Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều hoạt động trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra tại không gian chính là phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.

Ngày 18/4, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM họp báo về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) sẽ là trung tâm tổ chức chuỗi sự kiện lần này với nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc và giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong ngành xuất bản.

Ngay sach va van hoa doc Viet Nam anh 1

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) - chia sẻ về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Ảnh: Duy Hiệu.

Lần đầu TP.HCM tổ chức sự kiện sách cấp quốc gia

Ngày 4/11/2021, Thủ tướng có quyết định về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, thay thế cho Ngày Sách Việt Nam trước đây.

Theo đó, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức vào ngày 21/4 hàng năm trên phạm vi toàn quốc để tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chia sẻ việc lựa chọn TP.HCM là nơi tổ chức sự kiện chính Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất vì đây là một trong hai trung tâm văn hóa lớn của cả nước. TP.HCM cũng là nơi đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số.

“Năm qua, TP.HCM chịu nhiều tác động từ đại dịch, các hoạt động xuất bản và phát hành tại đây cũng trải qua giai đoạn khó khăn và đã có sự hồi phục từ cuối năm. Thế nên việc chọn TP.HCM là nơi tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất cũng nhằm động viên và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ hơn”, ông Nguyễn Nguyên nói.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên TP.HCM phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức sự kiện về ngành sách, xuất bản có quy mô cấp quốc gia.

Sự kiện tại TP.HCM không chỉ gói gọn ở phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường sách Nguyễn Văn Bình mà tại 21 quận, huyện. Thành phố Thủ Đức cũng có các hoạt động riêng kéo dài đến hết tháng tư.

“Chương trình lần này đánh dấu lần đầu tiên tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, sự chuyển mình trong chuyển đổi số của ngành xuất bản thành phố và là điểm nhấn về văn hóa đọc của thành phố trong thời gian tới”, ông Thắng cho hay.

Ngay sach va van hoa doc Viet Nam anh 2

Độc giả sẽ có cơ hội trải nghiệm sách nói tại không gian chuyển đổi số. Ảnh: Chí Hùng.

Không gian trải nghiệm sách hiện đại

Từ ngày 19/4 đến 24/4, phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ có 3 không gian hiện đại dành để trưng bày cho bạn đọc trải nghiệm, tham quan.

Trong đó, không gian chuyển đổi số sẽ có sách nói, điện tử, sách tương tác, 3D thực tế ảo… Đồng thời, các mô hình, giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo, công cụ hỗ trợ rà soát, biên tập dành cho ngành xuất bản bằng giọng nói... cũng được giới thiệu trong khu vực này.

Việc chọn TP.HCM là nơi tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất cũng nhằm động viên và thúc đẩy phát triển văn hóa đọc mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Nguyên

Trao đổi với Zing, ông Lê Hoàng Thạch, CEO của VoizFM, cho hay đơn vị có các khu vực riêng biệt với những ứng dụng khác nhau dành cho độc giả, bao gồm hộp âm thanh để trải nghiệm trực tiếp sách nói, tích hợp mượn sách nói tại khu vực thư viện số hay không gian trò chơi thử thách để độc giả phân biệt giọng đọc của AI và người thật.

“VoizFM có khu vực trải nghiệm sách nói dành riêng cho người khiếm thị, đây là mô hình mới mà chúng tôi muốn mang đến lần này”, ông Thạch nói.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, không gian "Thành phố sách" được xây dựng để trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại. Các đầu sách quý, tư liệu hiếm từ Thư viện TP.HCM cũng được trưng bày để công chúng thuận tiện tham khảo.

Khu vực này cũng là nơi diễn ra hoạt động giao lưu với tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm chuyên đề về sách, chương trình văn hóa - nghệ thuật...

Không gian thứ ba được ra mắt tại đây là mô hình giới thiệu về văn hóa đọc, triển lãm các tủ sách viết về doanh nhân Việt, sách do doanh nhân Việt viết, tủ sách Nobel, tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, tủ sách dòng họ, tủ sách gia đình/trường học, tủ sách cộng đồng, thư viện thông minh…

Theo ông Lâm Đình Thắng, sự kiện lần này quy tụ hơn 20 đơn vị xuất bản, phát hành trong cả nước tham dự với hơn 500.000 tựa sách được trưng bày, giới thiệu cùng nhiều mô hình xuất bản, phát hành sách điện tử, sách nói,…

Trong khuôn khổ sự kiện lần này, nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu sách, tọa đàm văn hóa đọc và trưng bày các mô hình tủ sách chuyên biệt như “Tủ sách dành cho con trong gia đình”, “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học”, Tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... sẽ diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình.

Ngoài ra, Đường sách TP.HCM ra mắt mô hình máy bán sách tự động do đơn vị Sài Gòn Books vận hành mang đến trải nghiệm độc đáo cho công chúng.

Những điểm mới của Hội sách trực tuyến quốc gia 2022

Hội sách cấp quốc gia năm nay hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm của cộng đồng thông qua nhiều cuộc thi và chương trình hấp dẫn.

Lần đầu tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc

Nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức trên khắp cả nước, trong đó nổi bật là lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc, hội sách tại TP.HCM và hội sách trực tuyến.

Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm