Bản quyền tác phẩm do AI tạo ra nằm ở đâu?
Người ta cho rằng khi AI thâm nhập vào thế giới sáng tạo, khái niệm bản quyền cũng sẽ thay đổi.
Ví dụ, một công ty sản xuất nội dung khi xem xét các nhân vật cho nội dung mới, họ sẽ tham khảo nhiều nhân vật trong phim, anime, truyện tranh… đã có trên thế giới để tạo ra các nhân vật mới.
Nói một cách đơn giản, họ tham khảo hình ảnh của nhiều nhân vật khác nhau, chẳng hạn như ngoại hình của nhân vật A, kiểu tóc của nhân vật B, mắt của nhân vật C, miệng của nhân vật D… rồi thêm vào sáng tạo của bản thân để tạo nên nhân vật mới.
Việc “lấy cảm hứng từ các tác phẩm khác” như thế này ít nhiều đã phổ biến trong thế giới sáng tạo.
Ví dụ, khi quay một bộ phim lấy bối cảnh ở Hy Lạp thế kỷ 19, hình ảnh của Liv Tyler trong Chúa tể những chiếc nhẫn hay hình ảnh của Natalie Portman trong Chiến tranh giữa các vì sao… được tạo ra bằng cách lấy cảm hứng từ nhiều nhân vật và thế giới quan.
Điều này vẫn thường được áp dụng trong giới sáng tạo nghệ thuật. Điều gì sẽ xảy ra nếu AI thực hiện công việc “tạo ra một nhân vật mới từ một nhân vật có sẵn”?
Thực tế, công ty chúng tôi cũng đang nghiên cứu một phương pháp máy học gọi là GAN (Generative Adversarial Network - Mạng đối nghịch tạo sinh) tạo ra hình ảnh mới từ nhiều hình ảnh khác nhau. GAN là một phương pháp kỹ thuật nổi tiếng đang được những người làm việc về AI quan tâm.
Người ta sẽ nhập hình ảnh của các nhân vật đã tồn tại vào AI và để AI tiếp thu và tạo ra hình ảnh của các khuôn mặt khác nhau khiến người nhìn không nhận ra được bóng dáng các nhân vật đã có trước đó.
Tất nhiên, những hình ảnh này không thể trực tiếp sử dụng mà chỉ được dùng để làm tư liệu tham khảo cho việc dàn dựng nhân vật. Càng có nhiều hình ảnh làm tài liệu tham khảo thì chi phí thu thập tài liệu để tạo ra một nhân vật mới càng giảm đi nhiều.
Trong trường hợp như vậy, sản phẩm do GAN tạo ra có vi phạm bản quyền không?
Giả sử, lấy 1.000 nhân vật trong tạp chí truyện tranh Shonen Jump rồi tạo ra nhân vật hoàn toàn khác sau 20.000 lần đào tạo máy học có vi phạm pháp luật không? Nếu chỉ dừng lại ở phạm vi sở thích mà không dùng để kiếm tiền thì có được không?
Tính đến thời điểm mùa thu năm 2018, chưa có luật nào ở Nhật Bản đề cập tình huống như vậy. Do đó, có thể nói hiện tại, chúng ta chưa cần thiết phải công khai các hình ảnh gốc đã sử dụng. Tuy nhiên, trong tương lai gần, luật bản quyền cũng sẽ được cập nhật để đón đầu thời đại mà AI được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau. Chúng ta phải xem xét loại luật nào sẽ cần thiết và cần được thông qua trong tương lai.
Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển không ngừng của AI, không chỉ với vai trò khám phá, mà còn với vai trò là người sáng tạo nghệ thuật. Nguồn: ipc. |
Thay đổi định nghĩa về “sáng tạo” và “nghệ thuật”
Cân nhắc về bản quyền sẽ trực tiếp dẫn tới cân nhắc các vấn đề “sáng tạo là gì”, “nghệ thuật là gì?”. Hiện tại, có một tổ chức đang nghiên cứu xem các tác phẩm nghệ thuật do GAN tạo ra dựa trên tranh của Van Gogh liệu có được các chuyên gia công nhận hay không. Có thể vào một ngày không xa, tác phẩm nghệ thuật do GAN tạo ra sẽ được đặt trong bảo tàng mỹ thuật.
Gần đây, có thông tin bức tranh trừu tượng mang tên Chân dung của Edmond Bellamy vẽ bằng thuật toán của công nghệ GAN đã được bán với giá 48 triệu yên tại buổi đấu giá của Christie’s, New York.
Khi những nghiên cứu như thế này được triển khai sâu rộng hơn nữa, rất có thể định nghĩa “nghệ thuật thực sự là gì” sẽ được xem xét lại. Trong một thế giới ngập tràn AI, các định nghĩa về sáng tạo hay nghệ thuật cũng sẽ thay đổi. Không chỉ thế, gần đây nhiều người cho rằng định nghĩa của từ “nhà sản xuất” cũng sẽ thay đổi.
Ví dụ, Apple là nhà sản xuất có trụ sở chính tại California, nhưng các bộ phận cho sản phẩm của Iphone và Macbook lại do công ty Nhật Bản và Trung Quốc sản xuất. Các nhà sản xuất quần áo và xe hơi cũng giống vậy. Rất ít nhà sản xuất tự sản xuất tất cả sản phẩm của họ tại công ty. Apple, Uniqlo hay Toyota được gọi là “nhà sản xuất” vì họ hoạt động theo chuỗi tích hợp các bộ phận và cung cấp các sản phẩm đã được tích hợp.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu ngày càng có nhiều công ty như MediaTek của Đài Loan đã được giới thiệu trong Chương 2? Ta cũng có thể nói rằng các công ty sản xuất chip cho điện thoại di động ở các nước đang phát triển như MediaTek đúng với nghĩa “nhà sản xuất” hơn là công ty cung cấp dịch vụ di động.
Trong tương lai, khi tất cả xe hơi đều được điều khiển tự động, các công ty sản xuất xe hơi Nhật Bản với tư cách “nhà sản xuất” có thể phát huy sức mạnh đến mức nào? Vai trò của công ty đang được gọi là “nhà sản xuất” sẽ thay đổi như thế nào trong thời đại ấy?
Người ta cho rằng khi các ngành công nghiệp phát triển hơn, quyền ưu tiên trong việc giữ chân người chơi (hoặc sự phụ thuộc của khách hàng) sẽ mất đi. Trong trường hợp đó, các nhà sản xuất mô-đun sẽ có lợi hơn vì có thể tạo ra các sản phẩm tùy chọn “tương đối tốt” một cách nhanh hơn và rẻ hơn.
Từ bây giờ chính là thời đại của các “nhà sản xuất mô-đun” tạo ra bộ phận “then chốt” như MediaTek trên thế giới và mọi người sẽ mua các sản phẩm ấy, cóp nhặt tạo ra cái mới. Chắc chắn sẽ có nhiều cửa hàng tư nhân với tư cách là “nhà sản xuất” bán mô-đun. Ngay cả các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể nắm bắt các cơ hội lớn nếu làm chủ được lĩnh vực “then chốt” này.
Không chỉ riêng những nền tảng dữ liệu khổng lồ của GAFA mới nắm giữ chìa khóa quyết định trong cạnh tranh. Mỗi người hãy tự cân nhắc xem “chìa khóa” trong lĩnh vực của bản thân là gì.