Môi trường báo chí đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Trước sự bùng nổ của truyền thông kỹ thuật số và mạng xã hội, lĩnh vực báo chí những năm gần đây liên tục rơi vào đà suy giảm, từ số lượng bạn đọc, doanh thu, thậm chí cả niềm tin của độc giả.
Đại dịch Covid-19 khiến ngành báo chí chịu nhiều tổn thất, khó khăn chồng chất. Nhiều tờ báo ở nước ngoài phải cắt giảm nhân sự, cho nhà báo nghỉ không lương, thực hiện sáp nhập, đình bản tạm thời hoặc đóng cửa vĩnh viễn.
Để tồn tại, thích ứng với sự đổi thay này, đòi hỏi các cá nhân, tổ chức tham gia đổi mới sáng tạo không ngừng.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo trong báo chí 2020-2021. Ảnh: TTXVN. |
Với mục tiêu mang đến nguồn nội dung chuyên môn tham khảo đáng tin cậy cho các tòa soạn, biên tập viên, các phóng viên cũng như những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phát hành cuốn Báo cáo toàn cầu về Đổi mới Sáng tạo trong Báo chí 2020-2021 bằng tiếng Việt
Đây là báo cáo lần thứ 3 được TTXVN mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam trong tổng số 11 báo cáo cho tới nay của Mạng lưới truyền thông toàn cầu FIPP (trụ sở tại Anh) và công ty Innovation Media Consulting Group (trụ sở tại Tây Ban Nha).
Cuốn báo cáo dành một chương về khía cạnh nhân sự trong báo chí, các công cụ để tìm được tài năng, tuyển dụng, và giữ được họ trong tổ chức.
Báo cáo cũng phân tích 13 mô hình kinh doanh giúp cải thiện doanh thu các cơ quan báo chí: Thu phí hội viên, nhượng quyền thương hiệu, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin…
Podcast được phân tích sâu trong báo cáo, đây là nỗ lực mới nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu của các cơ quan báo chí.
Ấn phẩm cũng đi sâu vào những cách làm sáng tạo trong các tổ chức báo chí, từ các tổ chức chuyên hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, phát thanh truyền hình, tới những tổ chức có sản phẩm chính là báo in.
Báo cáo toàn cầu về Đổi mới Sáng tạo trong Báo chí 2020-2021 chính thức phát hành từ hôm nay, 9/7.