(Từ phải qua) Ông Nguyễn Văn Thừa, bà Vũ Thị Minh Nghĩa và ông Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), MC Xuân Huy là những người đã tham gia chiến đấu vào mùa xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Thanh Trần. |
Đã nhiều năm trôi qua kể từ sự kiện năm 1968, bà Vũ Thị Minh Nghĩa vẫn cảm thấy “tất cả hình ảnh như mới hôm qua”. Nhân kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chủ đề “Ký ức Xuân Mậu Thân 1968”, bà đã có dịp ngồi lại cùng những nhân chứng lịch sử khác để kể về sự kiện quan trọng này.
“5 năm hay 10 năm có lẽ chưa đủ để chúng ta nhìn lại một trận chiến với quá nhiều mất mát. Nhưng 50, 55 năm sau là lúc để chúng ta nhận ra những bài học cho mình”, Ông Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), từng là thành viên của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định, chia sẻ trong buổi trò chuyện tại Đường sách TP.HCM sáng ngày 5/1.
“Khi đó có ba mục tiêu: thứ nhất là lấy lại Sài Gòn, thứ hai là tiêu diệt sinh lực địch và thứ ba là dẹp ý định xâm lược của Mỹ”, ông nói.
Bà Vũ Thị Minh Nghĩa bùi ngùi kể lại nhiều kỷ niệm về đồng đội. Với bà, những người đồng đội đã hy sinh nằm lại trong đêm đó là vinh dự đối với đất nước. “Tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh mùa xuân năm đó”, bà nói.
Đánh dấu 55 năm đã qua từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Sở Du lịch, Thành Đoàn TP.HCM, các đơn vị xuất bản, thư viện, bảo tàng và Đường sách TP.HCM tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm như trưng bày, giới thiệu 55 tựa sách, tư liệu tiêu biểu tại Đường sách TP.HCM, triển lãm các tài liệu, hình ảnh về chiến dịch Mậu Thân 1968 từ giai đoạn chuẩn bị, diễn ra chiến dịch và cả những con số, bia tưởng niệm sau chiến dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Độc giả tại Đường sách TP.HCM dừng lại tìm hiểu những cuốn sách được trưng bày. Lê Trúc Nhiên (bên trái) cho biết có nhiều tựa sách ấn tượng, gợi lên không khí hùng tráng khi vừa xem qua. Ảnh: Thanh Trần. |
Bên cạnh đó, triển lãm cũng cho trưng bày các sách chủ đề về lịch sử, văn hóa, con người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân cả nước và về Sài Gòn Mậu Thân năm 1968.
“Nhớ lại những ký ức kinh hoàng và những người anh em, đồng đội đã hy sinh cũng rất đau lòng. Nhưng cho đến nay vẫn cần kể lại để tưởng nhớ những người đã hy sinh và để giáo dục thế hệ trẻ xây dựng đất nước tốt đẹp hơn”, ông Nguyễn Văn Thừa - người đã chứng kiến cuộc tổng tiến công và nổi dậy với vai trò tình báo - chia sẻ.
Triển lãm 55 năm lịch sử về mùa xuân Mậu Thân 1968 cũng nhằm gửi gắm những hình ảnh, câu chuyện về một TP.HCM đã tiếp nối, xây dựng và phát triển đất nước.