quát sự hình thành, phát triển báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến nay qua những bộ luật, sắc lệnh báo chí.

Lich su cac che do bao chi o Viet Nam anh 1

Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam dày 1.004 trang là bộ sách hiếm hoi, cũng có thể nói là duy nhất hiện nay, đã hệ thống hóa được sự ra đời, phát triển của báo chí ở Việt Nam qua góc nhìn pháp luật.

Hai tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa đã gia công nghiên cứu để cung cấp đến độc giả những tư liệu về luật, sắc lệnh, nghị định... báo chí qua từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử kể từ buổi đầu của báo chí nước nhà. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tác phẩm, Zing có cuộc trò chuyện với TS Phan Đăng Thanh, đại diện nhóm tác giả.

Lich su cac che do bao chi o Viet Nam anh 2

Tác giả Phan Đăng Thanh chia sẻ về việc ra đời bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng.


Tâm huyết hơn mười năm

- Ông có thể chia sẻ đôi điều về lý do, động lực nào các tác giả viết sách về các chế độ báo chí ở Việt Nam?

- Có nhiều lý do thôi thúc chúng tôi thực hiện công việc này. Trước hết, chúng tôi từng giảng dạy ở nhiều khoa báo chí của các trường đại học đề tài "Lịch sử báo chí Việt Nam" và "Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam".

Trong đó có đề cập đến luật pháp liên quan đến báo chí, nhưng rất manh mún, rời rạc và không sâu, chủ yếu là Luật Báo chí hiện hành. Chúng tôi viết bộ sách này để có thêm tài liệu bổ khuyết cho việc thiếu mảng màu luật pháp trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Bản thân tôi vốn làm báo chuyên nghiệp thời gian dài, do đó mong muốn những đồng nghiệp báo chí cũng như mọi người hiểu rõ hơn về sự phát triển báo chí Việt Nam qua góc nhìn pháp luật.

- Tại sao tên sách không phải là "pháp luật báo chí" mà lại là "chế độ báo chí"?

- Chế độ báo chí tức là pháp luật về báo chí. Nguồn gốc sinh ra báo chí là từ luật báo chí. Mà muốn nói đến luật báo chí thì cái gắn liền với nó là nhà nước. Nhà nước nào có pháp luật đó tương ứng, trong đó có Luật Báo chí.

Vì thế nên trong tác phẩm này, không chỉ nói đến chế độ báo chí, mà còn có cả lịch sử dân tộc, lịch sử báo chí cũng như những tờ báo, nhà báo có ảnh hưởng lớn, như thế mới tạo được sự toàn diện cho vấn đề nghiên cứu.

Ở tác phẩm, chúng tôi tập trung hướng nghiên cứu khía cạnh lịch sử pháp quyền liên quan đến báo chí, chọn thời điểm ra đời các văn kiện pháp luật làm cột mốc để phân kỳ lịch sử báo chí Việt Nam.

- Ông mất bao lâu để nghiên cứu, thực hiện bộ sách dày dặn "Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam"?

- Từ khi có ý tưởng viết cho đến lúc hoàn thành tác phẩm là phải mười mấy năm.

Việc tìm tư liệu cũng là một khó khăn. Cứ có tài liệu nào liên quan đến vấn đề này là chúng tôi lại tìm kiếm, lưu giữ. Rất nhiều tài liệu ở Trung tâm lưu trữ quốc gia II, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM chúng tôi tìm, sao chụp để phục vụ cho đề tài. Khi có đầy đủ tư liệu trong tay thì bắt đầu viết và liên tục bổ sung tài liệu tham khảo.

Bộ sách này không bỗng dưng mà có, nó còn là sự kế thừa thành tựu nghiên cứu của những người đi trước. Chúng tôi thành thật tri ân họ.

- Ông thấy điểm mới, đóng góp của tác phẩm là gì?

- Đó là sự hệ thống hóa pháp luật báo chí qua từng thời kỳ phát triển của báo chí Việt Nam kể từ khi ra đời cho đến nay.

Việc này góp phần để khi nhận thức, đánh giá một nền báo chí có thực sự tiến bộ hay không, trước hết phải xem xét nền tảng pháp lý gây dựng nên những phong trào báo chí, những định chế, tổ chức báo chí và những người làm báo buổi ấy.

Chúng tôi đã cố gắng trong khả năng của mình để có thể giới thiệu, trình bày đầy đủ nhất có thể về những luật, sắc lệnh, nghị định... liên quan đến báo chí. Chúng tôi hy vọng sau tác phẩm của mình, sẽ có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về vấn đề này của những tác giả khác.

Lich su cac che do bao chi o Viet Nam anh 3

Bộ sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam. Ảnh: Chí Hùng.

Đau đáu với tác phẩm ngay giữa lằn ranh sinh tử

- Tác phẩm cũng đề cập, giới thiệu nhiều gương nhà báo tiêu biểu, có ảnh hưởng qua từng giai đoạn, thời kỳ. Ông có ấn tượng với nhân vật nào?

- Có nhiều người gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh... vì sự nghiệp báo chí của họ có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển báo chí Việt Nam.

Như ông Nguyễn An Ninh làm báo, ra tờ La Cloche Fêlée để đấu tranh với thực dân Pháp, đấu tranh bằng báo chí, ông Ninh nhiều lần vào tù, ra khám. Còn tờ báo của ông thì bị thực dân tìm mọi cách xóa sổ.

Nhưng ông không từ bỏ, vẫn kiên định với con đường mình chọn. Thậm chí ông Ninh còn tự tay cầm báo đi bán từng tờ ở Sài Gòn. Gương làm báo của ông Ninh gây cho tôi ấn tượng rất mạnh về nhân cách người làm báo.

- Bộ sách được thực hiện bởi ông và vợ. Việc phân vai khi thực hiện tác phẩm như thế nào?

- Không riêng gì bộ sách này, chúng tôi là đồng tác giả đã hơn 20 đầu sách được xuất bản, như Các chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam xưa và nay (2000), Lược sử lập hiến Việt Nam (2013), Truyền thống luật sư Việt Nam (2014)...

Chúng tôi có điểm lợi là người trong một nhà, lại làm cùng nghề nên hiểu nhau, biết cách phối hợp nhịp nhàng để tạo nên tác phẩm.

Trong bộ sách này, chúng tôi có sự phân vai rõ ràng. Tôi là người lập đề cương chi tiết cho tác phẩm và viết chính. Vợ tôi, luật sư Trương Thị Hòa, là người góp ý, bổ sung, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh cái khung đó.

Bộ sách này là sự đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và đặc biệt là sức khỏe của chúng tôi.

TS Phan Đăng Thanh

Sau khi mỗi chương được viết xong, chúng tôi lại trao đổi để xem có gì thiếu thì bổ sung, có gì thừa thì cắt gọt cho vừa phải. Và bộ sách được ra đời như thế.

- Có ấn tượng sâu sắc hay kỷ niệm để đời nào của ông khi thực hiện tác phẩm này không?

- Có lẽ là nhiều kỷ niệm. Bộ sách này là sự đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ và đặc biệt là sức khỏe của chúng tôi, vì chúng tôi rất tâm huyết với nó.

Sau khi tập I xuất bản năm 2017, thì tập II phải hai năm sau mới được ấn hành. Chúng tôi cùng nhà xuất bản biên tập, chỉnh sửa bản thảo. Trong khi thực hiện thì tôi lâm trọng bệnh, phải lên bàn mổ mà theo chẩn đoán y khoa của bác sĩ là "lành ít dữ nhiều".

Lúc nằm trên giường bệnh chờ gây mê để mổ, tôi vẫn còn đau đáu trong lòng rằng không biết mình có thể tỉnh lại để nhìn thấy đứa con tinh thần hay không. Ơn trời, tôi còn ngồi nói chuyện với anh (phóng viên) như thế này đã là câu trả lời rồi đấy.

- Là tác giả, đồng thời cũng là một nhà báo, ông có chia sẻ gì liên quan đến báo chí ở góc độ chuyên môn không?

- Tôi có thời gian dài làm ở báo Pháp luật TP.HCM. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in lời của nguyên Tổng biên tập Nam Đồng: Thời này là thời công nghiệp, công nghệ, không có nhiều thì giờ để đọc một bài báo toàn chữ. Cho nên báo chí trước hết ưu tiên dùng hình, kế đó là biểu đồ, họa đồ, tranh minh họa.

Bởi vậy, tôi thấy viết báo trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như thế này, báo chí càng trực quan, dễ hiểu càng tốt, vì nhịp sống bận rộn quá mà.

Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 sẽ diễn ra vào 20h ngày 9/10 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội. Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Sungroup và Công ty Phú Long.

'Hơn cả tin tức - Tương lai của báo chí'

Cuốn sách là nghiên cứu độc đáo, đôi khi có tính phê phán về báo chí đương đại, cả trên mạng lẫn ngoài Internet.

Trần Đình Ba

Ảnh: Chí Hùng

Bạn có thể quan tâm