Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng đầu tư sách điện tử trong năm 2023

Tăng đầu tư sách điện tử, sách nói và cân nhắc chi phí xuất bản là một số kế hoạch cho năm 2023 của các đơn vị làm sách.

nghien cuu thi truong anh 1

Bạn đọc chọn lựa sách tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần.

Tại Hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc đến xu hướng phát triển của xuất bản điện tử. Ông cho biết số doanh nghiệp hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử tiếp tục tăng. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, mảng sách điện tử ghi nhận 3.200 xuất bản phẩm với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương 32-35 triệu bản sách được đọc) trong năm 2022, tăng 59% so với năm trước.

Những số liệu tích cực này đã khích lệ nhiều đơn vị làm sách. Trao đổi với Zing, những đơn vị như Nhã Nam, Omega+, Thái Hà và Nhà xuất bản Kim Đồng đã chia sẻ kế hoạch đầu tư vào sách điện tử trong năm tới.

Ngoài ra, những vấn đề như biến động về giá giấy, nạn sách lậu cũng là điều các đơn vị làm sách quan tâm.

Kế hoạch số hóa không chỉ dừng ở việc làm sách điện tử

Nhận định rằng ngành xuất bản đang trong đà chuyển đổi số nhanh chóng kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bà Nguyễn Minh - Tổng biên tập Thái Hà Books - nói: “Chúng tôi cũng không nằm ngoài xu thế phát triển của thị trường. Tuy nhiên định hướng của chúng tôi là phát hành có chọn lọc, tức là chọn lọc đối tác hợp tác và chọn lọc thể loại sách. Hiện tại chúng tôi đang hợp tác với các đơn vị phát hành sách số uy tín như Fonos, Voiz FM (WeWe) và Waka. Chúng tôi cũng ưu tiên chọn những cuốn sách bán tốt, thuộc các tủ sách Newme, sách Kinh tế, sách Đạo Phật và sách Cha mẹ để phát hành sách số. Chúng tôi kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của sách số và việc đầu tư phát triển thể loại sách này chắc chắn là một trong những mục tiêu lớn của Thái Hà Books”.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết nhà xuất bản đang hợp tác với Voiz FM và Fonos để phát hành sách nói. Ngoài ra, bà cho biết trong năm 2023, Nhà xuất bản Kim Đồng dự định ra mắt app đọc truyện tranh e-manga riêng, phục vụ cho độc giả hiện đại có thể đọc nhiều truyện trên một thiết bị điện thoại.

Ông Phạm Xuân Minh, Giám đốc Bản quyền Công ty Nhã Nam, nói: “Trước mắt chúng tôi đã hợp tác với một số đơn vị uy tín để khai thác sách nói, sẽ tìm hiểu cũng như tìm kiếm đối tác để khai thác hình thức sách điện tử”. Tuy nhiên, ông nhận xét rằng thị trường cho 2 hình thức sách này ở Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Vì vậy, ông cho biết đơn vị vẫn chỉ đang đi những bước thử nghiệm đầu tiên.

nghien cuu thi truong anh 2

Quản lý sự gia tăng của chi phí sản xuất là một trong những thách thức ngành xuất bản đang phải đối mặt. Ảnh: Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam.

Kế hoạch đối mặt với những biến động trong năm 2023

Theo bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Công ty Omega+, trong Hội sách Frankfurt 2022 vừa qua, rất nhiều CEO của những đơn vị xuất bản lớn đều nhấn mạnh đến thách thức chung mà nền xuất bản sẽ phải đối mặt trong năm 2023 tới: đó là thách thức đặt ra trong vấn đề quản lý sự gia tăng của chi phí sản xuất (bao gồm năng lượng, giấy, giá cả, lạm phát), trong bối cảnh phức tạp khó lường của bức tranh kinh tế - chính trị.

Bà Trần Hoài Phương nói: “Xuất bản Việt Nam chắc chắn không đứng ngoài câu chuyện chung đó và những thách thức, khó khăn đó ngay lúc này đây hầu hết đơn vị xuất bản đã phải đối mặt: Giá giấy đã và đang tiếp tục tăng, trong khi thị trường chưa hồi phục, sức mua giảm, độc giả khó tiếp cận với các ấn phẩm có giá thành cao. Trong năm 2023, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ của một đợt suy thoái lớn, dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt, sự đảo lộn các trật tự địa chính trị trên thế giới do chiến tranh gây ra, vấn đề lạm phát…”.

Đối mặt với các vấn đề đó, Giám đốc Omega+ cho biết bà và đội ngũ vẫn đang phân tích và tìm kiếm những cách thức để quản lý chi phí sản xuất nhằm hạn chế việc tăng giá sách; phân loại sản phẩm theo giá trị và đối tượng khách hàng.

Trong bối cảnh khó khăn chung, việc duy trì kết nối và chăm sóc cộng đồng độc giả của mình, đặc biệt là các độc giả thân thiết. Bà Trần Hoài Phương cho rằng đẩy mạnh chăm sóc độc giả theo hướng cá nhân hóa chính là cách thức bền vững giúp các đơn vị xuất bản đi qua những giai đoạn khó khăn nhất. Bà Trần Hoài Phương lạc quan: “Trong nguy bao giờ cũng có cơ, chúng tôi vẫn luôn cố gắng đoán định và tìm ra những cơ hội phát triển trong các thời điểm khó khăn, biến động. Về cơ bản, các thời kỳ khủng hoảng cũng là những thời kỳ mà con người càng cần những tri thức nền tảng, nhất là tri thức nền tảng về lịch sử nhân loại, để có thể phán đoán và lèo lái những bước đi của chính mình”.

nghien cuu thi truong anh 3

Tình trạng sách lậu ngày một khó lường. Ảnh: M.H.

Một vấn đề khác được bà Nguyễn Minh - Tổng biên tập Thái Hà - đưa ra là tình trạng sách lậu ngày một khó lường. Bà cho biết có những cuốn sách mới chỉ vừa có hiệu ứng một chút thôi là sách lậu đã xuất hiện ở thị trường.

“Vì không mất nhiều chi phí như bản quyền, dịch, biên tập… nên các tổ chức sách lậu đã có nhiều chi phí PR cho cuốn sách, các trang bán sách lậu còn tương tác tốt hơn cả trang bán sách thật… gây ra những hậu quả nặng nề cho các đơn vị xuất bản! Khi liên hệ để cảnh báo thì các tổ chức này thiếu hợp tác và có thái độ đầy thách thức”, bà Minh nói.

Theo bà Nguyễn Minh, bài toán về sách lậu là “bài toán khó khăn nhất mà các đơn vị sách thật phải đối mặt và gây hậu quả nặng nề, chứ không phải là bài toán chuyển đổi số mà chúng ta đã bàn một hai năm gần đây”.

Vì vậy, để bảo vệ bản quyền sách cũng là một trong những mối quan tâm của nhiều đơn vị làm xuất bản. Các đơn vị cho biết họ sẽ theo dõi sát sao để có sự điều chỉnh linh hoạt kế hoạch trong năm.

Ra mắt đường dây nóng ngăn chặn sách lậu 032 961 0717

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống sách lậu, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương đã thiết lập đường dây nóng, nhận các khiếu nại.

Tăng đầu tư công nghệ cho xuất bản

Xây dựng nền tảng xuất bản điện tử, đào tạo nguồn nhân lực... là những nỗ lực mà các nhà xuất bản thực hiện để phát triển sách số.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm