Công ty MMS Việt Nam bị buộc gỡ bỏ toàn bộ quảng cáo trên các kênh mạng xã hội YouTube có nội dung vi phạm. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Đó là nội dung được nêu trong văn bản về việc tuân thủ pháp luật về hoạt động quảng cáo trên mạng do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm ký hôm 23/3. Văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam; các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (gọi tắt là White list) và đề xuất cho các doanh nghiệp lựa chọn quảng cáo trong danh sách này nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu.
Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng tăng cường rà soát, sàng lọc vị trí cài đặt quảng cáo trên mạng, không để quảng cáo bị gắn vào những trang, kênh, tài khoản, nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP; chấm dứt tình trạng triển khai quảng cáo tràn lan không kiểm soát, dẫn đến việc gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng chủ động xây dựng Danh sách nội dung “xấu độc” trên mạng của đơn vị mình (gọi tắt là Black List) để loại trừ quảng cáo.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, là đầu mối tổng hợp các trang, kênh, tài khoản “xấu độc” được cơ quan chức năng phát hiện trong quá trình rà soát, xử lý thông tin vi phạm trên mạng, gửi tới các nhãn hàng và doanh nghiệp để tham khảo áp dụng.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, quảng cáo trên môi trường mạng, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, bộc lộ nhiều nguy cơ khi người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo không đảm bảo quản lý tốt, để cho quảng cáo cài đặt vào các nội dung phản cảm, thậm chí xấu độc, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo.
Bên cạnh đó, dòng tiền quảng cáo được nền tảng xuyên biên giới chia sẻ cho các đối tượng sản xuất nội dung vi phạm pháp luật, qua đó gián tiếp tiếp tay cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng.
Trước tình hình này, trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, các nhãn hàng lớn, các nền tảng xuyên biên giới để chấn chỉnh, đồng thời tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính những đơn vị vi phạm, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Danh sách nội dung "đã được xác thực" trên mạng (gọi tắt là White list) đề xuất cho các doanh nghiệp và các đề nghị nêu trên là một bước đi mới của Bộ, nhằm đảm bảo sự an toàn, lành mạnh cho hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam.
“White List” trước mắt bao gồm: báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam, có thông tin về người chịu trách nhiệm quản lý nội dung.
Trong thời gian tới, “White List” sẽ liên tục được Bộ cập nhật định kỳ hàng quý hoặc đột xuất (khi cần thiết) theo hướng: (1) khuyến khích các trang thông tin điện tử, tải khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng có danh tính xác thực đăng ký tham gia vào “White List”; (2) loại bỏ các trang, kênh vi phạm pháp luật, không đảm bảo chất lượng” khỏi “White List".