Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đọc đúng cách giúp con thêm yêu sách

TS Nguyễn Thị Thu cho rằng để trẻ có trải nghiệm vui khi đọc là điều quan trọng nhất. Trước hết, cha mẹ phải lựa chọn được sách hay và đọc cùng con mỗi ngày.

Bà Thủy Tiên - giáo viên dạy tiếng Việt tại Thụy Sĩ - là mẹ của 2 con gái. Do điều kiện công việc và cuộc sống, khung thời gian bà dành để đọc sách cho 2 con có sự chênh lệch. Đến khi con lớn, người mẹ này nhận thấy bé được mẹ đọc sách cho nghe nhiều hơn có vốn từ đa dạng hơn hẳn so với bạn còn lại.

Từ đó, bà Tiên hiểu được vai trò của việc đọc sách đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Đây cũng là một phần nội dung được đưa ra trao đổi trong tọa đàm với chủ đề “Đọc đúng cách - Giúp con thêm yêu sách”, diễn ra chiều 9/4 dưới hình thức trực tuyến.

doc sach cung con anh 1

Những cuốn sách ehon được cho là phù hợp với trẻ nhỏ khi mới bắt dầu làm quen sách. Ảnh: EH.

Chọn sách phù hợp

TS Nguyễn Thị Thu là tác giả của những đầu sách “hot” dành cho cha mẹ có con nhỏ như Kỷ luật mềm của trái tim, Đọc ehon cho bé, Kỷ luật mềm trong gia đình...

TS Thu cho rằng để con có trải nghiệm vui khi đọc sách là điều quan trọng nhất và muốn tạo dựng được niềm vui ấy, cha mẹ cần phải tìm được sách hay. Từ đó, bà đưa ra 3 tiêu chí chọn sách: Nội dung, sự phù hợp với từng độ tuổi và sở thích của trẻ.

Cụ thể, trong độ tuổi 0-2, cha mẹ nên cho trẻ tiếp cận các cuốn sách ehon với phần hình ảnh đơn giản, rõ nét, không có quá nhiều nhân vật và màu sắc. Ở độ tuổi này, các con mới bắt đầu tiếp cận ngôn ngữ, nên phần lời thoại trong sách phải được trình bày thật ngắn gọn, dễ hiểu. Hình ảnh và lời thoại phải đi liền với nhau và được biểu đạt một cách ăn khớp nhất.

“Cha mẹ nên lựa chọn sách có trải nghiệm gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các con, giúp các bé dễ tiếp thu hơn. Ngoài ra, cũng nên đọc qua nội dung trước khi quyết định đọc cho con nghe”, TS Nguyễn Thị Thu gợi ý.

Bà Thu cũng cho rằng từ độ tuổi lớn hơn 2, trẻ bắt đầu hình thành sở thích. Việc tôn trọng sở thích của trẻ cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong khâu chọn sách. Điều đó giúp các bé có hứng thú hơn khi đọc.

Bà Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh - CEO Tiệm Mọt (chuỗi tiệm sách cho người Việt ở nước ngoài) - cho biết trên thị trường sách thiếu nhi hiện nay, các ấn phẩm thường được ghi chú dành cho độ tuổi nào.

“Đó cũng là một cách tham khảo trước khi quyết định mua. Tuy nhiên, nhiều trẻ có khả năng phát triển ngôn ngữ và tư duy tốt hơn so với độ tuổi và ngược lại, nên cha mẹ cũng cần nương theo nhận thức và sở thích của con; có thể mua sách về đọc thử và quan sát phản ứng của con”, bà Hạnh nói.

doc sach cung con anh 2

Khi đọc sách, cha mẹ nên tương tác cùng con để tăng hứng thú cho trẻ. Ảnh: YN.

Đọc sách đúng cách

“Đọc lặp đi lặp lại nhiều lần; với cùng một cuốn truyện nhưng mỗi lần đọc, cha mẹ nên gia tăng lượng từ nhất định; trong độ tuổi 0-2, cha mẹ nên đọc mỗi cuốn 5-10 lần cho các con nghe” là những gợi ý của TS Nguyễn Thị Thu khi đọc sách cùng con.

Trong khi đó, bà Nguyễn Quí Quỳnh Hạnh gợi ý nên đọc cho con theo quy tắc “quay vòng”. Tức là, nếu cha mẹ mua 10 cuốn sách, hãy cất đi 5 cuốn và đọc 5 cuốn trước, rồi lặp lại. Một thời gian sau, khi đọc lại cho trẻ những cuốn đó, các con sẽ vừa được “ôn lại bài”, vừa có cảm giác “hứng thú như được tiếp cận sách mới”.

“Với bà mẹ nuôi con ở nước ngoài như tôi, con sẽ có ít cơ hội tiếp cận tiếng Việt và bị thiếu vốn từ so với các bạn nhỏ sống trong nước. Khi đó, sách là nơi cung cấp vốn từ rộng mở cho các con”, CEO Tiệm Mọt chia sẻ.

Đồng tình với điều này, TS Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng có 2 loại ngôn ngữ: Văn bản và đời sống. Trong đó, sách là phương thức quan trọng giúp con tiếp cận ngôn ngữ. Khi đọc cùng con, cha mẹ nên trò chuyện thêm để nâng cao khả năng ngôn ngữ ở trẻ.

“Những cuốn sách thiếu nhi thường đi kèm hình ảnh minh họa. Khi đọc mỗi câu chuyện, cha mẹ có thể lồng ghép biểu cảm cho từng đoạn. Điều này giúp con hiểu hơn về ngôn ngữ văn bản trong sách”, TS Thu lý giải.

Là giáo viên dạy tiếng Việt tại Thụy Sĩ, hơn ai hết, bà Thủy Tiên hiểu được tầm quan trọng của việc đọc đối với sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ.

“Cha mẹ nên dùng giọng điệu thường nhật khi đọc để tạo sự gần gũi với con hơn. Đôi khi trong sách có những từ khó so với độ tuổi của trẻ, cha mẹ cần điều chỉnh vốn từ cho phù hợp, giải thích rõ cụm từ đó thông qua ngôn ngữ đời thường”, bà Tiên chia sẻ.

doc sach cung con anh 3

Các diễn giả và bà mẹ Việt tham gia giao lưu chiều 9/4.

Tại buổi giao lưu, các bà mẹ Việt có con nhỏ đều nhận định rằng một thực trạng dễ thấy hiện nay là nhiều trẻ nhỏ có thói quen “làm bạn” với các thiết bị điện tử và ít dành thời gian để đọc sách.

Lý giải về điều này, TS Thu cho rằng nguyên nhân chính nằm ở các bậc phụ huynh. “Họ luôn đưa smartphone cho con mỗi khi con quấy khóc. Hơn nữa, nếu con không nhìn thấy hình ảnh bố mẹ đọc sách, thì làm sao con thấy hứng thú với sách được?”, TS Thu đặt câu hỏi.

Theo bà Thu, cha mẹ nên thử cho con làm quen sách 10-15 phút mỗi ngày. Mỗi tối khi học bài xong, để con tự chọn sách và đưa hoạt động đọc vào khung thời gian biểu cố định. Thay vì yêu cầu con tự giác đọc một cách cứng nhắc, hãy trao đổi với con để chọn ra khung giờ cụ thể rồi đặt lịch hẹn.

“Cha mẹ có trách nhiệm nhắc nhở con trước mỗi khung giờ đó và đề ra mục tiêu đọc cho con. Khi đạt được mục tiêu, trẻ mới có động lực để đọc tiếp. Tôi tin rằng khi con có thói quen đọc rồi, con sẽ coi sách như một món đồ chơi”, TS Thu chia sẻ.

Những cuốn sách giúp tìm cảm hứng đọc cho trẻ

Để bạn đọc nhỏ tuổi hình thành thói quen tiếp cận sách thường xuyên, một số ấn phẩm mới ra mắt có tính tương tác, kích thích trí tò mò, ham khám phá của các em.

Sách cho trẻ dưới 6 tuổi ngày càng phát triển

Những tác phẩm với màu sắc, tranh vẽ sinh động, đa tương tác, có tính giáo dục cao được các đơn vị làm sách chăm chút, phụ huynh đón nhận.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm