Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tăng đầu tư công nghệ cho xuất bản

Xây dựng nền tảng xuất bản điện tử, đào tạo nguồn nhân lực... là những nỗ lực mà các nhà xuất bản thực hiện để phát triển sách số.

Thu âm cho sách nói tại studio. Ảnh: F.N.

Trong thời đại mới, Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển sâu rộng, tác động trực tiếp tới ngành xuất bản. Từ đây, xuất hiện những cách thức xuất bản mới, phương thức xuất bản hiện đại, phong phú, kết hợp công nghệ, nền tảng số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… Những loại hình xuất bản phẩm mới đã tạo ra những thay đổi trong văn hóa đọc, trong ngành sách.

Nỗ lực xuất bản điện tử

Chia sẻ về những nỗ lực chuyển đổi số trong tham luận Chuyển đổi số sách lý luận chính trị thời cơ và thách thức, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - cho biết hệ thống xuất bản, phát hành sách điện tử trên trang stbook.vn, gồm hàng nghìn đầu sách khác nhau, phong phú về nội dung, tạo thêm kênh cho bạn đọc có thể truy cập để mua và đọc sách điện tử trên máy tính và điện thoại di động.

Ngoài ra, hồi tháng 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt trang thương mại điện tử sachquocgia.vn. Trang thương mại điện tử được xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành với hàng trăm đầu sách lý luận chính trị, pháp luật, bao gồm cả sách giấy và sách điện tử, góp phần đưa nội dung quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phổ biến trong đời sống tư tưởng của nhân dân.

Trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống, Nhà xuất bản đã giới thiệu Audio Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên trang stbook.vn. Audio của Nhà xuất bản phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện sử dụng bản ghi âm giọng đọc của các giảng viên đang công tác, giảng dạy tại Học viện. Audio này có thể được truy cập và nghe miễn phí trên các thiết bị di động.

Về phía Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, đội ngũ nhà xuất bản đã cho ra mắt hệ thống xuất bản trực tuyến ebook365.vn. Đây là hệ thống xuất bản điện tử được đầu tư hiện đại phục vụ cho hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử không chỉ cho riêng Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông mà còn phục vụ các nhà xuất bản có nhu cầu xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng không xây dựng hệ thống.

Bên cạnh đó, nhà xuất bản này còn xây dựng trang thư viện điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (thuviendientu.mic.gov.vn). Đây là hệ thống xuất bản và đăng tải sách điện tử để cung cấp miễn phí tới bạn đọc các tài liệu về pháp luật chuyên ngành thông tin và truyền thông, các cơ chế, chính sách phát triển ngành… cùng nhiều đầu sách miễn phí về chính trị, lịch sử…

Trên cơ sở hạ tầng xuất bản điện tử này, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã xuất bản hàng nghìn đầu sách điện tử ở nhiều dạng: sách điện tử đơn giản, sách điện tử multimedia, sách nói, sách 3D…

Trong những năm qua, tỷ lệ sách điện tử của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã chiếm 34,1% (năm 2020), 43,4% (năm 2021) và 51,6% (năm 2022) so với tổng số xuất bản phẩm của đơn vị này.

Để làm được điều đó, đơn vị xuất bản phải thực hiện đầu tư cả về trang thiết bị, phần mềm lẫn nhân lực. Theo ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Tổng mức đầu tư hệ thống xuất bản điện tử gồm cả phần mềm hệ thống, phần mềm thiết kế, làm sách điện tử, các máy chủ và trang thiết bị khác là trên 17 tỷ đồng (thời điểm năm 2015).

Về trang thiết bị, ngoài máy tính, máy chủ, còn có thiết bị lưu trữ (SAN), thiết bị tường lửa, bộ chuyển mạch phục vụ cho hệ thống xuất bản trực tuyến và sàn thương mại điện tử… Có những phần mềm chuyên biệt cho công tác xuất bản điện tử như Ebook Maker, Adobe Creative Suite CS5 Master collection, ToolBook Instructor… phần mềm biên tập âm thanh, thiết bị, phòng thu để làm sách nói.

Về nhân lực, nhiều người được tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ, tập huấn chuyên môn về xuất bản số…

Theo ông Trần Chí Đạt, sách điện tử so với sách in có những đặc thù riêng, vì vậy, công tác biên tập xuất bản cũng có những khác biệt và cần có những yêu cầu đặc thù: ngoài chuyên môn biên tập, còn cần trình độ công nghệ thông tin để quản trị hệ thống xuất bản điện tử và làm sách điện tử.

hoi nghi giao ban anh 1

Từ Hội sách Trực tuyến quốc gia, sàn book365 đã trở thành điểm đến của người làm sách và bạn đọc. Ảnh: Việt Hùng.

Thách thức đặt ra

Trước những phát triển này, ngành xuất bản cũng đối mặt với những thách thức mới. Phát biểu tại Hội Nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xuất bản phẩm điện tử. Cần quy định cụ thể hơn về khái niệm và cách thức hoạt động của xuất bản phẩm điện tử. Xuất bản phẩm điện tử là tương lai của ngành xuất bản, do vậy, việc điều chỉnh quy định liên quan xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử rất cần thiết.

Theo tham luận của ông Phạm Minh Tuấn, có 6 vấn đề đặt ra cho hoạt động số hóa nền xuất bản: Nguồn nhân lực số chưa phát triển; Đầu tư trang thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ hiện đại chưa đủ; Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số chưa đồng bộ; Công tác quản trị, điều hành, xây dựng mô hình xuất bản cần phù hợp hơn; Bản quyền sách trên nền tảng số cần được bảo vệ; Đổi mới nội dung ấn phẩm.

Ông Trần Chí Đạt cho rằng chính sách Nhà nước đối với hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử còn cần điều chỉnh sao cho giảm bớt khó khăn cho các cơ sở phát hành và khuyến khích hoạt động xuất bản điện tử phát triển. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp công nghệ và nội dung số có nhu cầu liên kết với các nhà xuất bản, công ty phát hành, ông Trần Chí Đạt đề xuất Luật có quy định cụ thể, rõ ràng trong việc này để cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong quản lý lĩnh vực phát hành điện tử; đồng thời huy động được thêm nguồn lực xã hội tham gia xuất bản điện tử.

Trong tham luận gửi hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy chia sẻ góc nhìn của mình về ngành xuất bản điện tử.

Để ngành xuất bản của Việt Nam nói chung, trong đó có xuất bản sách khoa học kỹ thuật, tận dụng được thời cơ, góp phần xây dựng “xã hội số”, “văn hóa số”, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội xuất bản Việt Nam phối hợp cùng Bộ Khoa học và công nghệ xây dựng trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ xuất bản, đẩy mạnh triển khai sách tương tác, sách thực tế ảo và sách trí tuệ nhân tạo… để hiện đại hóa ngành xuất bản Việt Nam, phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành nước có ngành xuất bản phát triển của khu vực và thế giới.

Xuất bản góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt

Xây dựng nền xuất bản lành mạnh đã, đang và vẫn là phương hướng, nhiệm vụ chính của Hội Xuất bản Việt Nam.

Xây dựng ngành xuất bản tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa

Tại hội nghị giao ban chủ quản xuất bản, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm khẳng định xu hướng xuất bản với 3 tiêu chí: tinh gọn, chất lượng, hiện đại.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm