Những ngày tháng tư này, khắp nơi trên cả nước đang thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất. Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói rằng với người làm sách, việc phát triển văn hóa đọc luôn là trách nhiệm quan trọng.
Sách góp phần giúp chúng ta làm người, làm nghề
- Khi nói đến văn hóa đọc, đó là lĩnh vực cần nhiều ngành cùng chung tay phát triển. Thời gian qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện nhiều hoạt động khuyến đọc quan trọng. Ông nghĩ sao về trách nhiệm này?
- Phát triển văn hóa đọc là câu chuyện của không chỉ các cơ quan quản lý xuất bản hay quản lý văn hóa đọc ở Trung ương, địa phương. Nó còn là trách nhiệm của tất cả cấp, ngành, trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Tất nhiên cần có “nhạc trưởng”.
Lâu nay, khi nói tới các hoạt động phát triển văn hóa đọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều hoạt động lĩnh xướng. Cục Xuất bản, In và Phát hành có vai trò tham mưu, quản lý hoạt động xuất bản của Nhà nước. Nhưng xuất bản và văn hóa đọc là 2 mặt của một vấn đề, có liên hệ chặt chẽ. Chỉ khi xuất bản phát triển mới tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển và ngược lại. Hiểu điều đó nên chúng tôi coi phát triển văn hóa đọc là nhiệm vụ của chính mình.
Việc Thủ tướng ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với phát triển văn hóa đọc. Ngày Sách và Văn hóa đọc được thực hiện để ghi nhận đóng góp của người làm sách với phát triển văn hóa, xã hội. Nó cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn nữa cho những cơ quan quản lý về văn hóa, xuất bản, các cấp ngành của địa phương trong việc phát triển văn hóa đọc.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Duy Anh. |
- Năm nay, lần đầu Ngày Sách và Văn hóa đọc được triển khai, Cục Xuất bản, In và Phát hành có những hoạt động gì tiêu biểu?
- Là cơ quan tham mưu triển khai Ngày sách và Văn hóa đọc trên cả nước, năm nay, chúng tôi chú trọng 3 yêu cầu: Tổ chức chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc rộng khắp, không chỉ ở tỉnh, thành phố trung tâm mà lan tỏa đến các địa phương, hình thành phong trào khuyến đọc trong xã hội; Tổ chức lễ Khai mạc và hội sách trên thực địa, trực tuyến hấp dẫn, thu hút sự quan tâm dư luận; Truyền thông mạnh mẽ, đưa hoạt động này thành sự kiện hàng đầu của ngành xuất bản năm 2022, hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống của ngành.
Trong hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, có 2 chủ đề chúng tôi đặc biệt quan tâm, tổ chức nhiều sự kiện xoay quanh là: Xuất bản và văn hóa đọc với công cuộc chuyển đổi số; Xuất bản và phát triển văn hóa đọc để nuôi dưỡng và thực hiện khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường.
- Theo ông, hệ thống giáo dục có vai trò gì trong việc phát triển văn hóa đọc?
- Nói tới văn hóa đọc là nói tới thói quen, mà việc tạo thói quen nên làm từ nhỏ. Nhiều quốc gia đặt trách nhiệm phát triển văn hóa đọc ở giáo dục.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã quan tâm, có nhiều hoạt động khuyến đọc như: Xây dựng giờ đọc sách trong nhà trường, phát triển thư viện nhà trường…
Tuy vậy, ngoài sách giáo khoa phục vụ học tập, hiện nay, học sinh có rất ít thời gian để đọc sách. Các em chưa có nhiều thời gian để tiếp nhận sách giải trí, nâng cao kiến thức, sách để hiểu lịch sử văn hóa đất nước… Hệ thống giáo dục cần điều chỉnh, tạo dựng môi trường để con em chúng ta có thời gian tiếp cận sách, hình thành thói quen đọc sách.
- Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của phát triển văn hóa đọc với thị trường xuất bản?
- Văn hóa đọc là bệ đỡ cho xuất bản, mở rộng thị trường xuất bản. Nhiều người đọc sách thì thị trường xuất bản mới phát triển được. Nhưng chúng ta phát triển văn hóa đọc không chỉ có mục tiêu duy nhất là phát triển thị trường, mà nó còn là nâng cao chất lượng đọc. Văn hóa đọc còn bao hàm trong nó yêu cầu đọc có văn hóa.
Thời gian qua, văn hóa đọc có sự cải thiện khá nhiều: Bạn đọc trẻ hướng đến sách chất lượng hơn, tiểu thuyết ngôn tình được thay thế bằng sách giàu nhân văn, giá trị hơn. Độc giả cũng tìm đến các sách mang giá trị chân - thiện - mỹ.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, chúng ta còn nhiều việc phải làm để có nhiều người đọc sách, yêu sách; để sách góp phần giúp mỗi người làm nghề, làm người và cho họ cuộc sống hạnh phúc.
Nhiều hoạt động nhằm tạo dựng thói quen đọc sách được thực hiện thời gian qua. Ảnh: Thu Thủy. |
Hội sách trực tuyến giúp đơn vị xuất bản làm quen chuyển đổi số
- Hai năm trước, Hội sách trực tuyến quốc gia tổ chức thay thế cho hội sách thực địa vì Covid-19. Năm nay, hội sách trực tiếp đã trở lại, vì sao hội sách trực tuyến vẫn được duy trì?
- Hội sách trực tuyến quốc gia được tổ chức từ năm 2020, là giải pháp tình thế do Covid-19. Đây đồng thời là bước để các đơn vị xuất bản làm quen chuyển đổi số. Qua mỗi năm tham gia Hội sách trực tuyến quốc gia, các đơn vị xuất bản nhận thức sâu sắc hơn về chuyển đổi số.
Đến nay, các nhà xuất bản đều nhắc tới câu chuyện chuyển đổi số; kể cả các đơn vị có nguồn lực hạn chế cũng mong muốn chuyển đổi. Hội sách trực tuyến đóng góp cho sự thay đổi nhận thức ấy.
Bên cạnh thay đổi nhận thức, hội sách giúp đưa xuất bản phẩm tới bạn đọc vùng sâu, vùng xa. Vùng nông thôn, miền núi… có nhu cầu về sách; là thị trường tiềm năng cho các đơn vị xuất bản nếu áp dụng công nghệ, thực hiện chương trình tài trợ, khuyến mãi phù hợp.
Qua mỗi năm tham gia Hội sách trực tuyến quốc gia, các đơn vị xuất bản nhận thức sâu sắc hơn về chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành
Hội sách trực tuyến cũng góp phần định hướng cho nội dung đọc trên thị trường. Sàn thương mại điện tử cho thấy nhu cầu đọc thị trường thay đổi. Trước đây, nhiều người đọc để học, để giải trí. Giờ đây, qua những cuốn sách họ chọn trên hội sách, có thể thấy nhiều người đọc để nắm bắt thông tin kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội các nước. Mạng xã hội có nhiều thông tin, nhưng sách là thông tin chính thống, chính xác.
Hội sách trực tuyến góp phần vào nhiệm vụ chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác xuất bản. Từ hội sách lần thứ nhất đến lần sau, các đơn vị đã làm quen; từ những lúng túng ở mùa đầu, đến nay giao dịch điện tử dần tốt hơn.
Vì những ý nghĩa đó, Hội sách trực tuyến quốc gia tiếp tục được duy trì, phát triển và đổi mới qua từng mùa.
- Năm nay, Hội sách trực tuyến quốc gia có điểm gì đặc biệt?
- Ban tổ chức đều đưa ra cải tiến ở mỗi mùa hội sách. Năm thứ nhất, trong tình thế hạn chế tiếp xúc do Covid-19, hội sách đẩy mạnh giao lưu, tọa đàm trực tuyến.
Năm thứ hai, chúng tôi mở sân chơi quốc tế với hơn 40 nhà xuất bản trên thế giới, khu vực tham gia. Điều đó cho thấy chúng ta bắt kịp xu hướng thế giới.
Kế thừa hai mùa trước, năm nay, hội sách kết hợp phát triển văn hóa đọc thông qua sân chơi mới cho bạn trẻ là cuộc thi “Nhà thông thái”. Cuộc thi khuyến khích bạn đọc tìm hiểu kiến thức từ sách. Ứng dụng công nghệ giúp người chơi hứng thú hơn khi tham gia cuộc thi.
Tất nhiên, vai trò quan trọng nhất của hội sách trực tuyến vẫn là giới thiệu và đưa sách hay đến bạn đọc.