Mới đây, đại diện Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã mang gần 1.000 cuốn sách tới các em học sinh tại 3 điểm của trường Tiểu học Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Hoạt động này nằm trong dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa” do Hội Nhà văn Việt Nam phát động từ đầu năm nay. Theo đó, dự án sẽ in 50.000-100.000 bản sách mỗi năm để tặng miễn phí cho trẻ em vùng khó khăn, chưa có điều kiện tiếp cận sách.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn - cho biết tại 3 điểm của trường Tiểu học Phương Giao (Thái Nguyên), ông cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và họa sĩ Thành Chương đã tặng sách cho khoảng 250 em học sinh.
“Khi tôi hỏi các em về thói quen đọc sách, có đến hơn 90% em nói rằng chưa từng đọc một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa. Các em cũng không có cuốn sách nào cho riêng mình”, ông Thiều kể.
Trong đợt tặng sách này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết dự án quyết định tặng 3 cuốn cho mỗi học sinh. Đó là cuốn Dế Mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam và Năm đứa trẻ xóm đồi. Theo ông Thiều, đây đều là những cuốn sách nổi bật của văn học thiếu nhi, chúng chứa đầy ý nghĩa và sẽ giúp gieo mầm tri thức cho các em.
Một số hình ảnh trong ngày tặng sách cho học sinh ở Tiểu học Phương Giao (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: NVCC. |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng lý giải rằng ông không muốn đưa sách vào thư viện hay lớp học mà chọn cách tặng trực tiếp cho học sinh vì như thế, các em có thể mang sách về nhà để bất cứ lúc nào cũng có thể mang ra đọc.
“Hơn nữa, khi mang sách về nhà và đọc xong, cha mẹ hay ông bà nhìn thấy sách cũng có thể cầm lên đọc. Tôi tin rằng việc tặng sách cho trẻ em sẽ giúp gieo trồng tình yêu sách. Khi có thói quen đọc rồi, lớn lên các em sẽ tự tìm đến sách”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng mang những cuốn sách về nhà là mang khối tài sản lớn bên mình mà ở trong đó, các em sẽ tìm thấy những điều kỳ diệu chưa từng được biết đến.
Việt Nam có hơn 20 triệu trẻ em, nên theo ông Thiều, 50.000 hay 100.000 bản sách mà dự án mang đến cho các em mỗi năm là con số “thật chẳng thấm gì”. Nhưng cùng những thành viên trong dự án, cùng các tấm lòng hảo tâm quyên góp, tài trợ, dự án quyết tâm tặng sách tới từng em nhỏ.
“Chúng tôi tin cứ bền bỉ hết ngày này qua tháng khác mang sách tới từng em ở những vùng miền xa xôi thì đến một lúc nào đó, vẻ đẹp và những điều tốt lành từ trang sách sẽ trở thành một phần trong tâm hồn các em. Vì sách chúng tôi lựa chọn để in và tặng là những tác phẩm nổi bật trong văn học thiếu nhi, mang bài học về tình yêu thiên nhiên, con người, gia đình và văn hóa dân tộc”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Để thực hiện được dự án “Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa”, Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, quyên góp của các tập thể, cá nhân, những nhà hảo tâm.
Dự kiến, Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục chuyển sách vào Tây Nguyên, miền Trung, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các nhà văn ở từng khu vực sẽ là những người trực tiếp mang sách tới các em.
Trước đó, vào cuối tháng 7, những cuốn sách đầu tiên trong dự án cũng đã đến tay một số em nhỏ ở Sơn La và Đà Nẵng. Các em nhỏ ở Đà Nẵng là những đứa trẻ mồ côi cha mẹ bởi đại dịch Covid-19, được nuôi dạy tại ngôi trường nội trú mang tên Hy Vọng.
“Chúng ta ai cũng có thể hình dung một đứa trẻ lớn lên không biết đến sách thì sẽ ra sao. Những cuốn sách trao tay các em nhỏ đều đến từ nguồn xã hội hóa với mong muốn góp sức để làm giàu cho tương lai của đất nước”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm.