Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xu hướng số hóa của ngành sách Trung Quốc

Thời gian qua, xu hướng phát hành trực tuyến, làm sách số trong ngành xuất bản thế giới, trong đó có Trung Quốc, ngày càng được đẩy mạnh.  

Sach dien tu anh 1

Phát sóng trực tuyến giới thiệu sách tại gian hàng của một công ty xuất bản trong Hội chợ sách quốc gia Trung Quốc ở Jinan, Shandong năm 2021. Ảnh: China Daily.

Tại Trung Quốc, kể từ năm 2016, khi doanh số bán sách thương mại điện tử lần đầu tiên vượt qua các hiệu sách trực tuyến, xu hướng này tiếp tục đà tăng trưởng nhanh chóng. Từ năm 2016 đến năm 2019, doanh thu của các hiệu sách trực tuyến Trung Quốc tăng vọt 36,5 tỷ NDT lên gần gấp 2 lần là 71,51 tỷ NDT.

Khi dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng, làn sóng này phần nào chậm lại do hoạt động hậu cần tạm thời bị đình chỉ và giao hàng thương mại điện tử phần nào gặp khó khăn. Vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng về doanh thu bán sách của các kênh thương mại điện tử trực tuyến tại Trung Quốc là 7,27% và quy mô là 76,72 tỷ NDT, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Sang đến năm 2021, thị phần của hoạt động bán lẻ sách trực tuyến Trung Quốc đã đạt gần 80% thị trường chung, theo thông tin từ công ty phân tích dữ liệu xuất bản Beijing OpenBook.

Sach dien tu anh 2

Doanh thu của các kênh bán sách trực tuyến Trung Quốc liên tục tăng từ 2014 đến 2020. Ảnh: OpenBook.

Nền tảng trực tuyến thu hút được độc giả

Rõ ràng các nền tảng trực tuyến, như nhiều kênh thương mại điện tử, mạng xã hội… đang có nhiều lợi thế để thúc đẩy doanh số bán sách. Theo một nghiên cứu về thị trường sách Trung Quốc đăng trên tạp chí Publishing Research Quarterly, không chỉ có số lượng lớn khách hàng và người dùng, các nền tảng này còn có thể dựa trên lịch sử tìm kiếm, mua hàng… của người dùng để tiếp thị, khuyến nghị các sản phẩm phù hợp. Thêm vào đó, với hiệu ứng truyền miệng, giới thiệu trên mạng xã hội, nhu cầu tiêu dùng cũng được kích thích và giúp gia tăng doanh số.

Sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng truyền thông xã hội như Sina Weibo và WeChat cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán sách trực tuyến, nhắm đến các nhóm người tiêu dùng cụ thể. Việc phát trực tiếp hiện cũng được áp dụng rộng rãi trong bán sách.

Ví dụ, trên nền tảng WeChat, các tài khoản WeChat chính thức và cửa hàng WeChat của các tổ chức xuất bản Trung Quốc luôn có một ảnh hưởng đặc biệt và có lưu lượng truy cập cá nhân cao. Qua kênh này, các nhà xuất bản có thể tiếp xúc nhiều hơn và lâu dài hơn với các đối tác và độc giả. Vị thế của họ có thể được cải thiện, từ đó, tăng hiệu suất bán hàng trực tuyến hoặc thậm chí ngoại tuyến. Tuy nhiên, không phải tất cả nhà xuất bản đều được hưởng lợi như nhau trên nền tảng WeChat. Nhà xuất bản nào làm công tác quảng bá tốt hơn, có nhiều người theo dõi và có những người theo dõi trung thành hơn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Đối với các kênh thương mại điện tử, trong khi số lượng các trang giao dịch ngày càng tăng và giúp cho người dùng dễ dàng hơn khi đặt mua sách, thì khuyến mãi cũng là một phần quan trọng trong thành công của hoạt động bán sách trên nền tảng số.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chia sẻ với trang Publishing Perspectives rằng các chương trình khuyến mãi “618” hàng năm vào giữa tháng 6, có thể được mở sớm vào tháng 5, và các khoản giảm giá trên các kênh bán lẻ, đã thu hút khách hàng mạnh mẽ. Trên một số nền tảng video, giá thậm chí có thể giảm tới 62% đối với một số cuốn sách cụ thể còn trên các nền tảng truyền thống hơn, chiết khấu cũng cao tới 46%. Những con số này thực sự hấp dẫn khi các hiệu sách bên ngoài chỉ chiết khấu 10%.

