Trước thềm năm học mới 2022-2023, nhiều ý kiến thống nhất rằng cần tăng cường bồi dưỡng tâm hồn trẻ thông qua sách văn học. Đó là một trong những cách góp phần tạo dựng vẻ đẹp tâm hồn và phong cách sống văn hóa.
Khuyết thiếu trong tâm hồn trẻ
Các tác phẩm văn học đóng góp một phần quan trọng làm nên vẻ đẹp văn hóa, mở ra những giấc mơ tươi đẹp của con người, dẫn con người đến với các giá trị chân - thiện - mỹ. Vì lẽ đó văn học được coi như con đường biến những tinh hoa văn hóa của dân tộc thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển con người, đất nước.
Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: Đầu tư bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng văn học là bồi dưỡng văn hóa cho thế hệ tương lai của đất nước, giúp các em giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo và hướng tới những ước mơ đẹp, làm người có ích cho xã hội.
Chúng ta có nhiều nhà văn với những tác phẩm có giá trị như Tô Hoài, Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Xuân Quỳnh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đăng Khoa… Nhà văn trẻ hôm nay cũng không ít người quan tâm, sáng tác, mang sách đến gần với thiếu nhi, song số lượng cũng như chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Lại nữa, trong cuộc sống hiện đại, nhiều loại hình giải trí khác đã khiến nhiều em học sinh thờ ơ với sách. Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên bày tỏ: “Văn học là lãnh địa mà bất cứ ai cũng có thể đặt chân vào, là phương tiện có sức lan tỏa, góp phần bồi đắp lòng nhân ái, hun đúc ý chí, nghị lực vươn lên của con người, nhất là đối với thế hệ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Nhưng để có những tác phẩm văn học có sức lan tỏa lâu dài thì không phải ai cũng làm được”.
Còn nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hùng (Đại học Huế) tâm sự: “Dù giáo dục trẻ em bằng văn học là chưa đủ, nhưng ít nhất cũng giúp xây dựng tâm hồn, hướng trẻ em đến những điều đẹp đẽ. Khi nền văn học thiếu nhi thiếu những cuốn sách giá trị, cũng đồng nghĩa với một nền văn hóa khuyết đi sự trong trẻo của thế hệ tương lai. Văn học góp phần kéo trẻ em khỏi lệ thuộc vào công nghệ, sa đà vào thế giới ảo, cùng những trò chơi giải trí. Chính trong sự phát triển đa chiều của xã hội, càng cần có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng”.
Sách văn học khác sách kỹ năng, giảng đạo đức
Đồng quan điểm ấy, nhà văn Võ Thu Hương, người có nhiều sáng tác dành cho thiếu nhi, chia sẻ thêm: “Việc của nhà văn không phải giảng những bài học đạo đức về văn hóa cho trẻ mà lồng ghép những câu chuyện văn hóa vào trong từng tình huống cụ thể của câu chuyện. Một trong những câu chuyện tôi viết về tình cảm của trẻ với quê hương, gia đình là Quê mình đẹp nhất (Được chọn giảng dạy trong sách Tiếng Việt lớp 2, bộ “Chân trời sáng tạo”) cũng phải lồng vào đó tình huống thú vị về hai cô cậu bé mơ mộng, ham chơi, thích khám phá…
Hay câu chuyện về cậu bé Bum trong truyện ngắn Con muốn làm một cái cây của tôi (Sách Ngữ văn 6, bộ “Chân trời sáng tạo”) cũng chuyển đi thông điệp về văn hóa ứng xử trong gia đình. Và chỉ khi những nhân vật thật gần với trẻ mới có thể dẫn dắt trẻ sẻ chia, đồng cảm những thông điệp mà nhà văn gửi gắm”.
Cũng theo Võ Thu Hương, độc giả nhí ngày càng có nhiều lựa chọn về tiếp nhận thông tin. Khi sách đang có phần lép vế thì nhà văn viết cho thiếu nhi càng cần có sự tìm tòi, sáng tạo để giữ được độc giả nhí. Thông điệp về văn hóa, cuộc sống trong văn học dĩ nhiên phải khác trong sách kỹ năng, sách đạo đức.
