Hình ảnh tại phố sách Hà Nội trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, 21/4. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bước qua đại dịch, ngành sách thế giới tiếp tục gặp những thử thách trong năm 2022. Khủng hoảng nguyên liệu, giá giấy liên tục tăng cao… khiến thị trường xuất bản thế giới không giữ được đà tăng trưởng.
Đối mặt với những khó khăn chung đó, xuất bản Việt Nam đã tìm hướng phát triển; trong đó tập trung xuất bản điện tử, sách nói.
Sách điện tử bứt phá mạnh mẽ
Giữa cuộc khủng hoảng giấy toàn cầu, giá giấy in sách liên tục tăng, việc phát triển xuất bản điện tử là bước chuyển phù hợp. Điều này cũng thích ứng với xu thế chuyển đổi số chung của mọi ngành nghề, trong đó có xuất bản.
2022 là năm sách điện tử Việt phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, số đầu xuất bản phẩm điện tử 2022 ước đạt 3.200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.
Đây là kết quả của những chính sách phù hợp cùng nỗ lực của các đơn vị xuất bản. Ngành sách đã phát triển nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, hình thành nền tảng dùng chung cho 9 nhà xuất bản, đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản điện tử lên 19, đạt 33,3% trong năm 2022, vượt chỉ tiêu đặt ra 25%.
Số đầu xuất bản phẩm điện tử 2022 ước đạt 3.200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021.
Toàn ngành đã có 13 doanh nghiệp hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử; đang triển khai dự án xã hội hóa, phát triển mạng dùng chung hỗ trợ công tác báo cáo, trao đổi thông tin, nộp lưu chiểu cho 57 nhà xuất bản.
Trong hai năm đại dịch, sách nói trỗi dậy ở nhiều quốc gia; tại Việt Nam, các nền tảng sách nói xuất hiện và phát triển. Đó là khoảng thời gian xây dựng nền tảng để đến 2022, sách nói có sự bứt phá mạnh mẽ.
Một số thị trường sách mới hình thành trong năm qua. Sách nói với doanh thu gần 100 tỷ đồng; sách tóm tắt với trên 4.000 sản phẩm trên các nền tảng như Waka, VoizFM, Fonos, Reavol…
Ở định dạng sách in có sự thay đổi về số đầu sách và bản sách. Tính đến hết tháng 11/2022, toàn ngành xuất bản được 32.496 đầu xuất bản phẩm in với 487.385.936 bản, giảm 13% về số cuốn nhưng tăng 5,4% về số bản, trong đó dạng sách đạt 29.781 cuốn (giảm 16%) với 469.966.348 bản (tăng 8%). Xuất bản phẩm loại khác đạt 1.515 xuất bản phẩm với 17.419.591 bản, giảm 47%. Sách giáo khoa, sách tham khảo, bổ trợ phổ thông đạt xấp xỉ 260 triệu bản, giảm 8%.
Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy mức sản xuất bình quân/người/năm đạt 4,9 bản (chưa tính sách điện tử và sách nói) tăng 5,4%. Nếu tính cả sách điện tử và sách nói sẽ vào khoảng 5,2-5,3 bản/người/năm, trong đó có 2,7 bản không phải sách giáo khoa và sách tham khảo, bổ trợ phổ thông.
Đáng chú ý, doanh thu các nhà xuất bản ước đạt 3.200 tỷ, tăng 6%.
Phân tích số liệu có thể thấy số đầu sách giảm nhưng số bản sách tăng, doanh thu tăng. Điều này cho thấy hiệu quả kinh tế xuất bản đang tăng trưởng, đem đến triển vọng đạt và vượt chỉ tiêu 5,5 bản sách/người vào 2025.
Nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc
Văn hóa đọc luôn gắn liền với hoạt động xuất bản. Người đọc vừa là đối tượng hưởng thụ xuất bản phẩm, đồng thời thúc đẩy xuất bản phát triển. Trong năm qua, các sự kiện, hoạt động ý nghĩa về văn hóa đọc đã được thực hiện.
Lần đầu tiên, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được thực hiện. Ngày 19/4 tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công Lễ Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất, mở ra chuỗi hoạt động hưởng ứng đọc sách trên toàn quốc.
Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất là hoạt động được đông đảo công chúng hưởng ứng. Hội sách TP.HCM với thiết kế theo 3 không gian gồm: 57 không gian chuyển đổi số, không gian thành phố sách và không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc. Hội sách thu hút trên 1 triệu lượt bạn đọc, phát hành trên 200.000 bản sách, đạt doanh thu cao 4,5 tỷ đồng.
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trải nghiệm sách nói trong khu trưng bày các ấn phẩm chuyển đổi số hôm 5/10 tại Hà Nội. Ảnh: Thụy Trang. |
Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2022 chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Nhất thu hút sự tham gia của 75 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 20.000 đầu sách, tổ chức được 7 sự kiện tọa đàm, giao lưu nhiều tác giả, nhà văn, nhà khoa học. Điểm sáng của hội sách trực tuyến năm nay là cuộc thi “Nhà thông thái”, khuyến khích độc giả đọc sách, ghi nhớ và ứng dụng tri thức vào cuộc sống.
Trở thành một hoạt động được mong chờ hàng năm của người đọc sách và người làm sách, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 5 trao giải vào tháng 10. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam đã trao thưởng cho 26 tác phẩm, công trình có giá trị.
Các cuốn sách được trao Giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Vào tháng 10, Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức. Đây là dịp để nhìn lại những đóng góp to lớn của xuất bản, in và phát hành sách trong 70 năm qua; tri ân những người đã cống hiến cho sự nghiệp làm sách.
Đồng thời, chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành xuất bản cũng truyền động lực, ngọn lửa đam mê, sự cống hiến và sáng tạo tới đội ngũ làm sách trẻ.
Nhìn lại một năm ngành xuất bản, bên cạnh những điểm sáng còn có những điểm cần khắc phục. Cụ thể, quy mô, năng lực hoạt động của nhà xuất bản còn hạn chế. Chất lượng một số mảng sách chưa cao; còn ít sách phát hành với số lượng lớn (từ 500.000 bản trở lên). Tình trạng in, phát hành lậu, xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng chậm được khắc phục.
Bởi vậy, bên cạnh thực hiện xuất bản điện tử, việc nâng cao quy mô, năng lực của nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, bảo vệ bản quyền cũng là những giải pháp để phát triển ngành sách trong thời gian tới.