Một xu hướng khác nữa là sự phát triển các nền tảng phát trực tuyến tại Trung Quốc không chỉ làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh, truyền hình và phát thanh nước này, mà cũng đang thúc đẩy thị trường sách Trung Quốc. Theo Global Times, trong những năm gần đây, nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình và phát thanh được chuyển thể đã giúp thúc đẩy doanh số bán các cuốn sách nguyên tác.

Ví dụ, cuốn sách đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết ăn khách của nhà văn Trung Quốc Liu Cixin The Three-Body Problem (nhà văn Lưu Từ Hân với tác phẩm Tam thể) đã đứng đầu doanh số bán sách viễn tưởng trong tháng 11/2022, theo thống kê của Open Book. Thành tích này chủ yếu nhờ vào tin tức về bộ phim hoạt hình chuyển thể Three Body được ra mắt trên nền tảng phát trực tuyến Bilibili. Hai bản chuyển thể sắp tới từ các tác phẩm của Liu, lần lượt do Tencent Video và Netflix sản xuất, dự kiến phát hành vào năm 2023, cũng có thể đưa doanh thu của cuốn sách gốc lên một tầm cao mới.

Các tác phẩm văn học số ngày càng chiếm ưu thế

Trên nền tảng số, thị trường sách nói cũng ngày một nóng lên. Theo nghiên cứu trên Publishing Research Quarterly, vào năm 2020, thời lượng âm thanh sử dụng của người dùng Trung Quốc ước tính tăng thêm gần 6 phút (tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong số các sản phẩm âm thanh được công chúng Trung Quốc tiếp cận, phim truyền hình và sách nói được sản xuất theo văn học mạng đang ngày càng được quan tâm. Trong năm 2020, thị trường sách nói của Trung Quốc ước tính đạt 7 tỷ NDT. Sách nói, "không cần tiếp xúc" và "không gây ô nhiễm", đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch.

Nghiên cứu trên Publishing Research Quarterly cũng đưa ra nhận định về sự phát triển của mảng sách giáo dục. Có thể thấy đại dịch đã gia tăng nhu cầu về sách giáo khoa số, tài liệu liên quan đến hệ thống giảng dạy trực tuyến và hệ thống bài tập về nhà sau giờ học.

Việc thanh toán cho các tài liệu học tập, sách giáo khoa điện tử, bài tập điện tử… là cần thiết và đã gia tăng mạnh mẽ. Khác với các mảng sách khác là cung quyết định cầu thì việc chi trả cho tri thức và giáo dục là cầu quyết định cung. Do đó, với sự gia tăng nhu cầu học tập trên nền tảng số, tổng số khách hàng cũng tăng lên ở một mức độ nhất định.

Về xu hướng tổng thể, Global Data đánh giá rằng một xu thế chung là độc giả Trung Quốc đang dần chuyển sang đọc tin tức, báo, sách trực tuyến vì họ muốn có thông tin chính xác, cập nhật và dễ tiếp cận. Xu hướng này dẫn đến sự gia tăng số lượng độc giả trực tuyến. Tuy nhiên, lợi ích từ xu hướng này không đồng đều đối với mọi đơn vị trong ngành xuất bản Trung Quốc. Đơn vị nào có cách tiếp cận phù hợp hơn sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn và phát triển mạnh mẽ hơn.

Khi Trung Quốc đang dần bước ra khỏi đại dịch Covid-19, có thể thấy ngành xuất bản nước này đã trải qua nhiều thay đổi sâu sắc. Trong khi công nghệ đang tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp sách thì nó cũng mang đến những cơ hội và thách thức mới.

Trước hết, sự đổi mới và phát triển không ngừng của công nghệ sẽ kéo theo những thay đổi về kênh truyền bá nội dung và hình thức nội dung. Hiện tại, trên các nền tảng xã hội video ngắn như TikTok và Kwai, lượng giao dịch sách đang tăng lên từng ngày, song hành cùng nhiều nền tảng thương mại điện tử quan trọng như DangDang và JD.com. Trong tương lai, với sự phổ biến của các công nghệ mới mà đại diện là 5G và trí tuệ nhân tạo, hiệu quả của ngành xuất bản sẽ được cải thiện hơn nữa.

Xuất bản Trung Quốc thất thu vì đại dịch

Nghiên cứu của Beijing OpenBook cho biết doanh thu xuất bản nước này giảm mạnh; trong nửa đầu năm 2022, doanh thu từ các hiệu sách đã giảm 39.7% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng đầu tư sách điện tử trong năm 2023

Tăng đầu tư sách điện tử, sách nói và cân nhắc chi phí xuất bản là một số kế hoạch cho năm 2023 của các đơn vị làm sách.

Minh Hoa

Bạn có thể quan tâm