Trên thị trường, số lượng sách văn học thiếu nhi của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt đang chiếm phần lớn. Nguyên nhân chính do tác phẩm văn học cho thiếu nhi ở trong nước chưa thật sự nổi trội, đủ sức quyến rũ. Để có đội ngũ sáng tác cho thiếu nhi đông đảo, hùng hậu hơn, có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, đòi hỏi sự nỗ lực của người viết và những quyết sách của các cơ quan quản lý, chuyên môn.
Nhà văn Võ Diệu Thanh (An Giang) tâm sự: Sự thiếu hụt mảng sách thiếu nhi là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nói viết sách cho thiếu nhi không đơn giản bởi tâm hồn trẻ thơ rất trong sáng, nên phải viết làm sao để trẻ thấy nhân vật gần gũi với suy nghĩ, cảm xúc và cuộc sống của mình. Nếu người viết và áp đặt quá nhiều bài học, lối viết không mới, kém hấp dẫn sẽ dễ gây ra sự nhàm chán của trẻ.
Làm gì chăm lo lực lượng sáng tác?
Nói về việc khuyến khích sáng tác văn học thiếu nhi hiện nay, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong thời gian qua đã nhấn mạnh: “Hội đang thực hiện chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các tác giả viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em và kêu gọi xã hội cùng mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của đất nước cho trẻ em. Đặc biệt là trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi trong 5 năm (2021 - 2025), nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi và về thiếu nhi, làm đa dạng, sinh động thêm đời sống văn học nói chung, mảng văn học về đề tài thiếu nhi nói riêng. Tất cả những gì mà các nhà văn làm hôm nay cho trẻ em và cho thế hệ trẻ, dù chỉ là một điều nhỏ bé cũng góp phần vào sự chuẩn bị trọng đại của cả đất nước cho một tương lai tốt đẹp”.
Còn theo nhà văn Văn Thành Lê, công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, việc phát hiện, bồi dưỡng, in ấn và quảng bá các tác phẩm của người viết nhỏ tuổi cũng rất quan trọng, bởi chính họ sẽ tham gia vào đội ngũ những người viết kế cận, có lợi thế hiểu tâm lý bạn đọc cùng trang lứa mình nhất. “Hàng năm Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn tiếp nhận rất nhiều bản thảo của tác giả ở đủ độ tuổi viết cho thiếu nhi. Nhưng rõ ràng “mùa ngọt” như thời những Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Trần Hồng Kiên “dắt nhau vào thơ” đã qua lâu rồi.
Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn giới thiệu tác phẩm đầu tay của những tác giả nhỏ tuổi, như thơ của Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, truyện của Vũ Hương Nam, hay gần đây là tập truyện Chuyện của Bắp ăn mơ ở xóm Đồi Rơm của Cao Khải An”, nhà văn Văn Thành Lê cho biết.
Đồng quan điểm, nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hùng nêu thêm giải pháp: “Với giới nghiên cứu, phê bình, cần có sự quan tâm hơn nữa với sáng tác văn học thiếu nhi. Một mặt giữ vai trò cầu nối, giúp các em và phụ huynh có thể tiếp cận những tác phẩm hay, có giá trị; mặt khác, phát hiện, đồng hành với những cây bút tài năng, chỉ ra những thành tựu cũng như hạn chế để các em hoàn thiện tác phẩm cho được tốt hơn”.
Một điều nữa, các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, nhà sách tư nhân cũng cần chung tay đầu tư về hình thức sách, phù hợp với tâm lý, thị hiếu trẻ nhỏ; mở nhiều hơn các chiến dịch quảng bá gắn với các chương trình giới thiệu, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ; đưa sách về trường học và vùng núi, nông thôn… Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, mở rộng các tủ sách trong nhà trường, thôn, xóm… để giúp nhiều trẻ em được tiếp cận với sách, nhất là sách thiếu nhi.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam: “Chúng tôi mong muốn xây dựng được một mạng lưới tác giả viết cho thiếu nhi của Việt Nam, đặc biệt là các tác giả trẻ. Cần phải có một dòng sách thiếu nhi sáng tạo, tự chủ và có bản sắc và mong sẽ sớm có kết quả”.