Tranh minh họa của Bethany Lord cho sách khoa học thiếu nhi về môi trường "Bright new world" của Cindy Forde. Ảnh: Wellbeck. |
Môi trường, đa dạng sắc tộc, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới… đang là những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn trên thế giới. Đặc biệt, vấn đề môi trường, được đề cập trong tiểu thuyết Sans dessus dessous (Phi vụ mua Bắc cực) của Jules Verne, trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết khi bước vào thập niên 2010 với nhiều tác phẩm đặc sắc như Lug, Dawn of the Ice Age của David Zeltser, Moletown của Torben Kuhlmann, When Santa Turned Green của Victoria Perla...
Trưởng thành trong xã hội với độ nhận thức về môi trường ngày càng cao, phụ huynh hiện đại cũng có xu hướng muốn giáo dục con trẻ về vấn đề này sớm. Trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, không thiếu các tác phẩm truyền tải ý nghĩa về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Ở Việt Nam, chủ đề thời sự như vậy đang dần xuất hiện, nhưng phần lớn là ở dạng sách tranh, sách kiến thức chứ không trong văn học. Nhiều đơn vị làm sách đã chia sẻ với Zing về dự định đầu tư mạnh hơn vào mảng sách này trong tương lai.
Trang bị cho con trẻ những tri thức cần thiết để trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai
Trở về sau khi tham dự Hội sách Quốc tế Frankfurt, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Bản quyền công ty sách Nhã Nam, chia sẻ: “Sau 2 năm phải tham gia hội sách online vì Covid-19, phần lớn các nhà xuất bản nước ngoài đều trở lại với tâm thế khá dè dặt, quy mô hội sách cũng có phần nhỏ hơn trước. Các xu hướng chính cũng không có nhiều thay đổi so với một vài năm trước, chủ đạo vẫn là các cuốn sách chủ đề môi trường, bình đẳng giới tính, chính trị xã hội… chúng tôi cũng đang nghiên cứu các đầu sách nổi bật nhất để tìm ra những tựa sách phù hợp với độc giả Việt Nam”.
Một trong những kế hoạch đầu tư xuất bản năm tới ông Minh chia sẻ với Zing là tập trung khai thác mảng sách thiếu nhi, đặc biệt là các dòng sách giáo dục cho các em về ý thức bảo vệ môi trường, ý thức bảo vệ bản thân, giáo dục giới tính, giáo dục tài chính… nhằm trang bị cho các em những tri thức cần thiết để trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai.
Ông Nguyễn Xuân Minh khẳng định: “Thiếu nhi là nhóm độc giả quan trọng với bất cứ đơn vị làm sách nào, Nhã Nam cũng không phải là ngoại lệ”.
Bên cạnh Nhã Nam, các đơn vị như Thái Hà, Omega+ hay Nhà xuất bản Kim Đồng đều cho biết sẽ đẩy mạnh mảng sách thiếu nhi.
Trao đổi với Zing gần đây, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc kiêm - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết một số mảng sách lớn mà nhà xuất bản sẽ chú trọng đến trong năm 2023 là sách tranh cho lứa tuổi nhi đồng với các chủ đề tình cảm gia đình, trường lớp; Sách văn học, văn hoá, lịch sử Việt Nam; Sách khoa học, kiến thức; Sách truyện tranh phục vụ nhu cầu giải trí của bạn đọc trẻ.
“Đây là các mảng sách thế mạnh của Nhà xuất bản Kim Đồng. Chủ trương của Nhà xuất bản Kim Đồng là phát triển đồng đều các mảng sách vừa góp phần cung cấp kiến thức, kĩ năng, bồi đắp chân thiện mỹ, vừa đáp ứng nhu cầu đọc giải trí của bạn đọc”, bà Quỳnh Liên nói.
Với những đầu sách giá trị, truyền tải thông điệp tốt cho trẻ, bà Quỳnh Liên mong rằng sách sẽ được giới thiệu vào hệ thống thư viện trường học nói riêng và trên cả nước nói chung.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho rằng các đề tài thời sự như bảo vệ môi trường trong sách thiếu nhi ở Việt Nam chỉ ở dạng sách tranh, sách kiến thức chứ chưa xuất hiện trong văn học. |
Mong muốn có nhiều sáng tác trong nước
Chia sẻ tại hội thảo “Châu Âu - Việt Nam về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên” ở Viện Goethe Hà Nội hồi tháng 9, bà Trần Lê Thùy Linh, Trưởng phòng Thiếu nhi Công ty Nhã Nam, cho biết sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là sách dịch từ nước ngoài. Bà nhận thấy các nhân vật thiếu nhi nước ngoài thường có cá tính độc đáo, không theo hình mẫu con ngoan trò giỏi và có chủ đề câu chuyện sinh động, đa dạng.
Đối với các sáng tác của Việt Nam, bà Trần Lê Thùy Linh cho rằng số lượng tác phẩm đặc sắc còn hạn chế, và thường chỉ là một câu chuyện hồi ức của người lớn chứ không phải là sáng tác hướng đến trẻ em.
Cũng tại hội thảo này, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nhận xét rằng các sáng tác văn học của Việt Nam thời gian gần đây có vẻ thưa thớt hơn xưa, các chủ đề thời sự như bảo vệ môi trường, LGBT, bình đẳng giới cũng dần xuất hiện, nhưng chỉ ở dạng sách tranh, sách kiến thức chứ chưa xuất hiện trong văn học.
Bà cho biết đơn vị đã thực hiện khảo sát để biết về gu đọc sách của trẻ nhỏ và nhận thấy các em thích các câu chuyện hấp dẫn, muốn đọc văn học trinh thám, phiêu lưu, giả tưởng chứ không thích sách giáo điều. Trên thế giới, các tác giả viết sách thiếu nhi đã tìm cách đan cái thông điệp giáo dục vào văn học để trẻ nhỏ dễ tiếp nhận, các tác giả Việt Nam vẫn chưa mạnh dạn dấn thân.
Việc áp dụng những xu hướng xuất bản quốc tế vẫn luôn là một vấn đề khiến nhiều đơn vị làm sách phải suy nghĩ, khi mà thị trường xuất bản trong nước quy mô chưa lớn, các tác giả có xu hướng ngần ngại sáng tác kiểu mới với nỗi lo không bán được sách.
Dù vậy, các nhà xuất bản và công ty phát hành luôn tỏ ra ủng hộ, khuyến khích tác giả Việt, đặc biệt là các cây viết trẻ trong, việc khai thác những đề tài mang tính thời sự một cách dễ tiếp cận, hợp thị hiếu.
Ông Nguyễn Xuân Minh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được hợp tác nhiều hơn với các tác giả Việt Nam ở tất cả các thể loại sách khác nhau”.