Sách đặc biệt "Truyện cổ Grimm". Ảnh: Đ.A. |
Cách đây một năm, sách đặc biệt trở thành một trào lưu, một hiện tượng trong ngành xuất bản. Số lượng đơn vị đầu tư vào mảng sách này cứ thế mà tăng dần. Nhưng thời gian gần đây, cơn sốt đã hạ nhiệt. Người làm việc trong lĩnh vực xuất bản, phát hành cũng xác nhận điều này.
Dù hạ nhiệt, nhưng thị trường này vẫn còn một số đơn vị kiên trì khai thác. Có đơn vị còn sáng tạo kiểu làm sách với nguyên liệu thiên nhiên mới lạ, nỗ lực khơi dậy một cơn sốt mới đối với hình thức sách này.
Xu hướng lắng xuống nhưng bền vững hơn
Nhiều người trong ngành thừa nhận thị trường sách đặc biệt nhìn chung đã khá bão hòa. Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Bản quyền Công ty Nhã Nam, nói: "Theo tôi thấy, mặc dù giảm sút nhiều về cầu, song vẫn có một nhóm độc giả nhất định quan tâm, sưu tầm các bản sách đặc biệt. Sách bản đặc biệt, bản giới hạn không còn là một trào lưu, một xu hướng nữa, tuy nhiên sẽ vẫn là một dòng chảy bền bỉ trong xuất bản".
Ông cho rằng sự trầm lắng của thị trường cũng có ưu điểm là không gây áp lực về tiến độ và thời gian cho các đơn vị sản xuất sách đặc biệt. Vì phần lớn các khâu đều phải làm thủ công, rất mất thời gian… khi bớt áp lực về cầu, các đơn vị sẽ có thể sản xuất ra các bản đặc biệt với chất lượng cao hơn.
Ông Nguyễn Tuấn Bình là chủ một cửa hàng sách tại Hà Nội. Là một người có thế mạnh về phát hành sách đặc biệt, ông cũng thừa nhận thị trường này có xu hướng lắng xuống. Tuy nhiên, ông cho rằng sự lắng này lại có tính chất bền vững.
Ông chia sẻ: "Có một thời, sức mua quá nóng bỏng, số lượng sách đặc biệt lại quá giới hạn. Cung không đáp ứng được cầu, tạo ra một cơn sốt có phần không thực".
Ông Nguyễn Tuấn Bình cho biết sức mua sách đặc biệt hiện đã giảm 30% so với thời điểm "cơn sốt" còn cao. Những người tiếp tục mua sách đặc biệt, theo ông Bình, là những độc giả thực chất của hình thức sách này.
Vì tính chất của sách đặc biệt là giá trị cao, độc giả của dòng sách này vừa là những người yêu sách, vừa có thu nhập cao, thường là ở độ tuổi trung niên, 35-50 tuổi. Họ là những người từng trải, có hiểu biết, có kiến thức về sách.
Nghệ thuật Dessin là cuốn sách phát hành thành công nhất trong năm qua ở tiệm ông Nguyễn Tuấn Bình. Ảnh: B.B.B. |
Theo ông Nguyễn Tuấn Bình, sách đặc biệt ở phân khúc cao còn bán chạy hiện nay thường là sách của Đông A (một trong những đơn vị tiên phong trong trào lưu làm sách bản đặc biệt ở Việt Nam). "Lượng sách bán được của Đông A rất ổn định. Thời gian này, cuốn Nghệ thuật Dessin của Nguyễn Đình Đăng là cuốn tôi bán được nhiều nhất. Tôi đã bán ra 100 cuốn và sắp hết hàng. Đây là một con số rất ấn tượng".
Ông nhận xét đơn vị này đã tạo được cho mình một sân chơi riêng và theo thời gian, số đơn vị cố học theo hướng đi của họ cũng đã ít dần đi.
Đổi mới sách đặc biệt
Theo ông Nguyễn Tuấn Bình, sách làm bản đặc biệt thường là những sách có nội dung, giá trị đã được thời gian kiểm chứng như văn học kinh điển, các tác phẩm của tác giả đoạt Nobel, sách kinh điển về triết học, sách nghệ thuật (artbook).
"Chúng ta đi sau thế giới có lẽ 300 năm trong việc làm sách đặc biệt. Con đường chúng ta đi nên theo họ. Tôi nghĩ nên làm sách đặc biệt kiểu Tây Âu với bìa da để giúp bảo quản sách được lâu. Ở phương Tây, hình thức này vẫn ổn định và được ưa chuộng, chúng ta cũng có thể tiếp tục hướng đi này".
Một hướng làm sách đặc biệt khác được ông Nguyễn Tuấn Bình chỉ ra là làm sách với chất liệu mới lạ, tìm tòi, như Phúc Minh Books làm vi quyển, Thái Hà Books làm sách từ nguyên liệu thô mộc, thiên nhiên.
Ông nhận định: "Với những kiểu sách mới lạ, đón nhận của độc giả ban đầu sẽ luôn là e ngại. Cho đến giờ, vi quyển đã dần chinh phục được độc giả, nhưng sách từ nguyên liệu thiên nhiên thì độc giả còn đón nhận dè dặt, có lẽ cần đợi thời gian trả lời".
Một cuốn sách đặc biệt có bìa được làm từ đất và lá trà. Ảnh: T.H. |
Theo bà Nguyễn Minh, Tổng biên tập Công ty Thái Hà Books, sách là một sản phẩm trí tuệ, nhiều cuốn sách bao hàm một lượng lớn thông tin tri thức mang tính lịch sử, văn hóa cao… nên những dòng sách này, người đọc không chỉ muốn đọc nội dung mà còn muốn chơi sách, sưu tầm sách… Bà cho rằng sách đặc biệt là dòng ấn phẩm cho người chơi sách.
Chia sẻ về những thử nghiệm đổi mới sách bản đặc biệt, bà Nguyễn Minh nói: "Chất liệu dòng sách đặc biệt mà chúng tôi hướng đến bắt nguồn từ các chất liệu truyền thống của Việt Nam như trúc chỉ, vải đũi, tranh sơn mài...".
Nổi bật gần đây nhất là bộ sách Trà Kinh - Trà Thư. Bìa sách được sử dụng bằng giấy Giang, là một loại giấy của bà con H’mong; lá trà tươi được ép khô, rồi phủ một lớp keo (dù không muốn nhưng cần thiết để bảo quản lâu dài); sau đó gắn lên trên bìa sách.
"Họa tiết dùng đất nghiền nhỏ rồi nhuộm chàm để tạo hạt màu, đắp lên hình đồi núi. Hai cuốn sách Trà kinh và Trà thư nếu ghép bìa sẽ ra hình một đồi chè, giơ lên trước mặt sẽ cảm giác như mình đang được hít thở không khí tự nhiên giữa đồi chè tươi mát", bà Minh nói.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cũng cho rằng nếu có sự đổi mới ở hình thức bản đặc biệt thì chắc chắn dòng sách này vẫn được bạn đọc quan tâm.